Ngân hàng sẽ đền nếu chủ đầu tư không giao nhà

26/11/2014 - 10:46

PNO - PN - Theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 25/11, chủ đầu tư phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính trong trường hợp không bàn giao nhà ở đúng tiến độ đã cam kết theo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngan hang se den neu chu dau tu khong giao nha

Nguồn ảnh: batdongsan.com.vn

Ngày 25/11, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo Luật Nhà ở (sửa đổi), cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luật chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu…

Luật cũng đã thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở công vụ. Cụ thể, chỉ có cán bộ, công chức ở trung ương giữ chức vụ từ cấp tổng cục trưởng và tương đương trở lên, nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên mới được xét thuê nhà công vụ.

Theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 25/11, để bảo vệ người mua, thuê mua nhà hình thành trong tương lai, luật bổ sung quy định chủ đầu tư phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính trong trường hợp không bàn giao nhà ở đúng tiến độ đã cam kết theo hợp đồng.

Chủ đầu tư chỉ được thu tiền ứng trước của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình. Lần đầu, chủ đầu tư chỉ được thu không quá 30% giá trị hợp đồng; không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà và không quá 95% giá trị hợp đồng khi bên mua, thuê mua chưa được cấp sổ đỏ. Chủ đầu tư phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng đúng mục đích.

Cũng trong ngày 25/11, Quốc hội đã cho ý kiến về Bộ luật Dân sự (sửa đổi). ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, phải đưa ra được khái niệm thống nhất về quyền riêng tư và bí mật cá nhân, để qua đó, người dân được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

ĐB Ngô Thị Minh nói: “Cần nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ, khai thác hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý bằng văn bản của bố mẹ hoặc người giám hộ”. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu tiếp tục rà soát lại tất cả chế định, phản ánh được ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để có được Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hoàn chỉnh, có chất lượng, trình lấy ý kiến nhân dân vào đầu năm 2015.

Chiều cùng ngày, cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh, ngân sách Nhà nước hiện như một chiếc bánh ngọt mà địa phương nào, ngành nào cũng muốn chia phần càng nhiều càng tốt. Nếu không xóa bỏ được cơ chế xin-cho, không kiểm soát, minh bạch hóa được việc phân bổ thì ngân sách Nhà nước sẽ còn bị thất thoát, tiền thuế của dân vẫn còn bị lãng phí…

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI