Muôn kiểu "quỵt" tác quyền

11/12/2016 - 06:30

PNO - NXB cấp phép cho sách biên soạn không tôn trọng quyền tác giả, đơn vị làm sách nhập nhằng để “quỵt” tiền tác quyền ebook, nhóm biên soạn vô tư vi phạm bản quyền…

NXB cấp phép cho sách biên soạn không tôn trọng quyền tác giả, đơn vị làm sách nhập nhằng để “quỵt” tiền tác quyền ebook, nhóm biên soạn vô tư vi phạm bản quyền… Một loạt vụ việc gần đây khiến nhiều tác giả đau đầu, bất đắc dĩ phải “đơn thương độc mã” trong hành trình đòi quyền lợi, hoặc lực bất tòng tâm và nhận về sự bất bình trước những phản hồi nửa vời, thiếu thiện chí từ các đơn vị làm sách.

Cây bút trẻ Hồ Huy Sơn khá bức xúc khi phát hiện NXB Giáo dục Việt Nam in hai bài viết Con đường rơm và Hãy can đảm lên trong cuốn Luyện tập Tiếng Việt 3 trên giấy ô li (liên kết với công ty CPDV xuất bản giáo dục Gia Định in năm 2014) và 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3 (in năm 2012, do TS Lê Phương Nga chủ biên).

Hai bài viết trên đã đăng trên báo Thiếu Niên Tiền Phong nhiều năm về trước. Hồ Huy Sơn nói, anh không hề hay biết, đến khi có bạn đọc phát hiện báo tin. Ngay lập tức anh gửi email cho NXB Giáo dục Việt Nam và được đại diện NXB cho biết nhuận bút của mỗi bài sẽ là 600.000đ.

Trong email làm việc với NXB Giáo dục Việt Nam, anh viết rõ: “Mức nhuận bút 600.000đ/bài căn cứ vào đâu? Cả hai cuốn sách tôi đều không biết số lượng in, số lần tái bản… Với một thiện ý góp lên tiếng nói vì môi trường xuất bản lành mạnh, theo tinh thần thượng tôn pháp luật - cụ thể là Luật Xuất bản, tôi mong muốn sự việc này phải được giải quyết nghiêm túc và rõ ràng”.

Muon kieu
Một số đầu sách biên soạn bị phát hiện vi phạm quyền tác giả - ảnh do hai nhà văn Hồ Huy Sơn và Văn Thành Lê cung cấp

Phía NXB Giáo dục Việt Nam phản hồi “đề xuất cách tính tiền bản quyền tác phẩm trích” cùng trình bày rõ phương thức thanh toán tiền tác quyền. Không đồng ý với cách giải quyết này, Hồ Huy Sơn tiếp tục gửi email đề nghị gỡ bỏ hai bài viết ra khỏi các cuốn sách, đồng thời yêu cầu những người liên quan phải giải trình và có lời xin lỗi tác giả. Nhưng đã hơn 10 ngày kể từ khi email gửi đi, Hồ Huy Sơn cho biết anh không nhận thêm bất cứ phản hồi nào từ phía NXB Giáo dục Việt Nam.

Nhà văn Văn Thành Lê cũng cho biết tản văn Cây si làng của anh “bị/ được” in trong cuốn Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt lớp 4, tập Hai (NXB Giáo dục Việt Nam) với tên mới là Cây si.

“Khoảng một năm trước, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam có đề nghị tôi ký hợp đồng bảo hộ tác quyền để trung tâm làm việc với NXB Giáo dục nhưng đến nay vẫn chưa thấy thông tin gì. Tôi không thích ồn ào. Nhưng sau chuyện của Hồ Huy Sơn và một số bạn viết khác, tôi tò mò tìm hiểu loạt sách bổ trợ kiến thức cho học sinh tiểu học thì nhận thấy khá nhiều tác giả bị/ được trích tác phẩm mà bản thân họ không biết, như Cao Xuân Sơn, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Lãm Thắng, Võ Mạnh Hảo… Nhiều cuốn sách, các trích đoạn lại ghi nguồn kiểu “theo internet, theo báo…”. Không hiểu sao cá nhân/ nhóm biên soạn sách lại có thể làm như vậy" - nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ.

Nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can nhiều năm trước cũng không ít lần ca thán khi tác phẩm của ông cứ in trong tuyển tập này tuyển tập kia mà NXB “quên” tác quyền. Chỉ đến khi người trong cuộc phát hiện họ mới trả lời. Đó là chưa kể nhiều tác giả cũng không có “cơ hội” phát hiện tác phẩm của mình “được” in sách không thông báo. Mỗi khi vụ việc được phơi bày, quả bóng trách nhiệm lại được NXB đá sang cho “nhóm biên soạn”, công ty liên kết. Rõ ràng về lý, đơn vị cấp phép phải chịu trách nhiệm.

Nhà văn Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, chia sẻ về vấn đề này: “Chúng tôi đã làm việc với NXB Giáo dục từ nhiều năm qua. Đối với các tác giả đã có ủy quyền cho trung tâm, khi NXB nào chọn tác phẩm in tuyển tập đều phải trả tiền tác quyền. Đối với các tác giả chưa làm thủ tục ủy quyền, chúng tôi tạm thời chưa thể can thiệp. Vậy nên các tác giả dù đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay chưa, hãy cứ làm thủ tục ủy quyền tác giả".

Nhưng không phải lúc nào cũng có thể trông cậy vào Trung tâm quyền tác giả, khi đơn vị làm sách tư nhân có nhiều cách “lách”, nhập nhằng trong việc khai thác bản quyền. Như trường hợp của nhà văn Võ Thu Hương mới đây.

“Tôi ký hợp đồng với Limbooks in cuốn Lạc giữa thanh xuân, chưa đầy một năm thì tình cờ phát hiện họ bán ebook tràn lan trên mạng. Trong hợp đồng có điều khoản bên B (bên công ty) “có quyền chuyển thành sách điện tử ebook”, chứ không phải là “chuyển thể và khai thác, phát hành, kinh doanh ebook”. Qua tranh luận không đi đến thống nhất, tôi yêu cầu gỡ thì họ phản hồi với thái độ rất trịch thượng. Tôi đã in bao nhiêu cuốn sách, không câu nệ gì chuyện tiền bạc nhưng cảm thấy bị xúc phạm, một cách làm ăn lập lờ, không tôn trọng tác giả” - nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ với báo giới.

Trước đó, Limbooks cũng từng bị tác giả trẻ Phan Ý Yên, Gào, Lạc Hy lên tiếng phản ứng về tác quyền. Phần lớn phản hồi từ phía đại diện đơn vị đều khiến các tác giả “tức lộn ruột”.

Bỏ qua những nhập nhằng cố tình “bắt chẹt” tác giả, thì ứng xử thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng tác giả của một số đơn vị làm sách như thế này cũng đã thấy phần nào cách làm sách chân chính hay không. Đối với những NXB “làm sách đàng hoàng” - nói theo châm ngôn của ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ thì mọi quy định hợp đồng đều rõ ràng, chặt chẽ, sách in nối bản, tái bản, in tuyển tập, khai thác ebook… đều thông báo với tác giả và thanh toán đầy đủ tiền tác quyền. Trong thời buổi vàng thau lẫ n lộ n như hiện nay, thì các tác giả - nhất là người viết trẻ cũng cần phải biết “chọn mặt gửi vàng”.

Hoàng Hạc

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - tạp chí văn nghệ quân đội, phó ban văn trẻ hội nhà văn Việt Nam “Tác giả chỉ cần được tôn trọng”

Hiện tại tôi vẫn chưa biết cụ thể tác phẩm của mình có bị trích in trong tựa sách nào nên cũng chưa nghĩ cách sẽ ứng xử ra sao. Nhưng nhà văn, tôi nghĩ họ không coi trọng tiền tác quyền trong những cuốn sách biên soạn, bởi không có bao nhiêu cả. Quan trọng là cảm giác được tôn trọng. NXB Trẻ mỗi lần chọn in tác phẩm họ đều xin phép, trả tác quyền và gửi sách biếu cho tác giả. Giá trị tuy không lớn nhưng tác giả cảm thấy được trân trọng. Tôi nghĩ các đơn vị xuất bản cũng cần phải làm việc trên tinh thần nghiêm túc, có trách nhiệm như vậy.

Nhà văn Võ Thu Hương “Tôi sẽ làm đến cùng”

Ngoài email chính thức, tôi cũng có trao đổi qua facebook với chị Thủy Anna-đại diện Công ty Limbooks nhưng không nhận được phản hồi. Tôi đã làm việc với luật sư, xác định rõ Limbooks vi phạm tác quyền. Nếu đơn vị vẫn không có phản hồi thỏa đáng, tôi sẽ làm đến cùng. Tôi làm không vì số tiền tác quyền ebook mà vì ứng xử của đơn vị. Limbooks phải có lời xin lỗi tác giả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI