Lập đội đặc nhiệm quản lý thị trường, ngăn hàng giả

30/03/2013 - 19:00

PNO - Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết như vậy tại cuộc họp triển khai phương hướng nhiệm vụ của đơn vị năm 2013, tổ chức vào chiều 30/3 tại Hà Nội.

 Lap doi dac nhiem quan ly thi truong, ngan hang gia

Các lực lượng chức năng ở Hà Giang kiểm tra các sản phẩm dầu gội đầu có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

"Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra mọi nơi mọi lúc, không chỉ tại cửa khẩu, cửa biển, đường biển, hàng không, đường sắt mà hiện nay tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lân thương mại, vi phạm sinh toàn thực phẩm tiếp tục gia tăng ở mức báo động. Sự nguy hại về lâu dài cho nền kinh tế, đời sống xã hội là thực sự khôn lường." - Ông Trương Quang Hoài Nam nói.

Để đồng bộ hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại, ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng, trong năm nay, với vai trò đặc biệt là “bộ lọc” của nội địa, lực lượng quản lý thị trường phải chủ động tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng (chất lượng xăng dầu, an toàn vệ sinh thực phẩm) đảm bảo đến cuối năm 2013 có chuyển biến rõ nét theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc Hội khóa XIII.

Lực lượng quản lý thị trường phải chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình thị trường, nhất là đối với những hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng hàng ngày của người dân như xăng dầu, gas, lương thực, thực phẩm; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, nổi cộm trên thị trường. Các địa bàn cần tập trung kiểm tra, kiểm soát là các thành phố, thị xã và vùng ven đô, kho chứa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, nơi phát luồng hàng hóa.

Cục quản lý thị trường sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan để thành lập đội đặc nhiệm trực thuộc. Đây sẽ là một trong những lực lượng xung kích trên mặt trận chống buôn lậu trong thời gian tới.

Theo báo cáo của các Chi cục Quản lý thị trường địa phương, ở các tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, đã và đang nổi cộm, nhức nhối nạn nhập, lậu pháo, hàng hóa kinh doanh tạm nhập-tái xuất, hải sản đông lạnh, gia cầm, rượu, bia, mỹ phẩm, dầu DO, phế thải các loại…

Các mặt hàng xuất lậu cũng không ngừng nghỉ, khi khoáng sản, nông sản, động vật hoang dã, kim loại quý hiếm, lần lượt “chạy” sang nước thứ hai, thứ ba cũng “nhờ” cửa khẩu biên giới. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng xuất, nhập khẩu lậu là xé lẻ hàng hóa để vận chuyển, mang vác hàng hóa theo các đường mòn lối mở, hai bên cánh gà, cửa khẩu biên giới, sau đó tập kết, hợp thức hóa đơn chứng từ, đưa sâu vào nội địa tiêu thụ.

Ngoài khu vực cửa khẩu, tuyến biên giới biển cũng được nhiều đối tượng buôn lậu tận dụng triệt để, đặc biệt là các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung và biên giới Tây Nam. Hàng xuất lậu chủ yếu gồm than, quặng các loại, xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm.

Hàng nhập lậu là pháo các loại, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, động vật hoang dã, quặng titan, quặng sắt. Phương thức và thủ đoạn hoạt động mỗi ngày một tinh vi, với sự thay đổi liên tục địa điểm nhập, xuất hàng. Nguy hại hơn, tình trạng quay vòng hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa, thay đổi hải trình đã trở thành “lập trình.”

Tại tuyến hàng không, các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, những mặt hàng hóa gọn như mỹ phẩm, đồng hồ, tân dược, ma túy, ngoại tệ, hàng “nóng,” văn hóa phẩm… là chủ yếu. Thủ đoạn chính của đối tượng vi phạm là cất giấu hàng hóa trong người, trong hành lý không khai báo khi xuất cảnh, nhập cảnh, tách hóa đơn, lợi dụng định mức miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng để vận chuyển trái phép hàng lậu./.

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI