Lớp dạy nghề cho phụ nữ nghèo: những tín hiệu lạc quan

04/06/2015 - 07:43

PNO - PN - Chủ động hỗ trợ các quận, huyện mở lớp đào tạo nghề là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực mà Hội LHPN TP thực hiện gần đây. Khi lên kế hoạch mở lớp dạy nghề, chính người tổ chức cũng lo ngại....

edf40wrjww2tblPage:Content

HỌC NGHỀ ĐỂ ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG

Chúng tôi ghé lớp nghề kỹ thuật làm móng của Hội LHPN Q.Tân Bình giữa trưa tháng Năm. Bất chấp không khí nóng hừng hực bên ngoài, trong lớp học, 30 học viên (HV) chăm chú vào những chiếc móng bé xinh. Cô Mai Thị Hiệp, Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng - giáo viên của lớp, tự hào: “Nhiều chị lóng ngóng khi cầm cọ, tưởng chừng như không học được, nhưng đến buổi thứ 10, mọi thứ tiến triển tốt không ngờ. Nay tay cầm cọ của các chị em đã mềm mại hơn nhiều, những họa tiết khó đã được các chị thực hiện trơn tru”.

Chị Huỳnh Thị Thanh Hương, sinh năm 1994, ngụ ở P.13, Q.Tân Bình, HV của lớp kỹ thuật làm móng hồ hởi kể: “Bữa đầu tiên nhìn cô lấy cây cọ vuốt những đường nét nhỏ xíu trên chiếc móng tay nhựa, nhìn lại đôi tay thô ráp của mình, tôi không thể nào mường tượng mình sẽ vẽ những chiếc lá, cánh hoa ấy ra sao. Vậy mà hay thiệt, nhờ cô, hôm nay tôi đã làm được biết bao nhiêu hình mẫu đẹp”.

Cách đây ba năm, khi Hương đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông thì lâm trọng bệnh, phải nghỉ học giữa chừng. Sáu tháng sau, gia đình quá khó khăn, chị xếp giấc mơ trở lại mái trường, đi phụ việc ở một tiệm trang điểm. Hương tâm sự: “Rất nhiều lần tôi muốn đi học thêm một nghề gì đó liên quan đến làm đẹp để khi có điều kiện thì mở tiệm. Nhưng lớp học phù hợp với mong muốn của mình lại quá xa, học phí quá đắt. Lần lữa mãi tôi vẫn không chọn được lớp học vừa khả năng. May mà có lớp học này…”.

Cùng một niềm vui sắp có nghề, chị Phạm Thị Ngọc Điệp, ngụ tại Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh, một trong những HV của lớp kỹ thuật làm bánh do Hội LHPN Q.Bình Thạnh tổ chức cho biết: “Dù điều kiện khuôn viên lớp học chật chội, nhưng bằng mọi cố gắng, các chị cán bộ Hội đã tổ chức lớp học chu đáo. Cô giáo Phạm Thị Tươi giảng dạy rất tận tình. Hầu hết những bí quyết, cô đều chia sẻ với chúng tôi. Tôi thấy mình may mắn khi được tham gia lớp học”.

Khi quyết định chọn đào tạo nghề làm bánh, Hội LHPN Q.Bình Thạnh cũng có chút lo ngại, không biết có phù hợp và sẽ được mọi người hưởng ứng không. Nhưng may mắn, vừa triển khai kế hoạch chưa đầy 10 ngày, hơn 30 HV đã đăng ký (vượt chuẩn 30 HV/lớp cho Thành Hội quy định). Mỗi HV của lớp nghề kỹ thuật làm bánh là một cảnh đời khó khăn khác biệt, nhưng điểm chung là ai cũng mong có chứng nhận được đào tạo nghề để tìm một công việc phù hợp.

Lop day nghe cho phu nu ngheo: nhung tin hieu lac quan

Cô Phạm Thị Tươi đang hướng dẫn các hội viên, phụ nữ ở Q.Bình Thạnh làm nhân bánh giò

Một tay cầm cán chảo, một tay lấy chiếc muỗng to đảo đều, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên trán, cô bé Cao Hồng Mỹ Uyên, sinh năm 2002, HV nhỏ tuổi nhất của lớp dạy nghề làm bánh mỉm cười: “Con đã biết tám loại bánh rồi cô ạ”. Mỹ Uyên là trường hợp đặc biệt của lớp học này bởi em chưa đủ tuổi được học và cấp chứng chỉ dạy nghề theo quy định (HV phải từ đủ 14 tuổi trở lên).

Nhưng vì cô bé quá thiết tha, các cô cán bộ Hội LHPN P.11 không nỡ gạt tên em khỏi danh sách. Cha mẹ Mỹ Uyên đều lập gia đình mới, em sống với bà ngoại. Nhà ngoại nghèo, mới lớp 6 Uyên đã phải nghỉ học theo bà buôn bán. Từ bữa học làm bánh đến nay, Uyên chỉ có thể về thực hành duy nhất một món bánh da lợn đãi ngoại. “Vì ngoại có sẵn đậu xanh, và bột làm bánh này cũng rẻ”- em bẽn lẽn giải thích.

ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI GIỚI THIỆU VIỆC LÀM

Từ nhiều năm qua, Hội LHPN các cấp ở TP.HCM khá chú trọng công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm, phần nào đáp ứng được nhu cầu học nghề của các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Để tiếp tục phát triển nhiều ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người lao động, bằng nhiều hình thức đào tạo nghề, hỗ trợ tạo điều kiện cho nữ lao động có tay nghề để tìm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống… Ban Thường vụ Hội LHPN Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ (GTVL PN) trong năm 2015 cần tăng cường đổi mới hoạt động, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết, định hướng của Hội là đào tạo nghề gắn với hướng nghiệp và giới thiệu việc làm tại từng quận, huyện.

Vì vậy, từ nay Trung tâm GTVL PN phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN 24 quận, huyện để tổ chức đào tạo liên thông giữa các trình độ đào tạo nghề, tăng dần lao động nữ học nghề ở trình độ cao; mở rộng đào tạo các nghề phù hợp với đặc điểm của lao động nữ tại từng địa phương, nghề có khả năng thu hút lao động nữ ở độ tuổi trung niên.

Để làm tốt việc này, Hội LHPN TP đã mở rộng liên kết với các đơn vị đào tạo nghề cho nữ lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ hợp tác; tạo điều kiện cho lao động nữ tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với lao động nữ tại cơ sở; giúp chị em có cơ hội học nghề, tạo việc làm trước và sau đào tạo nghề…

Cách làm đổi mới trên đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của HV, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, nữ thanh niên chưa có việc làm, đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI