Người trong một nhà

27/04/2014 - 09:32

PNO - PN - Nghị định số 27 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động đối với lao động giúp việc sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5/2014. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là bước tiến luật hóa một nghề có lịch sử lâu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sự hoàn thiện bộ quy tắc đối xử xã hội dành cho nhiều đối tượng, nhiều phạm vi khác nhau là điều tất yếu trong một xã hội văn minh. Song, khi những quy tắc này được vận dụng vào sâu trong từng gia đình, lại phát sinh nhiều tình huống khó giải quyết hết bằng luật. Trước một quy định chi tiết như thế, cả chủ nhà và người giúp việc đều có tâm tư riêng.

Nguoi trong mot nha

Chị Lý Thị Hoa vừa giúp việc nhà vừa trông em cho một gia chủ ở Q.6, TP.HCM. Ảnh: Phụ Nữ Online.

Thực tế, giúp việc nhà có thể vừa là một nghề rất đơn giản - lao động chân tay, vừa là một nghề rất phức tạp - mang lại sự hài lòng và cảm giác hạnh phúc cho người sử dụng dịch vụ. Đạt được mức độ thứ nhất là đã cơ bản hành nghề được rồi; nhưng đạt đến mức độ thứ hai thì đòi hỏi một quá trình tích lũy kinh nghiệm, những kiến thức và cả kỹ năng mềm. Chất lượng của nghề giúp việc nhà có nhiều mức độ khác nhau, phẩm chất của người giúp việc nhà cũng rất khác nhau. Trong khi đó, hệ thống đào tạo nghề này ở Việt Nam đang ở mức độ rất sơ sài.

Có lẽ, Nghị định 27 sẽ mất một khoảng thời gian trước khi có thể thực sự đi vào cuộc sống. Lý do không phải vì ít người quan tâm đến nghị định này, mà do đặc điểm của loại hình lao động: người ta chỉ chọn nghề giúp việc nhà khi không còn có thể chọn nghề nào khác. Đối tượng lao động phần lớn ít học, hiểu biết hạn chế, nên sẽ khó vận dụng pháp luật vào các thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Về phía người sử dụng lao động - chủ nhà, cũng không phải không có những khó khăn. Thuê người giúp việc tức là bỏ tiền mua một khoảng thời gian, mua một phần công sức, mua sự an toàn của cả gia đình. Thế nhưng, không hiếm gia đình căng thẳng vì người giúp việc. Khi mâu thuẫn nổ ra, dù chỉ là chuyện vặt vãnh trong nhà, họ ngay lập tức thấy mình đã bỏ tiền rước khổ vào thân. Cá biệt, có những trường hợp vì tin tưởng người giúp việc mà gia đình tan vỡ, mất mát tài sản, thậm chí thiệt mạng.

Ở trong một nhà với nhau, khi đã viện đến cái “lý” để phân định hơn thua, cũng tức là cái “tình” đã cạn. Vậy nên trong mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc, chính chữ “tình” mới quan trọng, là nền tảng gìn giữ quan hệ công việc, chứ hợp đồng hay quy định chưa hẳn đã là cái có thể ràng buộc được cả hai bên. Hợp đồng có thể mô tả rõ việc “nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa”, nhưng nấu một bữa ăn vừa miệng chủ nhà, rửa dọn chén bát sạch sẽ theo yêu cầu chủ nhà là những việc khó mô tả hết. Việc nhà lại là hàng trăm thứ không tên. Vậy nên xưa nay khi phát sinh mâu thuẫn lao động, chỉ có cách đường ai nấy đi, khó có thể trưng ra hợp đồng để bảo từ nay tôi chỉ làm việc này việc nọ…

Xã hội đang dần thay đổi định kiến, coi giúp việc gia đình là một nghề và người thực hiện việc đó được đối xử như người lao động thuộc các ngành nghề khác. Điều này phù hợp với quy luật của cuộc sống và giúp tạo ra một lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, “nhập gia tùy tục”, người lao động của nghề này vẫn làm việc trong những môi trường hết sức khác nhau. Môi trường gia đình là môi trường khá khép kín, ít thay đổi, thói quen, nếp nhà, phong cách sinh hoạt… vẫn là những đặc thù riêng của mỗi gia đình, mỗi xã hội. Vì vậy, để nghề giúp việc nhà trở thành một nghề thực sự, cần sự thay đổi nhận thức từ cả hai phía, trên cơ sở nền tảng là pháp luật, và trên đó nữa, là một chữ “tình”.

Không có cái tình trong cư xử, khó sống cùng nhau dưới một mái nhà. Cho dù có trả lương cao bao nhiêu, có hợp đồng chi tiết bao nhiêu, có giám sát chặt chẽ bao nhiêu, mà không có một chữ “tình” thì cũng khó. Ngược lại, chỉ nệ vào cái “tình”, mà rồi khi người ta xin nghỉ mấy hôm thì lời nặng tiếng nhẹ, lương thì giữ không trả, khi có mâu thuẫn chỉ một câu là “lên đường”… thì người đi làm biết bấu víu vào đâu? Nên chi, luật là để giữ cho cái tình được đúng mức, “tình” là để cho người sống với người được công bằng, mọi chuyện định tính được chuyển thành định lượng một cách thỏa đáng.

Giúp việc nhà là một loại hình lao động đặc biệt: công sức, thời gian ở người này tạo ra những giá trị, cảm xúc ở người khác. Vậy nên nhiều khi quan trọng là cách ứng xử với nhau: có sự tôn trọng, có trước có sau, nhân ái và trách nhiệm. Không phải gia đình hiện đại mới có người giúp việc, kẻ ăn người ở trong nhà từ xa xưa đã là một thành phần hữu cơ của nhiều gia đình truyền thống. Xét cho cùng, người giúp việc ở mức độ nào đó cũng là thành viên của gia đình. Để gia đình được bình an và vững chắc, hệ thống khung pháp lý là cần thiết, song để bộ khung ấy vừa vặn với thực tế của mỗi nhà, lại cần sự mềm mại thấu lý đạt tình khi vận dụng.

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI