Nhiều trường công lập ở TP.HCM: Học phí ngoài giờ đắt hơn luyện thi!

07/08/2014 - 17:26

PNO - PN - Tiền học ngoài giờ (học thêm) ở một số trường đã bị đẩy lên cao ngất khiến phụ huynh học sinh thêm nặng gánh. Trong khi đó, việc sử dụng khoản tiền thu được lại không thống nhất, không công khai, minh bạch,...

edf40wrjww2tblPage:Content

"LÀM TIỀN" HỌC SINH?

Trong một cuộc họp mới đây, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6) thông báo kế hoạch năm học mới 2014 - 2015 đến giáo viên (GV), trong đó có mức thu tiền học thêm (HT) là 8.000đ/tiết học/học sinh (HS) và chi trả cho GV là 110.000đ/tiết (34%), để lại 15-20% cho quỹ tích lũy. Lãnh đạo trường không đề cập đến số tiền 46-51% còn lại sẽ chi như thế nào, chi vào việc gì. Thử tính: Trường THPT Nguyễn Tất Thành có 2.200 HS, trong đó có 1.500 HS khối 10 và 11, HT ba môn (toán, lý, hóa) với tám tiết/tuần; 700 HS khối 12, HT năm môn (toán, lý, hóa, tiếng Anh và văn) với 12 tiết/tuần. Như vậy, tổng số tiền thu được từ dạy thêm (DT) HT là gần 5,9 tỷ đồng/năm. 46-51% của số tiền tương ứng với 2,7 - 3 tỷ đồng, một khoản tiền quá “khủng”. Vì vậy, GV quan tâm đến khoản tiền này cũng là chính đáng.

Liên quan đến học phí DT HT, phụ huynh (PH) HS Trường THPT Nguyễn Tất Thành còn có thư phản ảnh: con em họ là những HS khối 10 (lên 11) và 11 (lên 12) đang phải HT khóa hè với học phí rất đắt. Cụ thể, khóa học kéo dài năm tuần (7/7 - 9/8), mỗi tuần học bốn buổi, tổng cộng 16 tiết, học phí cho HS khối 10 là 800.000đ, khối 11 là 960.000đ. Một PH bức xúc: “Thu học phí như vậy là quá "cắt cổ", chẳng khác nào làm tiền HS của mình”. Để thấy được mức độ "cắt cổ" thế nào, vị này tính: mỗi tuần có 16 tiết học, năm tuần là 80 tiết, tính ra HS lớp 10 phải trả 10.000đ và HS lớp 11 phải trả 12.000đ cho mỗi tiết học. “Mức thu này là đắt hơn cả mức học phí tại các trung tâm luyện thi ĐH hiện nay” - PH này khẳng định.

Khảo sát tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH (BDVH và LTĐH) Vĩnh Viễn (481/11 Trường Chinh, P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) - một trung tâm có mức học phí vừa phải, cho thấy, nhận xét của PH là không quá lời.

Cụ thể, học phí cho khóa học dài hạn 1.000 tiết (kéo dài chín tháng) tại Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn là 4.500.000đ, tương đương với 4.500đ/tiết; còn mức thu cho khóa luyện thi cấp tốc hè một tháng là 1.000.000đ, tương đương 9.000đ/tiết. Như vậy, mức học phí tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành đắt hơn tại Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn. Và, càng đắt hơn khi các trung tâm BDVH và LTĐH bên ngoài phải thuê cơ sở và trả thù lao cho GV theo giá thị trường (250.000đ/tiết), còn trường học thì mọi hoạt động luôn trên tinh thần “vì HS thân yêu”, cũng không phải thuê cơ sở vật chất, và trả thù lao cho GV ở mức khiêm tốn (120.000đ/tiết).

Nhieu truong cong lap o TP.HCM: Học phí ngoài giò dat hon luyen thi!

Học phí ngoài giờ tăng cao khiến gây khó khăn cho nhiều phụ huynh học sinh - Ảnh: Phùng Huy

MẬP MỜ THU CHI

Không chỉ Trường THPT Nguyễn Tất Thành có mức thu cao mà rất nhiều trường cũng đang áp đặt một mức thu rất “khủng”. Mới đây, Trường THPT Bùi Thị Xuân có mức thu cho khóa hè kéo dài chưa đầy một tháng (14/7-10/8) lên đến 900.000đ (đối với HS khối lớp 12) và 720.000đ (khối 10 và 11). HS học năm buổi/tuần, mỗi buổi học năm tiết, tính ra mỗi tiết học HS phải đóng 7.200đ (khối 10 và 11) và 9.000đ (khối 12). Theo Ban giám hiệu nhà trường thì mức chi cho GV trực tiếp giảng dạy là khá cao, chiếm khoảng 55% (190.000đ/tiết), số tiền còn lại sẽ chi cho cơ sở vật chất, điện nước, quản lý, phúc lợi cho cán bộ GV, công nhân viên. Ban Giám hiệu trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, việc học hè được tổ chức từ nhiều năm nay và vẫn giữ mức học phí ổn định, với mục đích giúp các em củng cố kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, thi HS giỏi. Trường chủ trương nâng tỷ lệ đậu ĐH, hướng các em cố gắng đạt điểm thủ khoa, á khoa các trường.

Mức thu cao nhưng chi thù lao GV không thỏa đáng đang là nguyên nhân dẫn đến những thắc mắc, kiện cáo ở nhiều trường. Tại Trường THCS Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), tập thể 14 GV đang thắc mắc về 30% tiền DT HT không biết đi đâu, chi vào việc gì. Trước đó, tại Trường THCS Lam Sơn (Q.6) cũng nổi đình nổi đám với vụ tập thể GV kiện hiệu trưởng, trong đó có chuyện hiệu trưởng, hiệu phó không trực tiếp giảng dạy nhưng lại hưởng lương “khủng” từ tiền DT HT, còn GV trực tiếp đứng lớp lại được trả thù lao rất bèo bọt.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng đáng nói là cho đến thời điểm này, những quy định về việc thu chi từ hoạt động DT HT vẫn đang bị bỏ ngỏ. Trước đó, vào tháng 4/2008, liên sở Giáo dục - đào tạo và Tài chính có hướng dẫn 634/GDĐT-TC về mức thu và sử dụng tiền DT ngoài giờ tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.

Theo đó, mức thu cho hoạt động DT ở bậc THPT là 2.000đ/tiết/HS. 80% nguồn thu sẽ chi thù lao GV trực tiếp giảng dạy; 15% chi quản lý, tổ chức HT, mua sắm tài liệu phục vụ; 5% trả tiền điện, nước, hao mòn tài sản phục vụ việc DT. Vì mức thu này đã quá lạc hậu, nên từ lâu các trường tự ý tăng. Đến đầu năm 2014, Sở GD-ĐT cũng đã bãi bỏ quy định trên. Trong thời gian chờ có quy định mới, các trường tự xây dựng mức thu và thỏa thuận với người học.

Tuy nhiên, trong quá trình “thỏa thuận” ấy, PH HS luôn ở thế bị động và thường không thể “lắc” trước “mức giá” nhà trường đưa ra. Đây là lý do khiến khoản tiền học ngoài giờ tại nhiều trường (thực chất là DT - HT) bị đẩy lên cao ngất. Khi bãi bỏ quy định cũ, Sở GD-ĐT cũng lưu ý rằng, phải thông qua quy chế chi tiêu nội bộ để sử dụng khoản tiền DT HT thu được cho phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị. Thế nhưng vì nhiều lẽ, lãnh đạo một số trường đã cố tình không thực hiện.

 Minh Nhật - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI