Ngày về của những người lạc lối

02/09/2013 - 13:51

PNO - PN - Lễ công bố đặc xá của trại giam Thanh Xuân, Hà Nội vừa kết thúc, có người không kìm nén nổi cảm xúc đã reo lên: “Thế là tôi được tự do rồi”. Một cô gái trẻ măng, mặt hoa da phấn, cởi phăng chiếc áo kẻ sọc, lộ ra...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngay ve cua nhung nguoi lac loi

Quách Văn Hợp cẩn thận cất món tiền ít ỏi

Xóa mặc cảm

Cán bộ trại nói trên loa “đề nghị các anh chị và các bạn, không được thay quần áo trong hội trường” nhưng chẳng mấy người để ý đến yêu cầu đó. Họ đã chọn bộ đẹp nhất mặc bên trong từ trước. Bà Phạm Thị Mai nộp lại bộ quần áo kẻ sọc cho trại, lặng lẽ ra ngồi riêng một góc. Vừa hỏi chuyện bà đã bật khóc: “Nửa muốn về, nửa sợ thực tế sắp phải đối diện. Nhỡ đâu chẳng có ai chờ mình phía ngoài kia thì sao? Những tội lỗi mình gây ra cho mình và những người thân, xóa sao sạch?”.

Bà Mai vốn là cán bộ một viện nghiên cứu tại Hà Nội. Gia đình thành đạt, đề huề, con gái vừa học giỏi, vừa xinh đẹp. Chẳng ai nghĩ một ngày công an lại ập đến bắt bà về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lòng tham con người lắm lúc nổi lên như “ma ám”, bà Mai thông đồng với một số người làm giả sổ đỏ để bán. Bản án 5 năm có lẽ chưa là gì so với việc chồng bà bỏ đi vì quá thất vọng. Bà Mai lấy từ trong túi ra một quyển sổ nhỏ, là nhật ký những ngày ở tù của bà, nói với tôi: “Cô viết những cảm xúc nhớ nhung, tiếc nuối và cả sự sám hối gửi về gia đình. Cô rất yêu chồng, yêu con nhưng cô không dám gửi cho họ những tâm sự này. Cứ để đấy mà nghiền ngẫm, coi như là bài học lớn trong đời. Bao nhiêu sự trả giá cũng không đủ để bù đắp lại cho chồng và các con”

Chị Lê Thị Tuyết (người dân tộc Thái ở thị trấn nông trường Mộc Châu, Sơn La) có lẽ là người tù vui nhất trong lần đặc xá này. Gần 20 năm trước, chị Tuyết bị tòa án Sơn La tuyên tử hình về tội “buôn bán trái phép chất ma túy”. Vì đang nuôi con nhỏ, chị được Chủ tịch nước ân giảm, chuyển từ án tử hình thành án chung thân. Hàng chục năm cải tạo ở trại giam Thanh Xuân, chị chưa một lần vi phạm kỷ luật, lại thường xuyên hoàn thành mức khoán sản phẩm. Đứng trước hàng trăm người trong hội trường để nói lên cảm xúc của mình, chị nghẹn ngào: “Tôi cứ ngỡ mình vừa được sinh ra thêm lần nữa. Tôi đã bước ra từ lầm lỗi để đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ, bao dung của mọi người”.

Ông Lê Văn Thắng từng là vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại, bị phạt 17 năm tù về tội “nhận hối lộ” cũng được đặc xá trong dịp này. Thời đương chức, ông Thắng thường xuyên nhận được những món “quà” bôi trơn việc xin cấp hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường nước ngoài, trị giá hàng chục ngàn đô. Lòng tham đã phải trả giá đích đáng. Ông Thắng bị phạt 17 năm về tội “nhận hối lộ”, trở thành người cuối cùng của vụ án Mai Văn Dâu được đặc xá lần này. Dĩ nhiên, ra khỏi cổng trại, những người như ông Thắng được gia đình đón bằng xế hộp. Chẳng như những người tù ở tận Sơn La, Điện Biên, không người thăm nuôi hay đưa đón, khắc khoải chờ đợi bước lên chuyến xe trại giam tổ chức đưa về.

Ngay ve cua nhung nguoi lac loi

Hợp thưởng thức món xôi trên đường về quê

Người tù đặc biệt

280 phạm nhân ở trại giam Thanh Xuân được tự do sau ngày đặc xá dịp 2/9, trở về quê theo nhiều cách khác nhau, khuôn mặt khác nhau, nụ cười, nước mắt cũng rất khác nhau. Có tù nhân trẻ đứng giữa sân nắng cháy, loay hoay với tờ quyết định đặc xá mà không biết mình đang cầm ngược. Nhìn ngón trỏ đỏ lòm mực dấu là biết anh vừa điểm chỉ vào cuốn sổ ký tên phạm nhân đã nhận quyết định đặc xá, tha tù. Tôi đi ngang, bằng giọng lơ lớ, anh ta hỏi: “Cái này tao phải đọc như thế nào nhỉ?”. Tôi giải thích: “Phải giơ đúng chiều mới đọc được chứ?”. Bảo: “Tao có biết đọc chữ đâu?”.

Lại có anh được đặc xá ra đến cổng trại, vứt túi đồ xuống đất, gấp tờ quyết định đặc xá làm đôi, gói mấy chục ngàn tiền xe vừa lĩnh được vào trong, rồi lại gấp làm tư. Anh chàng cẩn thận đút túi quần sau, vỗ vào mông mấy cái cho tờ giấy xẹp xuống. Có người vợ mang theo hai con cùng lẵng hoa to đi đón chồng. Người chồng vừa bước ra cổng trại, nhìn thấy vợ con, lập tức vồ lấy đứa con trai từ tay vợ, hít hà mùi thơm của nó. Chị vợ lẽo đẽo xách túi và hoa theo chồng...

Nắng tháng Tám oi bức không làm giảm đi không khí háo hức của ngày đặc xá. Mọi con đường quanh trại giam Thanh Xuân đặc quánh xe cộ và người. Tôi về đến giữa cánh đồng thì gặp lại anh chàng gói tiền bằng tờ quyết định đặc xá đang lầm lũi đi bộ dưới trời nắng gắt. Dừng xe hỏi: “Anh đi về đâu, lên tôi chở”. Anh ta gật đầu lia lịa, nhưng loay hoay mãi chẳng biết mở cửa xe, khiến tôi phải xuống giúp. Được một đoạn đường, thấy anh ta ngồi im như thóc, tôi chủ động bắt chuyện: “Anh phạm tội gì mà đi tù thế?”, anh ta đáp: “Em giết người chị ạ!”. Gai ốc tôi chợt nổi lên.

Chúng tôi đang đi qua cánh đồng vắng ngắt, không một bóng người. Anh ta vẫn ngồi yên, ôm cái túi mỗi lúc một chặt hơn mặt đầy vẻ sợ sệt. Tôi tự trấn an, hỏi tiếp: “Anh có biết tôi là ai không mà dám lên xe?”, anh ta đáp: “Em không biết chị là ai, chắc chị là người lái xe chuyên chở khách. Thấy chị tử tế nên em liều lên xe thôi”. Câu chuyện của chúng tôi mỗi lúc một bớt dè dặt. Quách Văn Hợp (tên người tù, sinh năm 1979) phạm tội năm 2011 trong một hoàn cảnh trớ trêu. Vào một ngày bão, Hợp đóng đinh để treo dây điện lên cột nhà. Bố Hợp đứng giữ cột cho con, không may Hợp tuột tay, nhát búa như trời giáng vào giữa trán khiến bố Hợp chết tại chỗ. Hợp bị bắt đi tù 5 năm về tội “vô ý giết người”, nhà quá nghèo nên Hợp chưa một lần được thăm nuôi, tiếp tế. Vì cải tạo tốt, Hợp được đặc xá trước thời hạn 1,5 năm. Vậy là chuyến đi xa nhất trong đời cậu ta chính là đến trại giam Thanh Xuân sau khi cha mất. Cũng từ đó, chưa lần nào Hợp gặp lại mẹ già và các chị.

Đi tù đối với người như Hợp cũng dễ dàng hơn, Hợp chỉ biết nhà tù là nơi người ta phải yêu lao động, thông qua lao động để ăn năn, hối lỗi mà tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Hợp sẵn bản tính yêu lao động từ nhỏ, có bao giờ làm việc gì xấu đâu mà phải ăn năn? Cái chết của cha khiến Hợp đau đớn lắm rồi. Có lẽ chính vì thế mà Hợp gấp đôi tờ giấy vào gói thật kỹ 80.000đ mà cán bộ trại đã phát để đi xe khách. Biết số tiền trên chỉ đủ đi xe khách từ Yên Nghĩa về đến huyện Lạc Sơn - Hòa Bình, nên Hợp mới từ chối đám xe ôm bu quanh ở cổng trại giam. Hợp không biết từ trại ra bến xe, phải đi bộ 20km nữa. Khi tôi mua xôi và đưa cho Hợp thêm ít tiền đi đường, Hợp chỉ nhận xôi, ăn ngấu nghiến...

Nhà tù chưa kịp làm mất đi sự thuần khiết của người thanh niên miền núi, tôi hy vọng tự do đón đợi Hợp ngoài kia, sẽ không làm anh ta thấy bơ vơ và nghi ngại khi trở về. Hợp còn quá nhiều việc để bắt đầu cho hành trình mới của mình.

 CHI MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI