“Mất dấu” người lao động tại Ả rập Xê út

25/07/2013 - 14:16

PNO - PN - Hy vọng sang xứ người kiếm tiền nhưng suốt bốn tháng qua, anh Phạm Văn Trường (huyện Kim Thành - tỉnh Hải Dương) đứng ngồi không yên vì vợ anh không thể liên lạc về gia đình. Không chỉ anh Trường, ngay cả đơn vị đưa chị...

NỢ TIỀN LƯƠNG, MẤT LIÊN LẠC

Ngày 21/7, Báo Phụ Nữ nhận được đơn kêu cứu của anh Phạm Văn Trường, trú tại thôn An Thái, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương trình bày sự việc: tháng 9/2012, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thuy (SN 1976) ký hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông (Tranconsin) để đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út. Hợp đồng quy định rõ một số khoản như: người lao động (NLĐ) với tư cách là người giúp việc gia đình được nhận mức lương hàng tháng là 1.100 riyals (đơn vị tiền tệ của Ả rập Xê út, tương đương với khoảng sáu triệu VNĐ) và nhận lương vào cuối tháng; NLĐ được nghỉ ít nhất tám tiếng/ngày và được nghỉ phép 15 ngày; chủ lao động phải hỗ trợ NLĐ trong việc gửi hoặc nhận thư từ phía gia đình và gửi tiền lương về cho gia đình, cho phép NLĐ gọi về nhà mỗi tháng một lần; chủ lao động hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình chủ sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt theo pháp luật nước sở tại nếu có hành động gây thương tích về thể xác và tinh thần cho NLĐ…

Tuy nhiên, từ khi chị Thuy đi làm đến nay, gia đình mới nhận được chưa đủ ba tháng lương là 14 triệu đồng, trong khi theo hợp đồng thì gia đình phải nhận 60 triệu đồng. Theo quy định, NLĐ được phép liên hệ về gia đình thường xuyên nhưng chị Thuy chỉ được gọi điện về nhà ba lần, cuộc gọi gần nhất cách đây... bốn tháng.

“Lần điện về gần nhất, vợ tôi nói phải làm việc rất nhiều, làm liên tục đến 5g sáng, chỉ được nghỉ tới khoảng 10g trưa. Thời gian nói chuyện điện thoại không nhiều nhưng vợ tôi có thái độ rất hoảng sợ. Khi tôi hỏi có bị xâm phạm thân thể không thì vợ tôi vội vàng nói có rồi cúp máy, không kịp giải thích gì”, anh Trường lo lắng.

Sau nhiều tháng không liên lạc được, anh Trường đã liên tiếp nhờ người gọi điện sang số máy của chủ lao động tại Ả rập Xê út nhưng không có người trả lời. Công ty Tranconsin và Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB-XH cũng không hồi âm khi anh Trường gửi đơn kêu cứu vào ngày 2/5/2013. Do tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bị mất một bên cánh tay phải, nên anh Trường đã nhiều lần phải nhờ em trai của chị Thuy là anh Nguyễn Văn Thao trực tiếp lên Hà Nội làm việc với Công ty Tranconsin nhưng cũng không có kết quả.

“Mat dau” nguoi lao dong tai A rap Xe ut

Anh Phạm Văn Trường hết sức lo lăng về tình trạng sức khỏe, việc làm của vợ mình 

KHÔNG RÕ SỐ PHẬN NGƯỜI LAO ĐỘNG

Làm việc với PV Báo Phụ Nữ, ông Đoàn Kiến Trung - Phó phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, Cục không “phớt lờ” đơn thư của NLĐ mà đã có văn bản chỉ đạo Công ty Tranconsin phải khẩn trương liên hệ với đối tác và chủ sử dụng lao động, kiểm tra xác minh phản ánh của gia đình anh Trường, đồng thời đưa NLĐ về nước trong trường hợp NLĐ không được đảm bảo về sức khỏe. Thời hạn báo cáo giải quyết vụ việc trước ngày 20/5/2013. Nhưng có lẽ, trong trường hợp này, Cục đã “quên” không có văn bản trả lời anh Trường khiến anh phải tiếp tục gửi đơn cầu cứu (?!).

Ngay sau khi anh Trường có đơn gửi báo chí, ngày 22/7, ông Phạm Đức An - Giám đốc Công ty Tranconsin đã có buổi làm việc với gia đình. Trong buổi làm việc, ông Phạm Đức An cam kết sẽ cử cán bộ sang Ả rập Xê út để giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh của NLĐ, tiến hành đưa lao động về nước trong tháng 8/2013 và không quá ngày 30/9/2013. Ngoài việc tạm ứng trước số tiền 20 triệu (do NLĐ bị thiếu lương) cho gia đình anh Trường, Công ty Tranconsin cũng chịu trách nhiệm về sức khỏe của NLĐ trong thời gian ở Ả rập Xê út. Tuy nhiên, vấn đề gia đình anh Trường quan tâm nhất là sức khỏe và điều kiện sống của chị Thuy ra sao thì ông An chỉ… lắc đầu. Ông An giải thích, dù đã làm việc cùng đối tác trung gian của công ty tại Ả rập Xê út nhưng tới nay vẫn không thể liên lạc được với chị Thuy cũng như chủ lao động.

Theo ông Đoàn Kiến Trung, nguyên nhân của sự việc có thể do chủ lao động muốn giữ lao động ở lại dài lâu nên không cho lao động liên lạc về gia đình. Thời gian Công ty Tranconsin giải quyết vụ việc phải đợi đến tháng Tám, thậm chí kéo dài sang tháng Chín là do phía Ả rập Xê út đang vào mùa chay Ramadan, rất khó làm việc với cơ quan chức năng nước này. “Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cử cán bộ phối hợp cùng Công ty Tranconsin và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út trong thời gian tới để đảm bảo NLĐ về nước an toàn”, ông Trung khẳng định.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI