Lên cao - xuống sâu

18/09/2015 - 07:16

PNO - Thành phố xưa nay không lạ gì chuyện ngập nước, cũng từng lãng đãng trong ca từ của nhạc sĩ họ Trịnh “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh”.

Thành phố xưa nay không lạ gì chuyện ngập nước, cũng từng lãng đãng trong ca từ của nhạc sĩ họ Trịnh “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh”, nhưng sau cơn mưa giữa tháng Chín, dòng sông ấy phình to, dềnh lên những con sóng xô ngã người và xe máy đang ngập nước đứng chết trân giữa đường. Không lối thoát, chị chở con đứng ghìm xe chống chọi, nhích từng bước giữa dòng nước.

Cơn mưa lịch sử với lượng mưa có nơi lên đến 142mm, cộng thêm triều cường đạt đỉnh 1,4m, đã đẩy cả hai vấn nạn của thành phố: kẹt xe và ngập nước chạm nhau trong cùng một thời điểm: giờ tan tầm buổi chiều.

Len cao - xuong sau
Ảnh: Internet

Người thành phố kiên nhẫn đứng dưới mưa trong nước ngập, chờ có lối vượt qua chỗ kẹt xe. Những đứa trẻ đi học về ngồi trên xe, sau lưng bố mẹ, đợi chờ mòn mỏi trên nước dưới mưa, là những đứa trẻ hạnh phúc. Nhiều đứa trẻ khác vẫn chưa được bố mẹ đón, vì bố mẹ chúng chưa qua được chỗ kẹt xe để đến trường.

Trong những căn nhà bị ngập nước, đồ đạc phải thu dọn chồng chất, nhiều đứa trẻ khác nữa và cả những người già, người ốm, đã phải tìm chỗ co chân lên. Chỗ khô ráo để dọn một bữa cơm còn không có, huống hồ sách vở, bàn học…

Bạn không đến kịp một cuộc gặp gỡ, đã phải gọi điện xin vắng mặt vì không biết khi nào mới tới nơi. Hỏi ra, bạn đang ngồi trong xe giữa đám xe hơi, xe máy kẹt cứng trên đường, giữa biển nước ngập - một “hoàn cảnh đau đớn và bất lực” đối với một chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu.

Chuyện đã được đề cập tới từ những diễn đàn vĩ mô, về tác động của môi trường, về hệ thống cấp thoát nước, về quy hoạch đô thị… nay nối tiếp nhau diễn ra trước mắt: vì nước ngập không thể đưa trẻ con đi học hay đón về, cho dù người ta có bỏ giờ làm nhào ra đường ngay giữa cơn mưa; không thể bơm thoát nước ra khỏi nhà, vì chung quanh đều ngập hết cả rồi; không thể giữ môi trường sạch được, vì nước đã ngập cả nhà vệ sinh…

Những ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của mỗi một người dân, nếu đem giải thích bằng những tác động vĩ mô mang tính toàn cầu, sẽ thực khôi hài. Điều thấy ngay trước mắt là cuộc sống, sinh hoạt của xã hội bị đảo lộn, hiệu quả làm việc thấp và chất lượng sống sa sút hẳn đi.

Hình ảnh khu hầm để xe của một cụm chung cư liên hợp cao cấp ngập ứ nước, hàng trăm xe máy, xe hơi ngâm trong nước là minh chứng cho một nghịch lý: ở trên cao cũng không thoát ngập. Không thể chỉ tập trung cho phần “lên cao” mà không chú ý đến phần “xuống sâu”.

Thang máy, thang cuốn, căn hộ penhouse trên tầng thượng, máy lạnh trung tâm, nội thất sáng loáng những bức tường kính và đá cẩm thạch… tất cả chẳng có nghĩa gì khi vì ngập nước mà cả khu nhà phải cúp điện và cúp luôn cả nước.

Thành phố đang phát triển theo một hướng, đang thể hiện khát vọng vươn lên tầm cao mới, nhưng chính trên con đường phát triển này, người ta đã thu được bài học về việc phải có một hạ tầng cơ sở đảm bảo, thì mới có thể vươn lên thực sự được.

Nói cách khác, phải có một thành phố ngầm dưới lòng thành phố, thì thành phố trên mặt đất mới có thể phát triển được vững bền. Nhân loại biết về điều này từ lâu lắm.

Thế kỷ XIX, Victor Hugo đã dành hẳn một chương trong Những người khốn khổ để nói về hệ thống cống ngầm của Paris:“Dưới lòng đất, Paris có một Paris khác, một Paris của những cống ngầm…”. Thế kỷ XXI này, những vấn đề của phát triển đô thị đang đòi hỏi những giải pháp mang tính hệ thống hơn.

Dự án xây các bể chứa nước ngầm của thành phố đang được tính đến, người ta bắt đầu ngó sang nước bạn, Tokyo, Nhật Bản chẳng hạn, với những hệ thống bể chứa ngầm sâu trong lòng đất, góp phần giải quyết mối nguy ngập nước, giữ thành phố được đẹp đẽ lâu bền, giữ môi trường sống an toàn và chất lượng cho cộng đồng dân cư.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI