Mồng ba tết thầy

09/03/2015 - 07:58

PNO - PN - Hàng năm, cứ đến ngày mồng ba Tết là cả lớp 12A1 cũ của chúng tôi họp mặt nhau tại nhà thầy chủ nhiệm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau một năm dài bôn ba xứ người, đứa thất bại, đứa thành công, nhưng dù có ra sao đi chăng nữa, chúng tôi vẫn về thăm quê hương, thăm nhà, thăm thầy chủ nhiệm thuở nào.

Đây là dịp để chúng tôi “tri ân kép” đối với thầy. Do ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đứa nào cũng xa quê, không gần bên thầy được, phải gọi điện thoại chúc mừng. Chỉ có mấy ngày Tết cổ truyền, chúng tôi mới có dịp tụ họp đông đủ tại nhà thầy, mua những món quà ý nghĩa tặng thầy, chúc thầy sống lâu trăm tuổi.

Mong ba tet thay

Thầy tôi nay đã già, tròn 70 tuổi. Dù vậy, thầy vẫn còn minh mẫn để đọc sách, chạy bộ, tưới cây, quét sân nhà vào mỗi buổi sáng. Thầy nhớ tên như in từng đứa một, cứ hễ năm nào có đứa vắng mặt là lại nhắc. Thầy biết là do làm ăn thất bại, do công việc bận rộn nên thầy không trách, lại còn hỏi thăm gia cảnh đứa đó ra sao.

Mà thầy cũng không bắt buộc mỗi năm chúng tôi phải đến thăm thầy, có thì thầy hạnh phúc, không thì thầy cảm thấy hơi buồn thôi. Buồn vì Tết đến nhà thầy rất vắng vẻ, chỉ có hai vợ chồng già, còn đứa con trai thì bỏ đi biền biệt nhiều năm không về.

Thật ra suốt 12 năm trung học phổ thông, chúng tôi có rất nhiều thầy cô dạy dỗ. Nhưng chúng tôi kính trong nhất, ấn tượng nhất vẫn là thầy. Trọn ba năm cấp III, thầy làm chủ nhiệm lớp tôi. Chúng tôi thực sự biết ơn thầy nhiều lắm, vì nếu không có thầy, chưa chắc cả lớp bây giờ đã thành nhân. Thầy về làm chủ nhiệm lớp tôi trong lúc các giáo viên khác ngán ngẩm.

Lớp chúng tôi quậy có tiếng và học hành cũng tệ có tiếng. Ấy thế mà từ lúc có thầy uốn nắn, chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tuy thầy dạy chuyên toán - môn học mà mọi người bảo là khô khan, cộc cằn; nhưng thầy rất ý nhị, mềm mỏng, phân tích cho chúng tôi cái đúng, điều sai và tại sao cần phải học thay vì quậy phá.

Biết cả lớp yếu 3 môn toán - lý - hóa, thầy tình nguyện dạy không công vào mỗi buổi tối để chuẩn bị hành trang cho chúng tôi thi năm cuối cấp. Ban đầu, lớp học thêm chỉ có lèo tèo vài người, nhưng nhờ sự nhiệt tình và cách dạy tư duy, dễ hiểu của thầy, lớp ngày càng đông nghịt.

Những lần Tết đến, chúng tôi mang chút quà đến thăm thầy thì thầy phàn nàn: “Tụi em chưa làm ra tiền, mua chi nhiều thứ lỉnh kỉnh tốn kém. Cần phải biết tiết kiệm thay ba mẹ và tập tính chi tiêu hợp lý ngay từ bây giờ. Một lời chúc sức khỏe cho thầy là đủ rồi”.

Thầy nói thế nhưng chúng tôi không thể đi đến tay không được. Cũng có là bao, ngoài hộp trà, cà phê, kẹo mứt do cả lớp hùn tiền mua tặng.

Tôi nhớ có năm tôi bị bệnh ngay ngày mồng một Tết, phải nằm co ro ở nhà. Bỏ việc đi chúc tết, thầy vội vàng đến thăm. Thầy còn mua nhiều thứ cho tôi bồi bổ sức khỏe, kèm theo một phong bao lì xì đỏ chót. Thầy biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên muốn góp chút ít để lo cho tôi khỏe lại. Biết lương giáo viên không có là bao nên ba mẹ tôi từ chối khéo. Thầy bảo: “Nếu không nhận thì thầy đi về”. Sợ thầy giận nên tôi nhận cho thầy vui.

Giờ thầy vẫn giữ thói quen lì xì cho chúng tôi, như là thông điệp chúc chúng tôi thành công trong sự nghiệp, kiếm thật nhiều tiền để lo cho bản thân và gia đình.

Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Một năm chỉ ở bên thầy ngắn ngủi vài giờ nhưng chúng tôi có thêm nhiều bài học lý thú, bổ ích về nhân sinh, xã hội. Thầy dạy chúng tôi sống sao để không thẹn với lương tâm. Phải biết trân trọng với những gì mình đang có. Không nên dùng mọi thủ đoạn để có được những đồng tiền bất chính.

Ở lại dùng cơm với gia đình thầy, dù là đạm bạc nhưng cả lớp vẫn thấy ngon miệng, ấm cúng vô cùng. Đây cũng là dịp để bạn bè ôn lại kỷ niệm thời đi học, tâm sự, sẻ chia những kinh nghiệm quý báu về công việc, những vấp ngã trên đường đời.

Ông bà xưa có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” để nói lên vị trí quan trọng của nhà giáo trong những ngày Tết Nguyên đán.

Và chúng tôi, những đứa học trò năm cũ, dù có đi bất cứ nơi nào, vẫn nhớ ngày mồng ba Tết về thăm thầy để bày tỏ lòng biết ơn.

ĐẶNG TRUNG THÀNH (Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI