Một trung tâm đào tạo “chui”: Cấp hơn 2.000 bằng cử nhân và thạc sĩ “quốc tế”

20/05/2013 - 19:44

PNO - PN - Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã hợp tác với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường Dự bị Đại học TP.HCM để đào tạo cả bậc cao học và đại học theo chương trình liên kết...

Mot trung tam dao tao “chui”: Cap hon 2.000 bang cu nhan va thac si “quoc te”

Chương trình quốc tế nhưng tất cả học viên đều báo cáo bằng tiếng Việt

Chương trình quốc tế, học viên báo cáo bằng tiếng Việt

Tại buổi báo cáo “bài tập lớn” (kết thúc một môn học) giữa tháng 4/2013 của lớp cao học ngành quản trị kinh doanh quốc tế, nhiều người đã giật mình vì trình độ ngoại ngữ của người học và chất lượng của một chương trình quốc tế. Buổi báo cáo có tám nhóm thay phiên nhau trình bày. Các báo cáo viên tự giới thiệu, đọc báo cáo có sẵn bằng tiếng Anh khá trôi chảy. Thế nhưng, trong số bốn thành viên hội đồng phản biện chỉ duy nhất TS Mr. Anthony Sanichara (được cho biết là đại diện của ĐH Griggs) đặt câu hỏi bằng tiếng Anh; còn lại đều sử dụng tiếng mẹ đẻ. Sau khi vị tiến sĩ người Mỹ đặt câu hỏi, một thành viên hội đồng phiên dịch sang tiếng Việt cho học viên hiểu. Ngạc nhiên hơn là những học viên cao học dùng tiếng Việt để trả lời chất vấn của hội đồng. Theo Thông tư 15/2003/TT-BGD&ĐT, điều kiện trong liên kết đào tạo yêu cầu học viên cao học phải được học tại cơ sở trường ĐH liên kết ở nước ngoài ít nhất sáu tháng cuối khóa học hoặc các khóa ngắn hạn và phải bảo vệ luận văn bằng tiếng nước ngoài.

Chưa hết, chương trình cử nhân quản trị kinh doanh quốc tế yêu cầu xét tuyển đầu vào phải đạt điểm sàn kỳ tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ sơ sinh viên không lưu giấy báo điểm. Nhiều sinh viên - học viên cho biết, trường cũng không khắt khe với trình độ tiếng Anh đầu vào.

Từ lúc “Nam tiến”, bốn năm qua, văn phòng tuyển sinh của Trung tâm ETC được đặt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và thuê nguyên lầu sáu của dãy nhà C để hoạt động. Đại diện của ETC thực hiện việc giới thiệu tuyển sinh và đào tạo cả trình độ thạc sĩ và cử nhân với mức học phí khoảng 9.800 USD/khóa cho bậc cao học. Tháng 1, tháng 2/2009, Trung tâm ETC ký hợp đồng hợp tác đào tạo chương trình thạc sĩ và cử nhân quản trị kinh doanh quốc tế với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Từ đó, trung tâm này chiêu sinh và đào tạo tại đây mà không hề xin phép cơ quan quản lý. Đến nay, trung tâm có 16 sinh viên nhập học lớp cử nhân quản trị kinh doanh quốc tế từ tháng 10/2010 (chuyển từ Trường Dự bị Đại học TP.HCM) và 41 học viên đang theo học thạc sĩ từ tháng 4/2012. Tất cả các lớp trên đều đào tạo ngành quản trị kinh doanh quốc tế do ĐH Griggs cấp bằng.

Đến tháng 3/2010, Trung tâm ETC tiếp tục hợp tác với Trường Dự bị Đại học TP.HCM để chiêu sinh và đào tạo chương trình này. Tất cả các lớp học đều được dạy vào hai ngày cuối tuần. Tại đây, trung tâm đào tạo hai lớp cử nhân với 34 sinh viên và ba lớp thạc sĩ với 93 học viên nhập học từ năm 2011 và 2012.

Không chỉ triển khai rầm rộ tại TP.HCM, chương trình liên kết đào tạo cử nhân và thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế giữa ETC và ĐH Griggs còn được triển khai tại Hà Nội và Nghệ An. Trong bốn năm, ETC đã cấp hơn 2.000 tấm bằng cử nhân, thạc sĩ quốc tế mà không cơ quan quản lý nào biết.

Có thu hồi 2.000 bằng không phép?

Ngày 14/4, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT đã thành lập đoàn thanh tra việc liên kết đào tạo của ETC tại TP.HCM. Tiếp đó, ngày 15/4, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT đã báo cáo về Bộ GD-ĐT toàn bộ những sai phạm của Trung tâm ETC. Theo thanh tra Bộ GD-ĐT, việc tổ chức liên kết đào tạo cử nhân và thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế giữa ETC với ĐH Griggs của Hoa Kỳ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường Dự bị Đại học TP.HCM khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền là sai quy định hiện hành. Trước sai phạm này, ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc - Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đã đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo ba trường dừng ngay việc thông báo tuyển sinh trong năm 2013. Đồng thời, buộc đơn vị này dừng đào tạo ngay các khóa đang liên kết đào tạo sai quy định.

Ngày 17/4, TS Nguyễn Quang Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm ETC có văn bản gửi Bộ GD-ĐT trình bày sự việc. Theo đó, ETC đã thực hiện đúng giấy phép của ĐH Quốc gia Hà Nội về việc triển khai chương trình liên kết này. ETC cho biết đã ngừng việc tuyển sinh tất cả các chương trình liên kết quốc tế từ tháng 6/2012. Hiện TP.HCM còn bốn lớp cao học và hai lớp cử nhân đang học, trong đó một lớp thạc sĩ và một lớp cử nhân sẽ tốt nghiệp vào tháng Sáu; một lớp thạc sĩ sẽ tốt nghiệp vào tháng Bảy; các lớp còn lại sẽ tốt nghiệp vào cuối năm và xin phép cho ETC tiếp tục được triển khai các lớp còn lại tại hai cơ sở trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: Hiện Bộ GD-ĐT đang xử lý việc đào tạo sai phép của ETC. Riêng hơn 2.000 bằng quốc tế không phép, Bộ sẽ tìm hiểu xem chương trình của ĐH Griggs như thế nào để đề xuất công nhận hay thu hồi. Bộ cũng sẽ có báo cáo chính thức với Thủ tướng về việc đào tạo trái phép này, đồng thời đề xuất phương án xử lý.

Tiêu Hà 

Chương trình liên kết trên có tỷ lệ phân chia doanh thu theo học phí rất bất hợp lý. Đối tác nước ngoài chỉ thực hiện 30 - 40% khối lượng công việc nhưng phía ETC đồng ý ký hợp đồng chi trả tới 70% doanh thu học phí. Theo kết luận của thanh tra, nhiều khoản tiền lại được chuyển vào một tài khoản trung gian tại Singapore chứ không phải gửi trực tiếp đến ĐH Griggs.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI