“Người rừng” trở về

08/08/2013 - 17:55

PNO - PNO - Tôi đến đúng lúc gia đình anh Hồ Minh Lâm, thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi đang “làm phép”, thông báo với ông bà việc cha con ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi), Hồ Văn Lang (41 tuổi) về với làng.

“Nguoi rung” tro ve

Cha con ông Hồ Văn Thanh.

Ông Thanh 82 tuổi, bị bệnh nên được đưa vào TTYT huyện điều trị. Con trai ông là Hồ Văn Lang (41 tuổi) được tạm thời đưa về sống tại nhà của ông Hồ Văn Tâm ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong.

Sống biệt lập trong rừng hơn 40 năm, nhưng anh Lang và ông Thanh vẫn nói được tiếng Cor. Ăn uống bình thường nhưng anh Lang liên tục ăn trầu và hút thuốc, tuyệt đối không nói gì khi có người lạ. 40 năm ở trong rừng, cha con ông Thanh sinh sống bằng cách làm rẫy, ăn cây,  trái rừng, sắn, bắp. 

“Nguoi rung” tro ve

Anh Hồ Văn Lang lần đầu tiên biết đến điện thoại di động

Anh Lâm gọi ông Thanh là chú ruột. Ông Thanh đang được chăm sóc ở Trung tâm Y tế huyện. “Người rừng” Hồ Văn Lang đang được đứa bé con anh Lâm tập bắn ná thun. Đạn bay xèo, Lang há miệng cười, xong chạy lại giường rồi nhai trầu. Chị Hồ Thị Mai vợ anh Lâm cười: “Hút thuốc và ăn trầu liên tục”.

Chuyện cha con anh là “người rừng” mặc áo vỏ cây, đóng khố, đang “sôi” trên mạng. “Ông Thanh quê Trà Lãnh, Tây Trà có 4 con, đi bộ đội chủ lực được 5 năm, khi về, chứng kiến bom Mỹ ném chết mẹ và hai con, hóa điên, từ đó gây gổ thường xuyên với vợ, ôm con trai Hồ Văn Lang vào rừng ở Trà Xinh, còn anh của Lang là Hồ Văn Tri ở với mẹ. Tri bây giờ đã có vợ ở đây”, ông Hồ Văn Biên, người trong làng kể.

“Nguoi rung” tro ve

Bà con dân bản đến thăm "người rừng" Hồ Văn Lang.

Anh Lâm nói: “Mỗi năm khoảng 1-2 lần, tôi vào rừng thăm, tiếp tế áo quần, gạo muối. Ông Thanh lấy, nhưng sau đó không xài. Áo quần bộ đội được gói kỹ trong lá dong, hôm kia về mở ra còn thơm mùi vải. Bao lần tôi thuyết phục về, nhưng ổng không chịu. Ở trong rừng Trà Kem, ổng làm bắp, sắn, thuốc lá, gừng, trầu cau... Lúc ba tôi còn sống lên thăm, ổng còn cho mật ong, thịt rừng mang về mà”.

“Bà con, chính quyền biết không ?”. “Biết chứ. Năm 1998 báo đăng công an huyện Trà My, Quảng Nam phát hiện hai “người rừng” ăn trộm bắp, dưa giống, truy bắt nhưng không được. Cha con ổng đấy”. “Nhưng bây giờ sao lại về?”. “Cách đây mấy hôm tôi nằm mơ ông Thanh béo hồng hào, mặc đồ đẹp. Mơ liên tiếp mấy lần trong đêm. Lo sợ ổng chết, hôm sau tôi và anh Tri tìm đến, thấy ổng đau nằm một chỗ. Tôi về báo xã nhờ đưa người vào dẫn về”. “Họ chịu về không ?”. “Ông Thanh sợ lắm, Lang cũng sợ, phải dắt tay”.
 

“Nguoi rung” tro ve

Áo mặc thường ngày và áo đi mưa của cha con "người rừng" được làm bằng vỏ cây.

Khách đến thăm đông, anh Lang ngồi như ngồi bếp lửa nhà sàn, im lặng nhìn ông Biên và anh Lâm cúng tế. Anh không mặc khố nữa, mà thay vào đó là áo sơ mi, bỏ vào quần, mặt như sáng ra, thi thoảng liếc nhẹ người lạ. “Chỉ ban đêm nó nói chuyện với anh chị thôi, đòi ăn bánh, uống nước ...” - chị Mai kể. Ông Biên mở nhạc điện thoại. Tôi nhìn Lang cầm ngắm rồi lim dim lắng nghe. “Thương nhớ Đà Lạt ơi-Xa rồi em có nhớ…”, Lang không biết tiếng Kinh, nhưng âm nhạc dường như đã đánh động trong anh điều gì đó nên nét mặt rạng rỡ hẳn.

Được cha đưa vào rừng năm 1974 lúc một tuổi, Lang không biết gì đến văn minh. “Nó ngủ, không chịu ánh điện, phải tắt. Hôm rồi đưa về, xe máy đề nổ, nó la hét, bắt lên ngồi, nó nhảy xuống, nhưng chạy được một đoạn, lại nói muốn đi và thích thú. Mở tivi xem, nó nhìn và cười…” - chị Mai nói. Lang nhìn họ, im lặng. Ở rừng, họ mặc đồ bằng vỏ cây, đóng khố từ lá rừng. Trong đống tài sản mang từ rừng về, ngoài gùi, ống lồ ô, rìu, dao, thuốc lá, tôi thấy có cả một chiếc lược làm từ vỏ máy bay.

“Nguoi rung” tro ve

Một số vật dụng tự chế bằng sắt, nhôm, cha con họ nhặt được để dùng trong sản xuất, sinh hoạt.

“Nguoi rung” tro ve

“Nguoi rung” tro ve

Bùi nhùi để nhen lửa.

Ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Trà Phong nói: “Từ 2004-2005, có người cháu là Hồ Văn Phố lên đưa về, cha con ông chạy trốn. Từ đó, cháu ổng lên thăm miết”. “Nếu ổng không đau, chắc không đưa về”. “Đúng, sống bình thường ở đó mà. Xã đã báo cáo lên huyện việc này để có hướng giải quyết”.

Thông tin từ UBND huyện Tây Trà cho hay huyện sẽ làm nhà, cấp đất, giải quyết chính sách cho ông Thanh vì ông từng đi bộ đội. Tôi vào bệnh viện huyện, y bác sĩ đây cho hay ông Thanh đưa xuống tối ngày 7/8 nhưng không chịu ăn uống, không nói gì cả. Ông ngồi bó gối, chân tay dài, nhìn chăm chăm xuống nền nhà, gương mặt đầy lo sợ. Mấy chục năm không tiếp xúc với đám đông, cha con ông như hoảng sợ, lạc lõng giữa bao điều.

“Nguoi rung” tro ve

 Người dân hiếu kì kéo đến xem vật dụng của cha con "người rừng".

Ông Biên rót rượu bảo anh Lang uống. Anh không biết cụng ly, uống một ngụm rồi nhăn mặt, bởi đã bao giờ biết rượu đâu. Tuổi đã hơn 40, nếu ở làng, bây giờ anh đã là chủ gia đình. Anh liếc nhìn máy ảnh lóe lên rồi quay mặt nhanh.
 

Bài và ảnh: TRUNG VIỆT 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI