Mua phải hàng dởm khách hàng nín nhịn bỏ qua: Hàng dởm tràn ngập, tố cáo sao hết

13/08/2016 - 13:27

PNO - Mặc dù có hơn một nửa số lượng người cho biết bị xâm phạm nhưng có tới 44% chọn phương án im lặng, bỏ qua vụ việc.

Theo kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh công bố, trong số 3.000 người được hỏi, có hơn một nửa người tiêu dùng trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi (chiếm 56%).

Những nhóm hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng bị xâm phạm nhiều là thực phẩm, nước giải khát (19,69%), đồ điện tử gia dụng (13,05%)…

Mặc dù có hơn một nửa số lượng người cho biết bị xâm phạm nhưng có tới 44% chọn phương án im lặng, bỏ qua vụ việc; 20% chọn phương án yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 36% thực hiện khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ.

Lý do người dùng im lặng, bỏ qua vì cho rằng giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại phức tạp, vì cho rằng đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết, không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại….

Mua phai hang dom khach hang nin nhin bo qua: Hang dom tran ngap, to cao sao het
Ảnh minh họa

Cũng theo kết quả khảo sát, có đến 53,6% người được hỏi cho biết chưa từng liên hệ với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào để giải quyết tranh chấp.

Bà Phạm Quế Anh, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức cho rằng, muốn biết cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm việc thế nào phải xem họ giải quyết thành công bao nhiêu vụ khiếu nại.

Tuy nhiên, đại diện các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương cho rằng, do không có kinh phí hoạt động, các cán bộ làm việc tự nguyện, nguồn kinh phí chắp vá là hạn chế trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Trên thực tế, hiện nay vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là mối lo lớn của người tiêu dùng Việt. Nếu như trong những năm 80 của thế kỉ 20, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái chủ yếu tập trung vào các mặt hàng xa xỉ phẩm như nước hoa, đồ da, đồng hồ... thì từ đầu thập niên 90 đến nay, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp và văn hóa phẩm. Từ những sản phẩm nhỏ nhất như cái tăm, bông tai đến quần áo, nông sản đều có thể bị làm giả.

Hầu hết, người tiêu dùng đều tỏ ra hoang mang trước sự lẫn lộn của hàng giả với hàng thật. Hàng giả tràn ngập thị trường khiến họ khó lòng để phân biệt và chọn mua cho chuẩn xác. Hơn thế, nhiều người dù sau khi mua hàng đã phát hiện ra mình mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hết date, họ cũng không có ý định khiếu nại vì lo nguy cơ không được giải quyết là cao, thậm chí sợ gây phiền phức rắc rối cho bản thân thêm.

Chị Nguyễn Hiền Trang (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ: "Nhiều lần khi đi mua hàng về xem lại mới biết mình mua phải hàng nhái, thậm chí không biết bao nhiêu lần mua phải hàng hết date rồi nhưng cũng chỉ biết vứt đi, rồi tự nhủ lần sau sẽ cẩn thận hơn chứ chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đem đi tố cáo hay khiếu nại gì đó, phiền hà lắm".

Còn chị Bùi Thu Hằng (Hàng Bông, Hà Nội) thì cho hay: "Hàng giả, hàng nhái bây giờ nhan nhản, nếu đi tố cáo thì tố cáo cả năm chẳng hết. Thôi thì khuất mắt trông qua, khi đi mua hàng cố gắng vào những nơi uy tín chút để mua".

Trao đổi về vấn đề này trên báo chí, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận, mặc dù khiếu nại của người tiêu dùng được tiếp nhận qua các nhiều kênh như điện thoại, email, thậm chí cả facebook nhưng việc giải quyết vẫn còn hạn chế.

“Chúng ta chưa giải quyết được hết vì thẩm quyền không đủ. Ví dụ ở Hà Tĩnh có trường hợp khách hàng khiếu nại công ty ô tô. Thực tế để thẩm định xem lỗi đấy thuộc về ai rất khó, buộc chỉ làm thương lượng, hòa giải, nếu không thì đưa ra tòa. Thẩm quyền chỉ đến vậy nên chúng tôi không thể đi đến cùng với những khiếu nại của khách hàng. Đó cũng hạn chế của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Tuấn cho hay.

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI