Làm sạch vùng biển 4 tỉnh nhiễm độc từ Formosa mất bao lâu?

01/07/2016 - 16:27

PNO - Các hệ sinh thái có khả năng tự phục hồi, tự làm sạch môi trường. Kết hợp với các dòng hải lưu đưa chất độc ra xa, lan tỏa vào môi trường biển trong diện rộng thì việc phục hồi sẽ không mất nhiều thời gian.

Ngày 1/7, báo Phụ nữ TP. HCM đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Đỗ Công Thung – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) về thời gian phục hồi lại hiện trạng môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung sau khi biết được nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt trong thời gian qua.

PV: Chính phủ Việt Nam vừa ra kết luận chính thức nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung trong thời gian quan là do Công ty Gang thép Formosa xả thải chất độc hại ra môi trường biển. Cụ thể, nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hidroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) theo dòng hải lưu đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt.

Sau khi xác định được các độc tố, cơ chế khiến môi trường biển nhiễm độc thì chúng ta phải làm thế nào để khơi sạch lại môi trường biển đang bị ô nhiễm, thời gian mất có lâu không?

GS.TS Đỗ Công Thung: Cái chính là nghiên cứu xem khả năng phục hồi của các hệ sinh thái như thế nào vì về mặt nguyên lý các hệ sinh thái ở biển phải tự phục hồi, tức là tự làm sạch các chất đó. Nên việc làm sạch các độc tố phenol, xyanua… là điều là các hệ sinh thái có thể tự làm được.

Bản thân các chất độc đó cũng theo dòng hải lưu quấn ra xa chứ không nằm mãi ở vùng biển miền Trung. Cũng từ điều này mà trước tiên con người cần phải phục hồi các hệ sinh thái đang bị tổn thương do chất độc gây ra trước.

Về thời gian để phục hồi môi trường biển thì còn phải dựa vào nhiều yếu tố, điều này không thể xác định được thời gian cụ thể nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì sẽ không mất nhiều thời gian để trả lại môi trường biển trong sạch của 4 tỉnh miền Trung như vốn có.

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề làm sạch vùng biển bị ô nhiễm do chất thải mà doanh nghiệp thải ra nên có thể phải mời thêm sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.

Lam sach vung bien 4 tinh nhiem doc tu Formosa mat bao lau?
Người dân Quảng Trị gom cá chết vào đầu năm 2016.

PV: Trong thời gian này, lượng hải sản sinh sống trong vùng nhiễm độc có thể gặp những nguy cơ gì? Con người ăn hải sản ở khu vực này có sao không, thưa ông?

GS.TS Đỗ Công Thung: Thời gian vừa qua tôi có thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học ở vùng biển miền Trung, tuy không liên quan trực tiếp đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển khiến cá chết nhưng trong quá trình thực hiện có đi thực tế. Bản thân tôi có lặn xuống dưới vùng biển các tỉnh miền Trung để khảo sát thì thấy các sinh vật đang sinh sống trở lại. Chúng tôi còn bắt cá, mực lên ăn ngay trên tàu mà không có chuyện gì xảy ra. Ngư dân cũng đã bắt đầu ra khơi đánh cá.

Nói như thế để thấy rằng hiện tại vùng biển miền Trung không còn bị ô nhiễm nặng như trong quãng thời gian xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nữa, mọi thứ đang dần trở lại bình thường. Và cứ như hiện nay thì việc trả lại môi trường biển trong sạch cho các tỉnh miền Trung sẽ không mất nhiều thời gian.

PV: Ngoài những thiệt hại về vật chất còn những thiệt hại về tâm lý người dân là không thể đo đếm được. Như thế, số tiền 500 triệu USD mà phía doanh nghiệp Formosa bồi thương liệu đã thỏa đáng cho những tổn thất mà họ gây ra cho Việt Nam?

GS.TS Đỗ Công Thung: Đối với khoa học thì chúng tôi chẳng bất ngờ với con số 500 triệu USD buồi thường. Tôi tin chắc con số mà Chính phủ đưa ra đã được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng từ những đánh giá tác động của Công ty Gang thép Formosa với vùng biển của Việt Nam. Đó là tính toán dựa trên các hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật đã mất đi.

Họ (Formosa) là một doanh nghiệp tư nhận nước ngoài, chắc chắn họ sẽ không đồng ý bỏ ra số tiền đền bù thiệt hại nếu như phía Việt Nam không đưa ra bằng chứng để yêu cầu họ bồi thường.

PV: Để làm sạch môi trường biển, hỗ trợ ngư dân trở lại công việc đánh bắt như trước đây thì cơ quan chức năng phải có biện pháp cụ thể như thế nào?

GS.TS Đỗ Công Thung: Vừa rồi chúng tôi có vào trong Quảng Trị để thực hiện đề tài khoa học, có tham khả trong dân thì được họ nói: “Chúng tôi không ăn cá, khi nào mà có câu trả lời chính thức của Chính phủ là nguyên nhân tại đâu mà cá chết thì chúng tôi sẽ ăn trở lại”. Từ đó, tôi cho là dân vẫn rất tin tưởng vào Chính phủ, vào các nhà khoa học.

Chính vì vậy, sau đợt Chính phủ công bố nguyên nhân chính thức này thì cuộc sống của ngư dân chắc chắn trở lại bình thường. Đó là điều cần nhất mà Chính phủ phải làm, đó là tạo được lòng tin cho ngư dân yên tâm ra khơi đánh cá.

Ngoài ra, nhiều ngư dân ở các tỉnh miền Trung còn gặp khó khăn về phương tiện đánh bắt nên cần có sự hỗ trợ vốn để ngư dân trang bị đầy đủ vật chất khi ra khơi. Giá hải sản trong thời gian qua cũng có nhiều biến động, nhiều thương lái không thu mua hải sản hay nhân cơ hội ép giá ngư dân nên điều này cũng phải được cơ quan chức năng giải quyết sớm.

Cảm ơn ông đã trao đổi với Phụ nữ TP. HCM!

Đoàn Văn (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI