Nhân phẩm có nhìn thấy được không?

04/11/2014 - 14:57

PNO - PN - Nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera soi chiếu tâm lý con người trong cuộc sống hiện đại một cách chi li và không khoan nhượng, bằng cách đẩy người ta vào những hoàn cảnh rất ít tiêu biểu để bật ra những bế tắc và tổn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trò chơi xin đi nhờ xe của Kundera kể về một đôi tình nhân lên đường đi nghỉ dưỡng. Để thay đổi không khí cho chặng đi còn rất dài, cô gái đóng vai xin quá giang anh tài xế xa lạ (là người yêu cô). Đầu tiên họ hào hứng với trò đùa, rồi những đối đáp dọc đường khiến họ nhập sâu vào vai diễn: chàng trai thành gã tài xế sàm sỡ và dung tục, cô gái biến thành cô nàng qua đường đốp chát, dạn dĩ và đàng điếm.

Trò chơi đã giải phóng họ ra khỏi chính con người họ. Họ hoàn toàn biến đổi không phải ở lời lẽ hóa thân, mà như thể họ đã luôn thực sự như vậy, hoặc ít ra phần con người họ giấu kín chính mình đã có cơ hội để hiển lộ. Không còn là hai người tình dịu dàng nữa, họ nhìn nhau căm ghét và khinh bỉ. Đoạn cuối, họ rời xe khỏi hành trình đã định, kiếm một khách sạn vào đó mây mưa như một cô gái điếm và một kẻ mua dâm.

Nhưng khi cô gái cởi bỏ quần áo, không còn gì ẩn nấp, chẳng thể náu vào trò chơi hóa thân được nữa, cô gái trở về chính mình, nhút nhát và đầy tổn thương. Cô đã ngừng, nhưng chàng trai không nhìn thấy người yêu nữa. Sự coi rẻ (cô gái dễ dãi qua đường) đã xóa sạch hình ảnh thân yêu anh từng nâng niu.

Nhan pham co nhin thay duoc khong?

Câu chuyện trên có gì khiến bạn sực tỉnh không? Như là chợt nhớ ra một điều đã cũ: có những ranh giới khi mình đã bước chân qua, thì mọi thứ đều trở nên tầm thường. Và mình không bao giờ có thể quay lại cái thời điểm trong trắng trước đó nữa.

Tôi nhớ V. trong trại phục hồi nhân phẩm, ánh mắt trơ lì trên gương mặt 20 tuổi non búng. V. bảo, em chỉ dằn vặt trong lần đầu tiên bán thân (năm 18 tuổi) để lấy một món tiền mua thuốc cho bà, “đến mức em muốn tự vẫn vì thấy mình nhơ nhớp quá”. Sau vài lần thì V. “không thấy gì nữa”, và từ 19 tuổi thì V. coi đó là sự nghiệp nghiêm túc của mình.

“Trong mức học hành của em, những lao động khác đều quá vất vả và ít tiền. Nhân phẩm ư? Nó có nhìn thấy được không chị?” - V. nhếch mép cười mai mỉa.

Đúng là nhân phẩm (hay tự trọng, sự trung thực, liêm sỉ...) là những thứ không thể định lượng và nhìn thấy được (làm sao có thể đo đếm “tôi còn 95% tự trọng”?). Nhưng chúng ta luôn có cảm giác về sự tồn tại của nó, yếu đau hay mạnh khỏe của nó trong đời sống mình. Khi ta dối trá hay lừa gạt ai đó, khi ta làm một điều thấp kém, có thể người khác không biết (và không nhận ra), nhưng chắc chắn ta luôn tự biết.

Ranh giới của sự ngần ngại, ân hận, dằn vặt, hổ thẹn... trong khoảnh khắc tự biết ấy rất hệ trọng. Bạn lùi lại, thì còn mình. Bạn nhắm mắt tặc lưỡi bước qua, thì sẽ là đoạn dốc thăm thẳm phía trước. “Không thấy gì nữa” - như V. nói, có thể là trạng thái mất cảm giác về sự tử tế, hoặc mất cảm giác về chính phần nhờm gớm đang hiện diện trong mình.

Quay trở lại Trò chơi xin đi nhờ xe - pha mổ xẻ tâm lý nho nhỏ của Milan Kundera. Từ ví dụ của Kundera, tôi muốn lưu ý bạn về con người thứ hai bị giấu kín. Có một thằng người của lòng tham, dục vọng và sự hèn yếu luôn ẩn nấp trong bản thân chúng ta. Bạn có thể tạo cơ hội cho thằng người đó được hiển lộ, để đánh chiếm nhân cách và liêm sỉ của chính bạn.

Hoặc bạn “phanh” mình kịp, để đừng lỡ tay mở ra một cánh cửa không thể đóng lại... Bạn biết không, ở ranh giới mong manh, sự khác nhau này ghê gớm đến mức có thể thay đổi cả số phận của một con người.

Tất cả chúng ta đều bất toàn và yếu đuối, trong khi đời sống luôn tồn tại những lằn ranh để bước chân đi cấm kỳ quay lại - ngay cả khi điều mà ta nghĩ là trò chơi đã kết thúc.

 QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI