Những anh hùng bình dị

08/05/2014 - 06:53

PNO - PN - Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014), Báo Phụ Nữ đã có cuộc gặp Anh hùng, đại tá Phùng Văn Khầu – chàng thanh niên người Nùng một mình điều khiển sơn pháo và Anh hùng, đại tá Hoàng Đăng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung anh hung binh di

Đại tá Phùng Văn Khầu

 “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”

Trò chuyện với Anh hùng Phùng Văn Khầu, chúng tôi thêm thấm thía câu nói nổi tiếng của Trung tướng Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Nói về những ngày đầu tham gia chiến dịch, dù nay đã ở tuổi 85 nhưng ông vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc phấn chấn như 60 năm về trước.

“Năm 1954, khi quân ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đang công tác tại Đại đội 755, thuộc Trung đoàn sơn pháo 675 - đơn vị pháo mang vác đầu tiên của Việt Nam. Lúc bấy giờ, đại đội của chúng tôi không được điều lên trận địa ngay mà làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương ở tỉnh Phú Thọ. Mỗi khi nghe tin báo về, biết anh em đang lăn xả nơi chiến trận, trong người tôi cứ bứt rứt, đứng ngồi không yên. Đến ngày 18/3, đại đội nhận được lệnh lên Điện Biên nhập chiến dịch. Tất cả anh em reo vang cả một góc rừng. Cái cảm giác lúc ấy “sướng” lắm! Tối 19/3, chúng tôi “phăm phăm” hành quân ra đường cái mà chẳng cần thắp đèn đóm”, đại tá Khầu kể.

Đại đội 755 chiến đấu trong đợt hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, từ ngày 30/3 - 7/5, mở màn bằng trận đánh chiếm đồi E. Đây cũng là nơi ghi dấu “kỳ tích” của chàng thanh niên người dân tộc Nùng Phùng Văn Khầu. Ông Khầu nhớ lại, chiều 30/3, toàn bộ pháo của đại đội được đặt cách đồi E khoảng 150 thước. Đơn vị được giao nhiệm vụ phải tiêu diệt bốn lô cốt với lượng pháo tối đa là 30 viên. Oái oăm ở chỗ, dù khoảng cách xa nhưng Phùng Văn Khầu lại không thể sử dụng được máy ngắm do… không biết chữ. Ông bèn chuyển sang phương pháp thủ công là ngắm pháo qua nòng.

Ông hài hước: “Phát thứ nhất nổ rầm nhưng đi chệch lỗ châu mai. Tôi đứng dậy ước tính đã bắn sai vị trí khoảng mười thước. Sau khi chỉnh lại nòng pháo, viên pháo thứ hai chui tọt vào lỗ châu mai. Khói cuộn lên ngùn ngụt. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau sung sướng. Đại đội trưởng tiếp tục hô to: “Cho nó thêm hai phát nữa Khầu ơi”. Kể từ đó, 22 lần bắn sau đều trúng đích. Chúng tôi giải phóng đồi E”. Kết thúc trận đánh mở màn, Đại đội 755 tiêu diệt bốn lô cốt, năm khẩu pháo 105, một kho đạn và hàng trăm tên địch.

Sau đó, đại đội 755 tiếp tục bảo vệ đồi E suốt 36 ngày đêm. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất, quân ta phải giành giật từng mét đất khi địch tăng cường phản pháo. Ngày 23/4, bảy chiến sĩ trong Đại đội 755 đã hy sinh, 29 người khác bị thương nặng. “Cả đơn vị tôi chỉ còn bốn người lành lặn ở lại canh giữ đồi là tôi, đại đội trưởng, chính trị viên và một người liên lạc”, ông Khầu ngậm ngùi. Cái khó nhất của đại đội pháo lúc bấy giờ là thiếu người điều khiển pháo. Thông thường phải có tới bảy người làm nhiệm vụ: người số một kéo cò nổ, số hai lấy máy ngắm, số ba nạp đạn, số bốn thông nòng…

Nhưng, với tình hình cấp bách lúc bấy giờ, ông Khầu bảo: “Trước mặt mình có một khẩu pháo to như thế mà không dùng thì… lãng phí” và lại tìm cách xoay xở. Chính tinh thần ấy đã lập nên kỳ tích đầu tiên trong lịch sử sơn pháo 75, khi chiến sĩ Phùng Văn Khầu một mình điều khiển pháo thành công, tiêu diệt bốn khẩu pháo 105 của quân địch, bảo vệ được đồi E.

Nói về chiến công của mình, Đại tá Phùng Văn Khầu hồn nhiên: “Bí kíp của tôi là không bao giờ nghĩ đến cái chết. Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi luôn giữ vững được niềm tin ấy. Mình còn sống nghĩa là còn tiêu diệt thêm được quân thù”.

Giây phút thiêng liêng trong đời binh nghiệp

Chiều 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đặt dấu chấm hết cho cuộc xâm lược của Pháp trên đất nước Việt Nam. Giây phút lịch sử ấy, với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Hoàng Đăng Vinh đặc biệt hơn rất nhiều, bởi ông là người lính cuối cùng trong tổ đội bắt sống tướng địch Đờ Cát. Trong ngôi nhà ở TP.Bắc Ninh, Đại tá Hoàng Đăng Vinh nhâm nhi chén trà, hồi tưởng lại những giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Nhung anh hung binh di

Đại tá Hoàng Đăng Vinh

17g ngày 7/5, Đại đội 360 nhận nhiệm vụ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống “não bộ” của quân địch. Khi đó, dù mới 19 tuổi nhưng Hoàng Đăng Vinh đã trực tiếp chỉ huy một tiểu đội tiến vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau khi qua cầu Mường Thanh, đánh một trận quyết liệt, tiêu diệt được khẩu đại liên bốn nòng của địch, ông Vinh nhận thấy điểm kỳ lạ: “Trước mặt chúng tôi là một ụ đất nổi nhưng có tới bốn chiếc xe tăng cứ chạy lòng vòng xung quanh. Trong lúc còn băn khoăn, chúng tôi tóm được một tên địch. Tra hỏi, hắn khai đó là hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát”.

Nghe đến đây, ông Vinh như không tin vào tai mình. Tiểu đội của ông Vinh quyết định tấn công thẳng vào hầm, lần lượt ném thủ pháo tiêu diệt hai chiếc xe tăng và khiến hai chiếc còn lại phải tháo chạy. Thừa thắng, các chiến sĩ tiến vào hầm nhưng quân địch vẫn còn ngoan cố. Phải đến khi các anh dùng thủ pháo thị uy, làm sạt lở miệng hầm, một tên lính Pháp mới nhô lên với chiếc cờ trắng trên tay. Tên địch lắp bắp: “Xin mời sĩ quan Việt Minh vào để chỉ huy Điện Biên Phủ đầu hàng”.

Nhung anh hung binh di

Tướng Đờ Cát cùng các sĩ quan Pháp ra hàng - Ảnh tư liệu.

“Lúc ấy, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã có mặt. Tôi được phân công cùng đồng chí Luật và đồng chí Bùi Văn Nhỏ vào bắt sống tướng Đờ Cát, hai đồng chí khác làm nhiệm vụ bịt cửa hầm. Trong hầm lúc bấy giờ còn khoảng 20 tên lính Pháp. Chúng tôi đi tới đâu, chúng lùi lại đến đó, sự hoảng sợ lộ rõ trên khuôn mặt. Tướng Đờ Cát ngồi im như tượng, không chịu giơ tay hàng”, Đại tá Hoàng Đăng Vinh hồi tưởng lại.

Trước sự ngoan cố của tướng giặc, ông Vinh tiến sát lại, thúc mạnh họng súng vào bụng Đờ Cát, hét lớn: “Hô-lê-manh” (giơ tay lên). Tên tướng giặc bật dậy, tuôn một tràng tiếng Pháp xin tha bắn. Giây phút dẫn giải Đờ Cát về đồi E, ông Vinh không thể nào quên cái dáng đi lom khom, mặt cúi gằm của tên tướng giặc khét tiếng ngày nào. Nhưng hình ảnh đẹp nhất với người chiến sĩ Điện Biên, có lẽ là cái thời khắc ông cùng đồng đội ngồi lại trên nóc hầm tướng Đờ Cát, lính giặc lũ lượt ra xin hàng. Dưới ánh chiều tà, quân ta ùa ra khắp các hầm hào, trận địa hô vang: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI