Ngang qua tháng Mười

25/10/2014 - 16:00

PNO - PNCN - Cuối tháng Mười, khi ngọn lúa mùa gục bông vàng dịu. Dọc đường quê miền trung du, hoa “chó đẻ” tím rịm hai bên lối đi, loài hoa có mùi hăng hắc, nhưng sắc tím bâng khuâng trĩu trong lòng người những kỷ niệm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Lâu lắm, hồi tôi mới ba tuổi. Buổi sáng tinh mơ trải sương buốt giá lên hàng bông tím hăng hắc bên đường, quệt nhoi nhói lên bàn chân trần của mẹ lầm lũi lên nương. Tai nạn đến, bất ngờ kéo mẹ đi mãi không về, tuổi thơ tôi là những ngày trông ngóng vô vọng. Rồi tháng Mười cứ ngang qua cuộc đời, bằng những ngày giỗ mẹ không thể nào quên, nhưng vết thương lòng dần dần liền sẹo, không còn nhức buốt như chạm vào vệt sương đông mỗi sáng. Để rồi gặp một cú vấp ngã đau điếng giữa đời, tôi mới bàng hoàng nhớ đến mẹ, thèm được rúc đầu vào lòng mẹ hít hà mùi quết trầu thơm hắc.

Ngang qua thang Muoi

Từ khi con sinh ra

Đã gặp trên áo mẹ

Thoang thoảng mùi bùn non

Lẫn trong từng giọt sữa…

Bài thơ tôi viết về mẹ đầy âm hưởng của dĩ vãng, nhọc nhằn những ký ức tuổi thơ, trộn lẫn giữa mơ và thực. Khi trưởng thành, tôi thường sa đà vào những mối quan hệ nam nữ, ít nhiều ảnh hưởng đến đường công danh. Nhưng biết làm sao được. Gặp những người phụ nữ yêu thương, chăm sóc mình, tôi tưởng như được gặp mẹ. Tôi thèm tình thương của mẹ xiết bao.

Một chiều cuối tháng Mười chớm rét, khi mỏi bước chân giang hồ, tôi lại đi ngang qua cánh đồng lúa xưa, bóng dáng mẹ hiền nhấp nhô trên ruộng lúa như dấu hỏi đóng vào chân trời, rằng tại sao lại có số phận? Lúa mùa hạt chín hạt xanh, nhưng kinh nghiệm dân gian đã nói “xanh nhà hơn già đồng”. Hạt hơi xanh chút cũng được, mang về đến nhà là yên tâm không sợ mưa bão. Râm ran ra khắp cánh đồng chia từng tiếng cười, câu chuyện của đàn bà. Lưỡi liềm đưa thoăn thoắt, gốc rạ ngả nghiêng, đau rát đâm vào bàn chân chởm nẻ, rướm máu.

Từng đàn cào cào, châu chấu xanh, đỏ, tím, vàng bay tung tóe đàng trước lưỡi liềm, tấp xuống những vệ cỏ ẩm ướt, một vài cánh cò trắng ngại ngần chao lượn, rồi cũng mải mê sà xuống cánh đồng. Lũ cò bây giờ thường cảnh giác với súng hơi, bẫy bả... mà vẫn không thoát được niềm đam mê truyền kiếp mỗi khi mùa về.

Bông nếp tháng Mười, hạt mẩy tròn căng và thơm hương đất trời. Mùa cốm, say sưa lúng liếng ánh mắt gái quê. Từng bông, chọn lựa từng bông, vỏ phải còn hơi xanh, còn thoảng mùi sữa, cắt đem về. Rang, giã, sàng sảo, nghìn hạt cốm xanh dịu như nhau, thơm lừng như nhau, đem gói vào trong lá sen. Mùa chớm lạnh, ngồi nhấm nháp từng hạt cốm thơm với nước trà mạn. Bùi, chát, thơm, ngọt… vị cuộc đời tưởng không còn gì thú hơn.

Đám hỏi thằng cháu tôi năm nay, tự dưng có thêm món cốm nếp đem tiếp khách. Không còn là để ăn chơi, hạt cốm đi vào sự thiêng liêng của trăm năm tình người. Cháu tôi, một chàng lính quân khí 25 tuổi đời, bốn tuổi quân, tháng Mười này xin phép cha mẹ làm đám cưới. Tuổi còn trẻ, không phải vội, không sợ… ế, mà chàng sắp nhận công tác ngoài đảo xa, nên muốn cưới vợ.

Có thể tuần trăng mật sẽ trôi đi mau trong niềm khát khao ái ân mặn nồng. Có thể xa cách trùng khơi thương nhớ nhức buốt con tim, như cái lạnh mùa đông rải xuống thế gian. Nhưng người lính cần có một điểm tựa thật sự để chờ đợi, hy vọng, trao nhớ trao thương. Tháng Mười đã làm việc đó.

Chớm đông, là thời điểm chuẩn bị cho một mùa rét buốt, lạnh lẽo. Người ta chuẩn bị rất nhiều cho mùa đông, bắt đầu từ tháng này, nhất là ở nông thôn. Chăn bông, áo rét được đem hong nắng. Hạt nếp tháng Mười được chọn lựa, cất dành cho dịp Tết. Cặp lợn được mua về, bắt đầu chăm chút cho những ngày lễ trọng cuối năm, như mừng thọ cho cha mẹ, ông bà, để mấy nhà hàng xóm cùng “đụng” thịt ngày Tết Nguyên đán. Mấy cây đào phai cũng được tỉa tót, chăm sóc từ bây giờ để kịp trổ bông vào dịp tiễn ông Táo về trời.

Chắc chỉ có riêng tôi, kẻ lãng du vô tâm, vô tính, nên đi ngang qua tháng Mười bằng những ký ức chợt nhớ, chợt quên. 

PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI