Lãng phí sách thầy, sách trường

17/09/2013 - 16:10

PNO - PNO - Dù được Bộ GD-ĐT quy định rất rõ ràng về danh mục các đầu sách giáo khoa (SGK) trong một bộ sách, nhưng không ít học sinh (HS) tại các cấp học, nhất là cấp 2-3 đã và đang gián tiếp sử dụng nhiều đầu sách khác ngoài danh mục...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sự chồng chéo trong việc sử dụng các đầu sách, đề cương trên không chỉ gây lúng túng cho phụ huynh mà còn gây ra một sự lãng phí lớn khi có nhiều đầu sách, HS mua nhưng gần như không đụng đến.

HS vẫn cõng sách đến trường

Việc học sinh TH, THCS mệt nhoài vì ngày ngày phải cõng trên vai chiếc cặp với hàng đống sách vở đến trường khá phổ biến. Sự bất cập trong hướng dẫn HS sử dụng SGK, sách tham khảo (STK) ở GV chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Nhận thấy những bất cập trong việc khuyến khích HS mua và sử dụng STK vốn đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua, nên năm nào Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo GV hướng dẫn HS sử dụng sách, vở hàng ngày một cách hợp lý, để giảm thiểu tối đa tình trạng HS mang vác sách đến trường.

Lang phi sach thay, sach truong

Đủ loại sách ngoài danh mục SGK 

Chủ trương và lộ trình thực hiện việc giảm tải cho HS đã được Bộ GD&ĐT quyết liệt thực hiện vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong thực tế việc HS ngoài bộ SGK theo quy định, các em vẫn phải mua thêm rất nhiều đầu sách từ sự “tư vấn” của GV. Ngoài những cuốn SGK (khối lượng kiến thức chủ yếu) HS từ cấp nhỏ đến cấp lớn vẫn phải mua thêm hàng chục đầu sách thuộc danh mục sách bài tập, sách rèn chữ viết, STK, sách nâng cao…Với HS bậc TH, số lượng đầu sách đầy đủ trọn bộ là 14 cuốn, HS THCS là 20 cuốn, THPT 25 cuốn. Cơ số sách trên còn chưa bao gồm những cuốn sách do GV giới thiệu, sách của các đơn vị có liên kết với phòng GD giới thiệu…

Theo lời một hiệu trưởng trường TH ở quận 3, TP.HCM, danh mục quy định SGK cho HS bậc TH được quy định rất rõ ràng (14 cuốn của lớp 1,2,3. 18 cuốn cho lớp 4,5 trọn bộ). Ngoài ra, trường giới thiệu thêm cho phụ huynh 2-3 đầu sách như: Viết đúng-viết đẹp của Sở GD(10 ngàn đồng/cuốn), vở tập vẽ, vở luyện viết của đơn vị bên ngoài để phụ huynh lựa chọn, mua hay không là quyền của họ, trường không ép buộc. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Phương, phụ huynh có con đang học lớp 4 tại trường TH nói trên cho biết: "Nói là không ép buộc nhưng trước năm học mới, GV đã hỏi phụ huynh có nhu cầu mua SGK thì để cô đăng ký. Ngỡ cô giáo sẽ hiểu và tư vấn đầy đủ cho mình nên tôi đăng ký, ai ngờ ngoài 9 cuốn SGK theo danh mục, tôi còn phải mua thêm 12 cuốn sách bài tập Toán, tiếng Việt, sách thực hành kỹ thuật, bài tập tiếng Anh…ôm trọn bộ sách với 21 cuốn mà tôi ngán. Cô nói đã đăng ký trọn bộ nên không thể trả”.

Cũng chung tâm trạng tình trạng “cõng” phí sách cho con quá nhiều, chị Trần Thanh Tâm, ngụ tại quận Gò Vấp, có con học lớp 11, cho biết: Trường bán một bộ sách khoảng 270 ngàn đồng. Nhưng đây là sách của nhà trường thôi. Mình còn phải mua nhiều sách ở ngoài để tham khảo thêm. Con tôi mua sách tham khảo nhiều lắm, nhiều khi gần triệu đồng, để học thêm. Tôi thì không rành việc này, con đòi ra nhà sách mua cuốn nào thì mua cho nó. Học gì mà tới mấy chục cuốn sách".

Không chỉ lãng phí trong việc mua quá nhiều đầu sách mà chưa chắc đã dùng đến vì chủ trương giảm tải cho HS đang được toàn ngành quyết liệt thực hiện. Hiện nay, tại nhiều trường việc GV ra bài tập dưới hình thức photocopy rồi đưa HS làm (không đụng đến sách bài tập) đã khiến việc mua trọn bộ sách thêm một lần nữa rơi vào lãng phí. Cô N.T.H chia sẻ: Bộ GD&ĐT đang có chủ trương thực hiện giảm tải cho HS, nên việc hạn chế sử dụng sách bài tập ngay trên lớp là điều có thật. Việc tiết giảm các đầu sách không cần thiết bắt HS mua tôi nghĩ các trường nên tư vấn cho phụ huynh. Ví dụ, nếu đã yêu cầu HS mua quyển Viết đúng-Viết đẹp của Sở (mẫu áp dụng cho việc học và thi Vở sạch- Chữ đẹp) thì nên loại 2 quyển vở tập viết để tránh lãng phí.

Lãng phí không đáng có

Đây là thực trạng mà rất nhiều GV khi được hỏi đều thẳng thắn thừa nhận về việc HS đã và đang phải sử dụng một hệ thống SGK, STK và sách bài tập quá nhiều và chồng chéo. Tuy nhiên, do phúc lợi có được từ việc bán sách, do cơ chế quản lý theo kiểu “trên bảo sao-dưới nghe vậy” nên thực tế tại các trường học vẫn còn kiểu bán sách theo cây-tức trọn bộ, mà chẳng cần biết HS có nhu cầu sử dụng những cuốn sách bài tập, STK ấy hay không.

Thực tế, không ai khác chính GV là những người hiểu nhất HS cần học những sách nào. Nhưng nếu chỉ học theo khối lượng kiến thức cơ bản, HS khó có thể hoàn thành tốt bài thi vốn được ra theo nhiều dạng khác nhau. Chính vì lý do ấy, nhiều GV dù rất thương HS nhưng vẫn phải “tư vấn” cho các em mua thêm những bộ STK, sách nâng cao nhằm giúp HS quen với các dạng bài tập có thể sẽ ra trong các kỳ thi.

Bà Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Thuận Kiều (Q.12) cho biết: Việc các công ty sách giới thiệu sách về trường là rất nhiều. Nhưng chúng tôi kiên quyết nói không vì đó là chủ trương của Phòng. Mặt khác, việc sử dụng cuốn sách nào phù hợp nhất với HS, giúp người GV dễ dàng trong giảng dạy là do chính hội đồng sư phạm, đội ngũ GV đề xuất. Chuyện GV xây dựng giáo trình hay ra đầu sách (luyện chữ, làm toán…) để bán cho HS là chuyện không bao giờ có và xảy ra tại trường tôi. Chúng tôi nghiêm cấm tuyệt đối hình thức dùng sách thầy, bỏ sách chính (sách bài tập). Vì nó không chỉ sai nguyên tắc sư phạm, mà còn gây ra lãng phí vì HS bỏ không dùng những quyển sách đã mua.

Theo bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) "Sự lãng phí do chồng chéo trong việc sử dụng sách thầy, sách trường (ngoài bộ sách quy định của Bộ GD) mấy năm trước là khá phổ biến. Tuy nhiên, sau khi chủ trương giảm tải được Bộ GD&ĐT quyết liệt chỉ đạo thực hiện, danh mục đầu sách mà các đơn vị cung ứng sách giới thiệu cho phụ huynh (thông qua nhà trường) đều bị gạt bỏ. Thực tế, với bậc tiểu học hiện nay ngoài những đầu SGK chính, chúng tôi chỉ khuyến khích phụ huynh mua thêm cho con 3 cuốn sách có tính nền tảng và rèn luyện cao như: bài tập tiếng Việt, bài tập Toán, rèn chữ đẹp. Còn những đầu sách khác chúng tôi không khuyến khích. Việc ép buộc HS mua đủ mọi đầu sách trong khi thực tế lại không sử dụng là việc hết sức lãng phí, cần phải loại bỏ".

Trao đổi về việc đưa ra danh mục SGK, STK cho các trường làm cơ sở thực hiện, một chuyên viên của Phòng giáo dục THPT Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: "Danh mục SGK, STK (thông qua liên kết với NXB) được chúng tôi đưa xuống các trường theo đúng danh mục của Bộ GD&ĐT quy định. Việc các trường giới thiệu thêm các đầu sách hay cho phụ huynh là chuyện của nhà trường. Ở góc độ quản lý, chúng tôi chỉ giám sát và đảm bảo chất lượng các đầu SGK, sách bài tập đến tay phụ huynh, HS một cách tốt nhất. Chuyện phụ huynh chọn mua thêm các đầu STK, giúp con mình học tốt hơn là quyền của phụ huynh, không ai có thể ép buộc!".
 

ANH TÚ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI