Lễ tri ân - hãy để học sinh tự thể hiện

09/05/2015 - 07:43

PNO - PN - Vào những ngày cuối tháng Năm, trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho kỳ thi vượt vũ môn quan trọng, các trường THPT thường tổ chức Lễ tri ân cho học sinh (HS) khối 12, nhằm để HS bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với cha...

edf40wrjww2tblPage:Content

Le tri an - hay de hoc sinh tu the hien

Nguồn ảnh: internet.

Mở đầu buổi lễ bao giờ cũng là một bài tri ân do thầy cô viết đưa cho HS đọc, năm nào cũng như năm nào, có chăng chỉ thay đổi vài từ. Một HS lớp 12 tiêu biểu được cử lên bục rồi cứ việc đọc, HS dưới sân thì bận rộn bàn chuyện thi cử, tranh thủ ký vào lưng áo làm kỷ niệm.

Gương mặt nhiều em còn hằn rõ mệt mỏi vì thời gian nước rút thi cử mà còn phải ngồi dưới sân trường nghe bài “diễn văn” dài lê thê không chút cảm xúc.

Tiếp đến là vài tiết mục văn nghệ được thầy phụ trách tập cho mấy tuần trước, các em cứ diễn cho xong bởi tâm trạng bây giờ chỉ lo ôn thi, đâu còn tâm trí mà lo văn nghệ văn gừng.

Phụ huynh HS cũng được mời tham dự nhưng chỉ lác đác vài người. Họ than phiền sao sắp thi cử rồi mà còn tổ chức rườm rà vậy. Hóa ra, cả HS lẫn phụ huynh chẳng hiểu mục đích của Lễ tri ân là gì?

Chỉ có thầy cô - những người được tri ân là hiểu rõ bởi họ tự biên tự diễn. Bởi nếu không tổ chức thì không được, bị xem là không hưởng ứng các phong trào thi đua được phát động.

Nên chăng, Lễ tri ân cần được tổ chức vào một thời gian khác, không cần cứ phải vào cuối tháng Năm, trong khung năm học.

Thời điểm nên làm là khi HS khối 12 đã thi cử xong, các lớp tự lên chương trình và thực hiện rồi mời thầy cô, phụ huynh đến dự. Nếu thầy cô có tham gia thì chỉ với vai trò cố vấn, còn lại là các em tự đảm nhiệm để được tự thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của mình thật tự nhiên, không khuôn sáo.

Chẳng cần những bài diễn văn dài dòng mà chỉ là những lời nói chân thành từ đáy lòng. Đó có thể là một lời xin lỗi vì hành động sai trái, một câu chuyện kỷ niệm thời áo trắng hoặc ấn tượng của các em về từng thầy cô như một buổi nói chuyện thân mật. Lời ca tiếng hát cất lên tự nhiên sẽ hay gấp nhiều lần những tiết mục được chuẩn bị cầu kỳ, thuê trang phục tốn kém.

Các phong trào ở trường học hiện nay đã mang nặng tính hình thức, chưa thu hút được HS tự nguyện tham gia thì Lễ tri ân cần trở thành dịp thầy trò gần gũi tâm tình, để các em không có cảm giác bị bắt buộc tham dự vì sợ hạ hạnh kiểm, trừ thi đua, sợ giáo viên chủ nhiệm mắng…

Chắc chắn khi đó, các thầy cô sẽ hào hứng với Lễ tri ân hơn chứ không phải rơi vào tình cảnh “phải” tổ chức cho HS để có thành tích trong phong trào thi đua…

LÊ HẢI XUÂN (TP. Đông Hà - Quảng Trị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI