Loạn xe cấp cứu dỏm bệnh nhân chết tức tưởi trên đường chuyển viện

21/09/2015 - 10:00

PNO - Những ngày gần đây, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân được chuyển đến từ các xe cấp cứu thiếu an toàn.

Loan xe cap cuu dom benh nhan chet tuc tuoi tren duong chuyen vien
Một xe cấp cứu Bệnh viện Q.2 với đầy đủ trang bị phương tiện cấp cứu - Ảnh: Phùng Huy

Những chiếc xe này thiếu thuốc, máy móc để cấp cứu hoặc không có bác sĩ (BS), điều dưỡng hoặc có nhân viên y tế nhưng lại không biết hồi sức cấp cứu. Đã có BN trên những chuyến xe này ngưng tim, ngưng thở, tử vong trên đường chuyển viện...

Suốt mười ngày có mặt ở các BV TP.HCM, chúng tôi gặp nhiều chiếc “xe cào cào” đưa BN từ tuyến dưới hoặc từ nhà riêng tới. Gọi là “xe cào cào”, bởi đó chỉ là những chiếc xe thông thường được sơn viền đỏ cho giống xe cấp cứu, có số điện thoại di động trên thân xe để khách hàng liên hệ, bên trong không hề có trang thiết bị phục vụ cấp cứu và không có y BS đi kèm.

Thậm chí, chiếc ô tô bình thường chỉ gắn thêm bình ôxy cũng trở thành xe cấp cứu. Lại có những xe "tuy xịn mà dỏm" vì là xe chính quy nhưng trang bị ẩu tả.

Tài xế kiêm tất cả

3g chiều 15/9, xe cấp cứu 115 X.A. hú còi “xé toạc” cổng BV Nhi Đồng 1 rồi vội vã đưa bé gái một ngày tuổi vào phòng cấp cứu. Bệnh nhi sinh non được chuyển đến từ một BV tư ở H.Củ Chi, TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp nhưng không được đặt nội khí quản và không hề có BS đi kèm.

Ngay lập tức, một nhóm BS và điều dưỡng BV Nhi Đồng 1 ra ứng cứu, nhưng khi hỏi hồ sơ bệnh án ghi nhận tình trạng bệnh của BV trước đó, bác tài chỉ biết lắc đầu. Một BS kêu trời và tất bật cùng đồng nghiệp rà soát, khám lại từ đầu cho bé. May mắn là BN chưa rơi vào tình trạng nguy kịch.

Trước đó vào sáng 14/9, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận bé trai H.M.N. (chín tháng tuổi, quê ở Cà Mau) được xe cấp cứu 115 X.V. biển số 51E-520X chuyển từ một BV công ở Cà Mau lên. Dù trên xe cấp cứu có BS và điều dưỡng, nhưng cũng không có hồ sơ bệnh án.

Cùng lúc đó, một xe cấp cứu từ Tây Ninh “đổ bộ”. Tài xế cùng người nhà đẩy băng ca đưa một bé trai bị bệnh tim bẩm sinh vào. Bé có dấu hiệu khó thở. Đến cửa phòng cấp cứu, người mẹ lăn ra ói vì say xe và khuỵu xuống.

Không thấy hồ sơ bệnh án, BS hỏi chủ xe: “Chuyển trẻ bị tim bẩm sinh khó thở, vậy trên xe có máy thở không? Bé có được truyền thuốc không? Bé nặng bao nhiêu ki-lô?...” nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Bên ngoài khoa Cấp cứu của BV này, các xe cấp cứu liên tục hú còi. Ngoài những xe chuyển bệnh đến từ các BV tuyến quận/ huyện, BV đa khoa được trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu hoặc một số xe tư nhân hiện đại, có rất nhiều “xe cào cào” thiếu an toàn.

Các BS khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, BV Chợ Rẫy cũng thường nhận được những ca bệnh “bí ẩn”. Xe cấp cứu chuyển bệnh tới nhưng không có nhân viên y tế, không có hồ sơ bệnh án. Để tránh BS “hỏi thăm”, tài xế xe cấp cứu vừa chuyển bệnh đến đã vội phóng xe rời hiện trường.

Phí vận chuyển BN của các “xe cào cào” này cao hay thấp tùy vào có BS, điều dưỡng đi kèm hay không. Sáng 3/9, một xe hơi cũ bảy chỗ hiệu Innova đậu ngay lối ra vào của khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 để vận chuyển BN.

Cô y tá “phóng loa”: “Xin mời chủ tài xế xe 51F 278XX cho xe ra phía bên ngoài”. Dù lời đề nghị vang lên liên tục nhưng tài xế của chiếc Innova vẫn nằm ngủ ngon lành trên dãy ghế dành cho BN chờ khám bệnh.

Sau 10 phút, tiếng chuông điện thoại reo lên, tài xế mới bật dậy mở nắp cốp xe, bắt đầu mở bình ôxy, và chúng tôi cũng mới nhận ra đây chỉ là một chiếc xe bình thường gắn thêm bình ôxy.

Ngay lúc đó, gia đình chị N.T.V. đưa bé gái vài ngày tuổi bị viêm phổi nặng lên xe, về Đà Lạt. Theo người nhà bệnh nhi, “xe cấp cứu” này được một bảo vệ gác cổng của BV cho số để gọi. Xe lăn bánh rời BV nhưng ngoài tài xế và gia đình bệnh nhi, không còn ai khác.

Chị Sinh - mẹ của bé trai một tháng tuổi bị tim bẩm sinh nặng cho biết: “Khi tôi gọi điện thoại thuê xe cấp cứu chuyển bé về Quảng Ninh, hãng xe 115 T.Q. báo giá, nếu có điều dưỡng đi theo thì giá 30 triệu đồng, còn không thì 25 triệu”.

Tử vong vì bác sĩ không biết cấp cứu

Đã không ít BN tử vong do các “xe cào cào” chuyển bệnh sai quy trình và không an toàn. Gần đây nhất, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận bé trai (tám ngày tuổi) được chuyển từ Đăk Lăk tới TP.HCM. Ca bệnh do một BV công chuyển lên tuyến trên với lý do vượt khả năng điều trị.

Bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng nhưng khi chuyển viện, các BS tuyến trên không nhận được thông tin để tư vấn, hỗ trợ sớm cho nhân viên y tế trên xe cấp cứu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI