Long An từ chối ngăn mặn giúp Tiền Giang: Lên tiếng thật thà

06/04/2016 - 14:01

PNO - Ông Bá cho biết, đứng trước việc tỉnh Long An từ chối đắp đập và nhu cầu thực tế sản xuất, hiện nay tỉnh đang chuẩn bị tiến hành đắp đập.

Có nước ngọt mà đắp đập thì... phí

Trước thông tin về việc Tỉnh ủy Long An không đồng ý đắp đập tại 5 con rạch tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây, ngăn nước mặn xâm nhập theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang, sáng 6/4, trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Lê Văn Hoàng - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An cho hay:

"Về vấn đề này thì tỉnh Long An cũng sẵn sàng đắp đập, tuy nhiên theo nguồn tin từ Chi Cục phòng chống thiên tai miền Nam, thông qua Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo rằng tháng 4 này trên sông Vàm Cỏ Tây từ cầu Tân An trở về phía trên có nước ngọt, độ mặn rất là thấp thì có thể lấy nước ngọt được.

Do đó, lãnh đạo tỉnh Long An cũng đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp theo dõi, thường xuyên đo mặn ở các cửa sông rạch, nếu thực sự ngọt thì mới không đắp, nếu có biến đổi mặn thì sẽ đắp, chứ không phải là có chủ trương không đắp".

Long An tu choi ngan man giup Tien Giang: Len tieng that tha
Tiền Giang tổ chức các biện pháp chống hạn, mặn. Ảnh: TTO

Trước đó, vào ngày 21/3, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã đến làm việc tại Sở NN&PTNT tỉnh Long An đề nghị hỗ trợ đắp đập tại 5 con rạch trên địa bàn huyện Thạch Hóa, vùng tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây do nước mặn trên sông Vàm Cỏ Tây xâm nhập vào các con rạch này tràn về địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Sau đó, phía tỉnh Tiền Giang đã trao đổi lại qua điện thoại và được tỉnh Long An đồng ý hỗ trợ đắp đập. Tuy nhiên đến ngày 5/4 vừa qua, tỉnh Long An lại trả lời việc không tiến hành đắp đập.

"Dựa vào thông tin tháng 4 có nước ngọt, đã có nước ngọt rồi thì đắp đập làm gì", ông Hoàng lý giải thêm.

Nói về việc trong quá trình chờ Long An đắp đập, nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây đã xâm nhập rất sâu vào nội đồng tỉnh Tiền Giang, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngọt dự trữ của 2 nhà máy nước ở Tiền Giang, ông Hoàng cho rằng: "Ngày 5/4 chúng tôi đã có trả lời lại phía tỉnh Tiền Giang, chúng tôi cũng mới nắm được thông tin tỉnh Tiền Giang chịu ngập sâu vào sáng hôm nay".

Ông Hoàng cũng cho hay trước đó cũng chưa nhận được thông tin phản ánh lại của Tiền Giang về việc nước mặn xâm nhập sâu.

Đại diện tỉnh Long An cũng thông tin: "Chúng tôi cũng đang hỗ trợ chống nhiễm mặn cho dân ở các huyện hạ lưu, còn bây giờ thiếu nước ngọt thì chúng tôi cũng đang thiếu chung. Chúng tôi cũng đang chờ xem thông báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam có đúng hay không, đúng thì chúng tôi mở cống ra lấy nước".

"Liên tỉnh bàn với nhau là phải giúp nhưng vì có thông là nước về sông Mê Kông nhiều hơn. Thứ 2 là do Viện khoa học thủy lợi miền Nam dự báo tháng tư có nước ngọt như vậy mà đắp đập thì phí quá nên đợi đo xem độ nhiễm mặn  không giống như khuyến cáo thì mới đắp", ông Hoàng nói thêm.

Tiền Giang vẫn tự đắp đập

Trước thông tin Sở NN&PTNT tỉnh Long An đưa ra về thông báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang -Trần Hoàng Bá cho rằng: "Bây giờ nên tin vào việc đo thực tế hay tin vào dự báo của Viện Khoa học.

Trên đó có thông báo là độ mặn nhỏ hơn 4g/l, nhưng 4g bọn tôi không dùng được. Tiền Giang chúng tôi đo theo diễn biến, đo 24/24, nếu mà mặn dưới khoảng 1,50g/l thì chúng tôi lấy vào dùng còn không thì thôi.

Thành ra tỉnh Long An ban đầu thì đồng ý đắp 6 đập chỗ Vàm Cỏ Tây nhưng sau đó khi có thông báo là có nước ngọt thì tỉnh Long An hiện tại là sợ tốn tiền nên không đắp".

"Hiện tại là chúng tôi đang lấy nước vào vườn cây ăn trái, vùng này điều kiện khắc nghiệt hơn nên chúng tôi phải dùng dưới 1g/l", ông Bá nói.

Ông Bá thông tin: "Tỉnh Long An thì chưa có văn bản trả lời chính thức, nhưng qua trao đổi với nhau thì chủ trương của tỉnh Long An là thôi, chờ nước ngọt chứ không đắp đập".

Ông Bá cũng cho biết, đứng trước việc tỉnh Long An từ chối đắp đập và nhu cầu thực tế sản xuất hiện nay tỉnh cũng đang chuẩn bị tiến hành đắp đập.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI