Người Việt lại thêm hành động đẹp: Chia nhau từ giọt nước

03/05/2016 - 14:11

PNO - Trong khi cơn đại hạn đang làm khô kiệt cả vùng đất lẫn con người ĐBSCL, nhưng đâu đó vẫn có những hành động cao đẹp làm mát lòng người

Những ngày gần đây, bất chấp cái nắng như thiêu như đốt, ông Nguyễn Anh Dũng (ở KP.3, P.Rạch Sỏi) đã cùng con trai, con rể chạy xe tải chở nước ngọt đi khắp TP để cung cấp miễn phí cho dân. Mỗi ngày ông chở được 3 chuyến, mỗi chuyến 2 bồn tương đương 2,5 mét khối.

Nguoi Viet lai them hanh dong dep: Chia nhau tu giot nuoc
Xe chở nước cấp phát miễn phí của ông Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Xuân Lam

Mặc dù nhà ông Dũng cách TP Rạch Giá khoảng 7 km, nhưng mỗi khi người dân gọi điện, bất kể là ngày hay đêm, ông lại cùng các con chở nước đến tận nơi. Không những thế, ông còn đầu tư đường ống để có thể truyền nước từ xe vào tận nhà để bà con khỏi phải xách từng thùng nặng nhọc.

“Thấy bà con mình không có nước sinh hoạt khổ sở, trong khi nhà sẵn có xe tải nên tôi và gia đình bàn nhau mua thêm vài bồn chứa rồi hứng nước từ nhà chở phát miễn phí cho bà con xài. Được chia sẻ khó khăn cùng bà con, gia đình tôi ai cũng vui”, ông Dũng trải lòng.

Cùng chung lòng trắc ẩn như ông Dũng, bà Phạm Thị Đào (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Anh Đào ở P.An Hòa, TP.Rạch Giá), từ khi địa phương bắt đầu lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, gia đình bà đã tổ chức 4 điểm cố định cung cấp nước miễn phí cho người dân (gồm cả nước sinh hoạt và nước uống).

Nguoi Viet lai them hanh dong dep: Chia nhau tu giot nuoc
Xe nước miễn phí của bà Phạm Thị Đào. Ảnh: Xuân Lam

Cách đây khoảng 5 ngày, thấy tình hình nước quá khó khăn, bà Đào đã hợp đồng thuê 3 xe tải với giá 1,5 triệu đồng/xe/ngày để chở nước đến tận nơi cung cấp cho người dân.

Tại cơ sở sản xuất, trước đây bà Đào cho đầu tư hệ thống lọc nước hiện đại qua tia cực tím với chi phí hơn 1 tỉ đồng, công suất 1.200 lít/giờ. Để có đủ nước cung cấp nước miễn phí cho bà con và trường học, bà cho hệ thống này chạy hết công suất.

Bà cùng 2 con trai và các cháu bỏ hết công ăn việc làm để túc trực bơm nước cho người dân mỗi khi họ đến lấy nước. Thậm chí có ngày, mẹ con, bà cháu đi phát nước đến 21 giờ mới về nhà.

Bà Đào tâm sự: “Quan niệm của cho không bằng cách cho nên tôi dạy con cháu phải lễ phép, tận tâm khi bà con đến lấy nước. Dù là phát miễn phí nhưng phải ân cần, nhiệt tình. Tôi thấy bà con mình không có nước khổ quá, nhất là đối với những gia đình ở trọ, bán hàng rong... không có điều kiện để trữ nước. Vì vậy tôi hy vọng với nguồn nước sạch này giúp bà con giảm bớt khó khăn trong tình hình khủng hoảng về nước sinh hoạt như hiện nay”.

Tại Bến Tre, những giọt nước chan chứa tình người cũng được bà Nguyễn Thị Hưởn (62 tuổi, ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, TP Bến Tre) chia sẻ cho người dân trong những ngày khô hạn.

Nguoi Viet lai them hanh dong dep: Chia nhau tu giot nuoc
Bà Hưởn treo biển "cho nước" để mọi người cùng biết đến. Ảnh: Hoàng Hường

Bà Hưởn nổi tiếng trong vùng bởi, giữa cơn hạn chung của cả vùng bà lại tiến hành cấp nước miễn phí, hồ hởi mời mọi người về nhà mình lấy nước thoải mái. Bà Hưởn chia sẻ: "Gia đình có 4 người, cả cái giếng to nguồn nước dồi dào làm sao mà dùng hết, trong khi mọi người thì đang thiếu nước nên mọi người cứ lấy thoải mái nếu cần".

Sợ những người đi đường, ở xa không biết, bà Hưởn làm biển "cho nước" đặt cạnh những chiếc bồn. Thậm chí bà còn kéo nước ra sát đường để ai cũng có thể nhìn thấy. Được biết việc phát nước cho người dân đã được tiến hành từ đầu hạn hán đến đã được 3 tháng.

Anh Phước, con trai bà Hưởn cho hay: "Mẹ tôi cũng lớn tuổi rồi, mẹ tôi cũng thường đi chùa chiền nên cũng thường có cái tâm là giúp đỡ người khác. Trong gia đình làm được vậy mẹ tôi vui lên, cũng thấy bà ấy khỏe ra, nên mọi người cùng giúp sức để mẹ tôi được vui"
 
Cũng theo anh Phước, từ ngày tiến hành phát nước cho bà con hàng xóm, bà Hưởn không không đi đâu chơi, chỉ ngồi đợi ở nhà ai đến xin nước thì đưa ra lấy.

Chia sẻ thêm về hành động của mình, bà Hưởn cởi mở: "Tôi cũng có đi chùa, có hiểu được họa, phước, thành ra mình cũng có tâm từ thiện. Giờ người ta khổ giúp người ta đến khi mình khổ người ta giúp mình, chứ bán lấy tiền thì đồng tiền cũng không có tình thương. Tôi nghĩ vậy và tôi có tấm lòng để từ thiện chứ cũng không có gì".

Những giọt nước mang nặng nghĩa tình này là nguồn nước trong lành, tinh khiết nhất giúp xoa dịu mọi khó khăn, nhọc nhằn trước mắt của những người dân vẫn đang ngày đêm vật lộn với cơn hạn lịch sử.

Hoàng Hải (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI