"Nhân tài" lại thua tiền tỷ, Đà Nẵng khó nhận lại tiền đầu tư

20/03/2016 - 05:48

PNO - Dù Đà Nẵng đã thắng kiện phá vỡ hợp đồng nhưng theo nhận định của các luật sư thì việc thu hồi nguồn vốn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chiều 19/3, thông tin từ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng vừa mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc Trung tâm yêu cầu bà Hà Thanh An và ông Hà Phước Nga (bố bà An) bồi thường kinh phí đào tạo do vi phạm hợp đồng với TP Đà Nẵng.

Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà An, ông Nga và giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với nhân tài này.

Cụ thể, bà An và ông Nga liên đới chịu trách nhiệm bồi thường gấp 2 lần kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố đối với bậc đại học (tương ứng với số tiền 76.800.000 đồng), buộc bà An bồi thường gấp 2 lần kinh phí đào tạo ở bậc thạc sĩ (tương ứng với số tiền hơn 1,38 tỉ đồng) vào ngân sách thành phố do vi phạm hợp đồng đào tạo đã ký kết.

Được biết, bà An là 1 trong 7 học viên vi phạm hợp đồng khi tham gia Đề án 922 đã bị khởi kiện và bị buộc phải bồi thường tại phiên tòa sơ thẩm.

Mặc dù Đà Nẵng đã thắng kiện 7 cá nhân phá vở hợp đồng theo đề án 922 nhưng theo nhận định của các luật sư thì việc thu hồi nguồn vốn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về việc Đà Nẵng đã thắng kiện cá nhân phá vỡ hợp đồng và toà tuyên các “nhân tài” phải bồi thường thiệt hại, trao đổi trên Đất Việt trước đó, Luật sư Lê Cao cho rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi nguồn vốn.

“Tôi rất lo lắng về vấn đề này. Bởi lẽ hiện nay các ứng viên đều đang ở nước ngoài, không có mặt tại Việt Nam. Nếu họ có tài sản ở Việt Nam thì cơ quan thi hành án có thể kê biên, cưỡng chế để xử lý trong trường hợp bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành.

Trường hợp rủi ro rất lớn nếu các bên thua kiện không tự nguyện thi hành mà họ không có tài sản ở Việt Nam thì việc uyên cầu thi hành án, thực hiện việc ủy thác thu hồi tài sản ở nước ngoài chẳng hạn vô cùng gian nan”.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Doãn Hồng thông tin thêm: “Theo quy định thì khi các ứng viên tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đều phải ký các cam kết và có sự bảo lãnh từ phía gia đình, người thân.

Trong trường hợp các ứng viên ở nước ngoài thì gia đình phải có trách nhiệm chi trả, bồi thường các khoản tiền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo như thông tin tôi nắm được thì gia đình các ứng viên đều rất khó khăn, việc chi trả một số tiền hàng tỷ đồng dường như nằm ngoài khả năng”.

Hoàng Dương (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI