“Mang thai hộ” và “hôn nhân đồng tính” có cần luật hóa?

21/04/2013 - 08:11

PNO - Việc “mang thai hộ” và “hôn nhân đồng tính”, điều bị cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2002, đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đây cũng là 2 trong nhiều vấn đề liên quan đang được xem xét trong...

 Ths. Hà Thị Thanh Vân, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), thành viên Tổ Biên tập Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đã dành cho phóng viên Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi cởi mở về vấn đề này.

“Mang thai ho” va “hon nhan dong tinh” co can luat hoa?

Đám cưới của Pin và Nel vào tháng 6/2011 được cho là đám cưới đồng tính đầu tiên của VN. Nguồn ảnh: VietnamNet

Quan tâm cụ thể bằng hành lang pháp lý

*Thưa bà, qua 12 năm đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần sớm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Trong số những ý kiến bàn thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp mở cho vấn đề “mang thai hộ” và “hôn nhân đồng giới”. Quan điểm của bà với tư cách là thành viên Tổ Biên tập và đại diện của Hội LHPN Việt Nam về vấn đề này?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Đây là hai trong nhiều vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình được Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, xem xét trong quá trình dự kiến các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình để chuẩn bị trình xin ý kiến Chính phủ. Đồng thời, các vấn đề này cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.

Bản thân tôi thấy hai vấn đề này có mối liên hệ với nhau xét ở góc độ nhân quả: nếu cho phép những người cùng giới tính kết hôn với nhau sẽ kéo theo hệ quả phải cho phép mang thai hộ thì nam giới mới thực hiện được quyền có con của mình (đối với đồng tính nữ tương đối thuận lợi vì đã có Nghị định của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học).

Là phụ nữ, là người mẹ tôi chia sẻ và ủng hộ mong muốn Nhà nước cần quan tâm bằng hành lang pháp lý đối với người khiếm khuyết về chức năng sinh sản và người có sự phát triển xu hướng hướng nam, hướng nữ khác người bình thường để bảo đảm quyền cho họ, nhưng theo tôi cần phải tính toán hợp lý và thận trọng để tránh làm tổn thương đến chính họ và những người có liên quan, nhất là những đứa trẻ.

Thứ nhất, việc mang thai hộ không nên chỉ nhìn một cách cơ học theo hướng cứ cho phép vì mục đích nhân đạo để đáp ứng nhu cầu có con của một ai đó và quy định chặt chẽ các điều kiện, thủ tục là bảo đảm được quyền cho họ và tránh được sự lạm dụng. Bởi sản phẩm của sự cho phép này là con người - vốn là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của một em bé là một hành trình dài khó đoán trước những gì có thể xảy ra tại thời điểm bắt đầu. Bản thân sự bắt đầu của mỗi con người đã đối diện với nhiều rủi ro, có thể phát sinh nhiều hệ lụy đối với bản thân và những người có liên quan, nhất là khi phải dựa trên những yếu tố phi tự nhiên để có được.

Thứ hai, trong bối cảnh nhận thức thực tế của xã hội hiện nay về gia đình vẫn đang được tiếp cận chủ yếu theo hướng có cả bố (nam giới) và mẹ (phụ nữ), hoặc chỉ có mẹ đơn thân, chưa tồn tại khái niệm về gia đình có 2 bố (đồng tính nam) hoặc 2 mẹ (đồng tính nữ) và xu hướng phối ngẫu dị tính trong hôn nhân vẫn đang là cơ bản, chúng ta nên tìm cách tiếp cận hài hòa hơn cho người đồng tính.

Vừa qua, có một em trai tự nhận mình là người đồng tính đã chia sẻ với tôi về mong muốn dùng quy định của pháp luật để thay đổi nhận thức của xã hội về việc kết hôn của người đồng tính, tôi đã nói với em về con đường đi hợp lý trong giai đoạn này chưa phải là pháp luật quy định trực diện về vấn đề của mình mà cần phải thay đổi nhận thức của xã hội trước. Chỉ khi nào định kiến trong mỗi người thay đổi họ sẽ thay đổi những suy nghĩ về giá trị, niềm tin và có thái độ tốt hơn, dần dần trở nên bình thường, khi đó hôn nhân sẽ thuận lợi. Người đồng tính để thuyết phục bố mẹ và người thân chấp nhận sự thật của mình đã trải qua nhiều khó khăn thì việc thuyết phục xã hội sẽ còn khó khăn gấp nhiều lần và cần phải có thời gian để thực hiện nó.

“Mở” nhưng phải chặt chẽ

*Hiện nay do pháp luật cấm “mang thai hộ” nên để thực hiện nhu cầu làm cha mẹ của mình, nhiều người đã chấp nhận thực hiện dịch vụ mang thai thông qua môi giới, người nhận mang thai vì mục đích thương mại. Trong khi cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để bảo đảm quyền làm mẹ là hết sức nhân văn. Vậy làm thế nào để chống lại mục đích thương mại trong “mang thai hộ”, thưa bà?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Làm thế nào để chống lại mục đích thương mại trong “mang thai hộ” là câu hỏi rất khó trả lời khi ý thức và nhận thức của xã hội về vấn đề này chưa thật tốt và định kiến giới còn khá nặng nề trong một bộ phận nhân dân. Để mang thai hộ nhất thiết phải dùng đến sự hỗ trợ của y tế, nhưng với mức chi hiện tại khoảng vài chục triệu đồng trở lên là khá cao cho một ca sinh con theo phương pháp khoa học (chưa kể các chi phí liên quan khác), không phải ai cũng theo đuổi được, nên để đạt mục đích cá nhân, có thể có những trường hợp lợi dụng để thực hiện theo hình thức khác thì hệ lụy sẽ rất lớn.

Do đó, theo tôi, để tránh lạm dụng nên tiếp tục quy định cấm mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình, cần có thêm quy định mở nhưng chặt chẽ đối với trường hợp đặc biệt là cặp vợ chồng có trứng và tinh trùng thụ tinh được nhưng người vợ không có khả năng mang thai hoặc có khả năng mang thai nhưng không giữ được thai và chỉ cho phép người thân, họ hàng mới được hỗ trợ nhau. Vì đây là vấn đề phức tạp liên quan đến vai trò người mẹ - người thầy đầu tiên của con người và việc xác định cha, mẹ cho con cũng như mối quan hệ đặc biệt giữa phụ nữ và trẻ em trên tình mẫu tử và mối quan hệ tự thân liên thế hệ giữa phụ nữ và trẻ em gái, do đó cần hết sức thận trọng khi tính đến việc quy định trong Luật.

Nếu Luật quy định không chặt chẽ có thể nảy sinh hiện tượng phát triển “nghề sinh con thuê” kéo theo rất nhiều hệ lụy mà các gia đình và xã hội phải đối mặt vì việc sinh một đứa trẻ làm thay đổi căn bản nhiều vấn đề về tâm, sinh lý của phụ nữ và mối quan hệ tình cảm theo tập quán truyền thống, đồng thời cũng ảnh hưởng đến một số quy định pháp luật hiện hành về việc xác định con do người phụ nữ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng mang thai hộ.

Nên luật hóa quyền chung sống của người đồng tính

*Kết hôn đồng tính đang là vấn đề thực tiễn xã hội hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng không nên ngăn cấm hành vi này. Vậy các cơ quan chức năng nhìn nhận vấn đề này ra sao trong khi việc cấm kết hôn giữa những người đồng tính dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội đối với người đồng tính?

Bà Hà Thị Thanh Vân: Trong bối cảnh hiện nay và xuất phát từ thực tế quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc để quy định cấm trong luật là không cần thiết, nên thay quy định cấm bằng cụm từ “không thừa nhận” hoặc sẽ không đề cập đến vấn đề này mà bổ sung thêm quy định về điều kiện giới tính trong kết hôn chặt chẽ hơn.

Quyền chung sống của người đồng tính cần được kiến nghị để quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo cách tiếp cận này sẽ vừa thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước đối với vấn đề này, vừa giải quyết được băn khoăn của người đồng tính, vừa bảo đảm tôn trọng quyền con người của họ dưới góc độ dân sự và hạn chế tối đa những quy định cấm.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Lê Sơn (Chinhphu.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI