Một nhu cầu tầng sâu

25/05/2014 - 19:09

PNO - PNCN - Con đường trước nhà tôi là đoạn đường ngang, ít xe cộ qua lại nên không khí khá trong lành và tương đối yên tĩnh. Mỗi sáng sớm trời không mưa, thường xuất hiện các cụ già chống gậy đi thể dục chậm chạp trên vỉa hè....

edf40wrjww2tblPage:Content

Có một cụ ông quá già, râu tóc trắng như mây trời và gầy như chiếc que. Cụ yếu lắm, chống gậy rê chân một chặp, lại phải ngồi nghỉ trên bậc thềm nhà phố. Bớt mệt, lại chống gậy đi tiếp. Trông cụ liêu xiêu và rã rời tận cùng. Nhưng mấy ngày nay, tôi không thấy cụ đi nữa. Chắc là có vấn đề gì về sức khỏe rồi. Mong cụ an lành. Có cụ, mình nhìn thấy buồn buồn. Nhưng không có cụ lại càng buồn hơn. Hóa ra nỗi buồn nó đã nằm ngay trong lòng mình tự bao giờ.

Lúc trước tôi vẫn thắc mắc rằng, tại sao các cụ không nằm nhà nghỉ khỏe, như thế có phải sướng hơn không? Chống gậy đi thể dục làm gì cho mệt xác? Nhưng tôi đã có lời giải đáp khá thuyết phục của một ông bạn: “Các cụ già không sợ chết nhưng sợ bị bệnh. Nếu họ bệnh xuống thì con cháu rất khổ mà họ cũng khổ. Vậy, phải ráng đi thể dục đôi chút, ráng cựa quậy đôi chút, được chừng nào tốt chừng ấy. Đơn giản chỉ thế thôi. Họ tự lo toan, không để mình ỷ lại vào con cháu. Đối với sức khỏe, các cụ hiểu rằng, chúng không thể xin, cũng không thể mua mà phải tự sản xuất. Đối với đời sống, các cụ đã hiểu rằng mình còn quá ít, cho nên nếu nằm một chỗ là rơi vào một thảm kịch bi đát cho bản thân và gia đình”. Nghe thế, tôi rất tán đồng. Chính xác là như thế.

Mot nhu cau tang sau

Ông bạn nhìn tôi, cười buồn, rồi nói tiếp: “Rồi chúng mình sẽ cũng như thế thôi, anh ạ. Mà chắc gì sẽ được như thế cơ chứ? Có thể chúng mình suy sụp hơn nhiều. Có thể chúng mình…”. Nghe vậy, tôi nín thinh. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông ta. Nghe ông ta nói vậy mà buồn buồn.

Cũng có một cụ bà quá già, lưng khòm song song với mặt đường, vẫn chống gậy ngang qua cửa nhà tôi mỗi sáng. Mũ len màu nâu trùm kín xuống mang tai, quần áo cũng nâu sồng. Cụ luôn trầm tư và im lặng. Cụ đã quên tiếng nói của con người rồi cũng nên. Cụ đi chậm lắm, ít khi ngước mặt lên, người đi trên vỉa hè phải tránh cụ. Cụ muốn đi thể dục như thế, cho dù rất vất vả và cực kỳ cô đơn. Có lẽ, cuộc sống sinh động xung quanh đã nâng hộ bước chân cụ. Cụ cứ rê bước yếu ớt để biết rằng mình vẫn còn tồn tại.

Ngày trước, những cụ già như thế đều nằm nhà cả. Họ không đi thể dục như thế này. Mà có muốn đi, con cháu cũng không cho. Nhưng bây giờ có khác. Khác hẳn. Đoạn đường trước nhà tôi đã chứng minh điều đó.

Những cụ già mà tôi nhìn thấy đều ở trong khu phố này. Họ vòng vòng vài vỉa hè rồi về nhà, nhưng có lẽ họ không đi không được, vì họ có một nhu cầu tầng sâu.

Tôi chợt hiểu ra nhu cầu tầng sâu đó. Các cụ già cố gắng đi bộ như thế, ngoài việc vận động thể xác để bớt đau bệnh, còn tiềm ẩn một nhu cầu nữa, rất sâu trong tâm khảm. Đó là cuộc sống sinh động xung quanh, là cuộc sống mạnh mẽ bên ngoài căn nhà của các cụ, cuộc sống ấy luôn nâng đỡ tâm trí các cụ trong lúc thể xác ngày càng yếu đi. Nhờ thế, niềm vui cuộc sống gần cạn kiệt của các cụ không bị tắt lịm. Và, việc các cụ già chống gậy rê bước trên vỉa hè vào mỗi sáng là một nhu cầu tinh thần vô cùng quan trọng trong giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời.

Ngô Phan Lưu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI