Người Việt bị "cảnh giác" ăn cắp vặt: Hãy biết xấu hổ

12/10/2015 - 06:48

PNO - "Lối sống xuề xòa, trọng tình khiến chúng ta thường sống thỏa hiệp chứ không kiên định các nguyên tắc, quy định pháp luật, giá trị cá nhân".

Sáng 10/10, liên quan đến hiện tượng có nhiều tấm biển cảnh giác ở nước ngoài được ghi bằng tiếng Việt, báo Phụ nữ Online đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Tâm lý giáo dục Trần Thành Nam (GV trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN) về hiện tượng này.

Nguoi Viet bi
Chuyên gia Tâm lý giáo dục Trần Thành Nam (GV trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN).

PV: - Thưa ông, gần đây, nhiều tầm biển cảnh giác ở nước ngoài, được ghi rõ bằng tiếng Việt. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này? Bản thân ông khi ra nước ngoài đã gặp những tình huống ngại ngùng vì cách ứng xử của người Việt chưa?
 
TS Trần Thành Nam: - Hiện tượng ăn cắp vặt là một hiện tượng phổ biến trong xã hội chứ không riêng Việt Nam. Ăn cắp vặt có thể xảy ra đối với bất cứ ai và cũng do rất nhiều nguyên nhân.

Một số nguyên nhân phổ biến là (i) không có ý định từ trước nhưng hoàn cảnh quá thuận lợi và món đồ quá hấp dẫn nên không cầm lòng được; (ii) lấy cắp đồ vì cần tiền để mua ma túy hoặc kiếm sống để tồn tại; (iii) lấy cắp đồ để sử dụng hoặc đem tặng để thể hiện đẳng cấp (nhiều hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên); (iv) không nhận thức được về hình phạt hoặc hình phạt quá nhẹ. Ngoài ra, ăn cắp vặt cũng có thể là một dạng của rối loạn tâm thần (bệnh Kleptomania) hoặc bị ảnh hưởng của một rối loạn tâm thần khác như trầm cảm.
 
Trong thời gian tôi học tập ở nước ngoài, tôi cũng có biết một vụ việc có liên quan đối với sinh viên Việt Nam đang học tập tại vùng đó.

Đó là thời điểm một tuần trước lễ Noel, một nữ sinh viên đại học năm nhất đi mua đồ trong một khu mua sắm. Bạn này đã lấy một chiếc váy giá $70, bỏ vào túi xách của mình, đi dạo vài vòng trong khu bán quần áo rồi lên tầng trên chuyển sang khu bán mỹ phẩm.

Ngay khi lên khu bán mỹ phẩm, nhân viên bảo vệ đã tiếp cận và yêu cầu kiểm tra, đưa về khu vực cách ly và gọi cảnh sát. Sinh viên này lúc đầu cho rằng mình quên chứ không phải cố ý ăn trộm nhưng đến khi cảnh sát xuất hiện thì bạn thú nhận và bị kết tội.
 
Trên đây, tôi chỉ mô tả sự kiện chứ không kết luận. Với luật pháp ở đây, để kết luận ăn trộm thì nhân viên phải nhìn thấy thủ phạm tiếp cận sản phẩm, giấu sản phẩm, không trả tiền cho sản phẩm và mang sản phẩm ra khỏi cửa hàng.

Cá nhân tôi cho rằng, đây là một trường hợp đáng tiếc gây xấu hổ nhưng chưa thể chắc chắn bạn đó thực sự ăn cắp đồ. Bạn sinh viên này có thể lơ đãng và thiếu hiểu biết về quy định pháp luật.

Bạn có thể cho rằng mình vẫn còn ở trong khu mua sắm thì vẫn có thể quay xuống để trả tiền, chứ không nghĩ rằng mình chọn hàng ở khu nào thì phải trả tiền luôn ở khu đó và ra khỏi khu vực bán mặt hàng quần áo tức là đã ra khỏi cửa hàng.
 
PV: - Để nước ngoài có ấn tượng xấu về người Việt như vậy, theo ông, nguyên nhân là do đâu: do ý thức của người Việt kém hay đây là biểu hiện của việc giáo dục chạy theo kinh tế, chứ không chú trọng hình thành nhân cách, lối sống?
 
TS Trần Thành Nam: -Tại sao những người nước ngoài lại ấn tượng xấu với người Việt như vậy? Nên biết rằng, tỉ lệ bắt được thủ phạm ăn cắp vặt là rất hiếm, chỉ khoảng 1/150 trường hợp. Nhiều trường hợp chỉ bị phát hiện sau đó khi chủ cửa hàng xem lại bằng video của camera theo dõi.

Như vậy, bên cạnh người Việt ăn cắp đồ thì còn nhiều người thuộc quốc gia khác, trong đó có các quốc gia Châu Á cũng ăn cắp.

Tuy nhiên, những người bị bắt (có thể do ăn trộm quá nhiều lần, quá ngây thơ chủ quan với các hình thức chống trộm cắp) lại là người Việt; những đường dây tiêu thụ hàng trộm cắp từ trong siêu thị ra bị cảnh sát phanh phui cũng do người Việt cầm đầu.

Điều này làm cho giới kinh doanh dán nhãn người Việt là người ăn cắp có tổ chức. Sau đó, khi có bất cứ một người Châu Á nào bị phát hiện qua camera mà không bắt được thì người chủ cửa hàng sẽ đưa lên mạng. Và những người xem có xu hướng gắn mác luôn đó là người Việt Nam.

Nói như vậy để thấy hệ lụy khi đã bị gắn mác xấu, chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả cho những việc tương tự xảy ra dẫu chúng ta không làm.
 
Tuy vậy, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Cũng phải nhìn nhận lại những điểm xấu xí trong tính cách dân tộc mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI