Lỡ leo lên lưng… dịch vụ

16/09/2015 - 14:45

PNO - Phải chăng dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người cũng như bao thứ dịch vụ khác, cứ khan hiếm là lại tăng giá?

Lo leo len lung… dich vu
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Sau những ngày vật vã thức khuya dậy sớm, rồng rắn bế con xếp hàng chờ tiêm vắc-xin dịch vụ, nhiề u phụ huynh lại một phen nhăn mặt vì thông tin giá vắc-xin dịch vụ sẽ tăng. Mà tăng không hề nhẹ, như vắcxin 5 trong 1 tăng giá bán buôn từ 485.000 lên 629.000đ/mũi; tăng giá tiêm từ 630.000 lên 710.000đ/mũi.

Trong các nguyên nhân tăng giá vắc-xin dịch vụ, ngoài vấn đề tỷ giá ngoại tệ thay đổi, có nguyên nhân khan hiếm vắc-xin. Người chích đông mà lượng vắc-xin có hạn, “cung ít cầu nhiều” nên mới khan hiếm.

Người ta đặt vấn đề: phải chăng dịch vụ  liên quan đến sức khỏe con người cũng như bao thứ dịch vụ khác, cứ khan hiếm là lại tăng giá?

Và, chẳng lẽ nhà kinh doanh nhập khẩu lại không nắm được cung-cầu của thị trường, đến mức cứ để xảy ra hết đợt khan hiếm này đến đợt khan hiếm khác? Có hay không sự “làm giá” khi không có nhiều công ty được phép nhập khẩu vắc-xin?

Trên thực tế, do sự khan hiếm này, đã có nhân viên của một cơ sở y tế rao giá hàng triệu đồng cho một mũi tiêm vắcxin. Và, chưa có công ty nhập khẩu dược phẩm nói chung, vắc-xin nói riêng, kêu lỗ, nhưng giá thuốc, giá vắc-xin thì cứ liên tục tăng, và lần này tăng đột biến.

Cần nhắc lại, tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ không phải mới xảy ra gần đây, mà kéo dài từ năm 2014, đến nỗi, nhiều bà mẹ bế con đi ba lần, nhưng lần nào cũng đều thất vọng ra về vì cơ sở y tế không có vắcxin để chích. Loại vắc-xin khan hiếm trầm trọng nhất là vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1.

Nhưng điều đáng nói qua sự khan hiếm và tăng giá mạnh của vắc-xin dịch vụ là: tại sao người ta lại chọn tiêm dịch vụ, vật vã xếp hàng và chịu chi phí cao, trong khi có cả mộ chương trình quốc gia về tiêm chủng mở rộng (TCMR), hiếm khi nghe báo vắc-xin khan hiếm, và mọi thứ đều được miễn phí hoàn toàn?

Còn nhớ, trong đợt khan hiếm vắc-xin dịch vụ xảy ra vào đầu tháng 3/2015, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phải thốt lên về nghịch lý đang diễn ra là “người dân chấp nhận chờ đợi, xếp hàng để tiêm vắc-xin dịch vụ, trong khi vắc-xin miễn phí được Bộ Y tế cung ứng đầy đủ, nhưng phải đi đến từng nơi tuyên truyền, vận động người dân tiêm”.

Ở đây, nguyên nhân chính yếu nhất là niềm tin của dân vào hệ thống y tế cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà người dân khước từ quyền được chích ngừa miễn phí. Trước hết, phải nhắc lại rằng, trong vòng ba năm qua, rất nhiều vụ phản ứng sau tiêm, biến chứng, tử vong đã xảy ra trong hệ thống chương trình TCMR.

Ngành y tế đã liên tục kêu gọi người dân hãy yên tâm khi sử dụng vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 của chương trình TCMR, nhưng trên thực tế, loại vắc-xin này để lại nhiều điều tiếng lùm xùm nhất, trong khi chưa có ghi nhận ca biến chứng nào xảy ra với các loại vắcxin 5 hay 6 trong 1 mà các dịch vụ đã và đang dùng (Pentaxim, Infanrix Hexa).

Kế đến, đã có sự “ngắt mạch” vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 của chương trình TCMR khiến người dân hoang mang (đã có một thời gian, vắc-xin này bị tạm ngưng sử dụng chờ kiểm nghiệm, đánh giá lại chất lượng).

Người ta còn lo ngại chất lượng vắc-xin của một chương trình mang tính đại trà liệu có còn bảo đảm trong quá trình bảo quản, vận chuyển, khi mà nơi thực hiện tiêm chích là phường xã, trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; rồi còn khâu theo dõi sau tiêm, và mấu chốt là nhân sự thực hiện việc tiêm chủng.

Đã có những cái chết đau lòng do nhân viên y tế cơ sở chích nhầm vắc-xin; cũng đã có nhân viên y tế bị phát hiện “ăn bớt” vắc-xin.

Người dân chọn tiêm vắcxin dịch vụ vì tin vào những bệnh viện lớn, bao gồm các yếu tố: loại vắc-xin, nguồn vắcxin, chất lượng bảo quản vắcxin, chất lượng nguồn nhân lực (y bác sĩ) thực hiện việc tiêm chủng, trong đó có cả thái độ phục vụ và cả khả năng xử lý kịp thời nếu có xảy ra biến chứng.

Một người bạn của tôi là điều dưỡng ở bệnh viện tỉnh, nhưng khi chích ngừa cho con vẫn phải thuê xe lên TP.HCM tiêm dịch vụ, vì những lý do vừa kể.

Mỗi lần đưa con đi chích ngừa là tốn hơn hai triệu đồng. Cô nói rằng không thể đánh cược tính mạng con mình vào sự may rủ i. Nếu dịch vụ tăng giá, cũng đành chấp nhận thôi, vì đâu còn sự lựa chọn khác “lỡ leo lên lưng cọp rồi”.

Thế đấy! Khi hệ thống y tế công cộng chưa thực sự mang lại niềm tin, trong khi y tế dịch vụ cứ rục rịch “tăng giá mạnh” thì quả thật là khó cho dân trong vấn đề lựa chọn.

Ngọc Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI