Mãi theo tăng trưởng, đừng quên tăng lương

22/10/2014 - 07:29

PNO - PN - Ngày 21/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mai theo tang truong, dung quen tang luong

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ song đại biểu (ĐB) Vũ Viết Ngoạn (Thái Bình) cho rằng, năm 2015, cần quan tâm nhiều hơn tới duy trì tăng trưởng kinh tế. Chính phủ phải bảo đảm hài hòa giữa hai nhóm mục tiêu: kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng. Ông Ngoạn nhấn mạnh, doanh nghiệp còn khó khăn, chính sách nên tạo ra cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng, phát triển hơn nữa.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thẳng thắn: “Đọc báo cáo tôi thất vọng lắm. Kinh tế đã chạm đáy từ quý III năm ngoái và đang đi lên nhưng vẫn quá yếu, khỏe không ra khỏe, bệnh không ra bệnh. Buồn hơn là đọc tất cả báo cáo không thấy có quyết sách gì đột phá... Vấn đề là làm sao để tăng được tổng cầu. Phải xử lý được quy trình thủ tục, liên quan đến giải ngân cũng như phải giảm lãi suất trung hạn xuống”.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, thậm chí có thể không đủ bố trí tăng lương, các ĐB rất sốt ruột vì “năm nào cũng bảo “thắt lưng buộc bụng” nhưng cuối cùng tổng chi thường xuyên vẫn cao”. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói: “Bộ máy hành chính quá cồng kềnh, tốn kém. Nói mãi rồi nhưng chẳng giảm được ai nên chi thường xuyên đến 70%. Cứ yêu cầu giảm đoàn đi nước ngoài nhưng có thấy giảm đâu!”. Cũng quan tâm vấn đề ngân sách, ĐB Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, đáng lo hơn là xu hướng chi thường xuyên ngày càng tăng nhanh trong khi chi đầu tư giảm.

Quốc hội cũng lo lắng khi nợ công liên tục tăng, chạm ngưỡng an toàn. Nợ xấu cao, bội chi liên tục tăng, an ninh tài chính bị đe dọa. Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt hơn, các ĐB đặc biệt lưu ý yêu cầu giảm nợ công, tránh di căn nợ xấu.

Trước thông tin có thể không bố trí được ngân sách để tăng lương trong năm tới, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) cho rằng, nhất thiết phải điều chỉnh lương để bảo đảm công bằng xã hội. Cùng quan điểm, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhấn mạnh: “Chúng ta cần tính toán để giữ được tăng trưởng kinh tế song vẫn bảo đảm an sinh xã hội”.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, một số ý kiến đề nghị cần bố trí kinh phí để tăng lương tối thiểu theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho một bộ phận người nghỉ hưu và cán bộ, công chức. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp, nên cân nhắc việc này để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

* Ngày 21/10, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, đoàn đã thống nhất đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế để TP.HCM hạn chế người nghiện ma túy. Theo đó, trong khi chờ làm hồ sơ đưa đi cai nghiện và phán quyết của tòa án, TP đề nghị cho phép được thực hiện việc “cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện”. Các vị ĐBQH cho rằng, yêu cầu này là thực sự cấp bách bởi lượng người nghiện ma túy đang kéo về TP.HCM sống vô gia cư rất lớn. Giải pháp quản lý nêu trên sẽ giúp hạn chế người nghiện lang thang ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân.

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI