Làm gì để phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ?

15/05/2013 - 11:22

PNO - PN - Các em học sinh (HS) vừa mới thi học kỳ II xong, khi nhà trường lơ là và cha mẹ thiếu quan tâm trong giai đoạn giữa “học” và “nghỉ hè”, nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Tối 18/4 vừa qua, cả thôn La Chữ xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, không ngủ được trước một mất mát lớn - sáu HS của thôn bị chết đuối. Tất cả các em đều ở tuổi 13. Cùng ngày, hai HS lớp 4 Trường tiểu học Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị chết đuối. Khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng thì hôm qua, 14/5, lại bốn HS lớp 6 bị chết đuối tại công trình thủy điện Sêrêpốk 4 (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk). Chết đuối chỉ là một loại tai nạn trong biết bao tai nạn thương tâm mà hằng ngày trẻ em gặp phải như té cây, té giếng, bị ong đốt, phỏng nước sôi, điện giật… Càng gần những ngày hè thì mật độ các tai nạn ở trẻ lại càng dày thêm.

Từ đó mới thấy rằng việc trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích là vô cùng quan trọng. Nhưng đây cũng chính là điểm vô cùng yếu kém trong cả hệ thống giáo dục từ nhà trường, gia đình đến các tổ chức xã hội. Đáng buồn là cho đến nay, dù nói nhiều, nhưng thực tế vẫn chưa có phương cách khắc phục hiệu quả.

Lam gi de phong chong tai nan, thuong tich cho tre?

Em Tường Vy may mắn sống sót trong vụ đuối nước tập thể xảy ra tại hồ thuỷ điện Sêrêpốk 4 (Đăk Lăk) vào ngày 14/5/2013. Ảnh: Võ Phúc

Ông Trần Tuấn Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo giá trị sống - kỹ năng sống YMCA (TPHCM) khẳng định: “Vẫn có cách! Thậm chí là nhiều cách”. Theo ông Huy, ở nhiều nước, phải làm gì để tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm đến tính mạng như: xảy ra động đất, gặp ngộ độc, chập điện hoặc hở mạch điện, gặp các loại côn trùng gây hại, gãy tay, chảy máu… được HS thuộc nằm lòng và có kỹ năng xử lý tốt mọi tình huống, trong khi HS Việt Nam gần như mù tịt. An toàn cho trẻ trong thời gian trẻ học ở trường đã đành, nhưng trách nhiệm của nền giáo dục còn là phải trang bị cho HS những kiến thức và kỹ năng để HS biết tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm. Tiếc thay, chương trình giáo dục của ta hiện chưa quan tâm trang bị những kỹ năng này cho HS.

Cũng có thể nghĩ ngay đến việc khuyến khích các tổ chức như Đoàn Thanh niên tại các địa phương mở chiến dịch “phòng ngừa tai nạn cho trẻ” nhân mùa hè đến; Hội Phụ nữ tổ chức các khóa huấn luyện “hướng dẫn con cái phòng ngừa tai nạn” cho phụ huynh. Điều này có thể làm được ngay, làm quyết liệt, ngay trong mùa hè này, đồng thời cũng dễ duy trì sau đó. Hiện đang tồn tại mâu thuẫn: phần nhiều các bậc cha mẹ chưa nhận thức được vấn đề trên, nhưng không ít phụ huynh quan tâm thì không tìm ra lớp huấn luyện để đưa con em tham gia. Về lâu dài, phải có những lớp học về kỹ năng cho các bậc phụ huynh, trong đó có kỹ năng giáo dục - bảo vệ con trẻ.

Ông Trần Tuấn Huy cũng cho rằng, ngành y tế cần thường xuyên tuyên truyền về phòng chống tai nạn, thương tích cho người dân bằng những cẩm nang dễ hiểu. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những poster lớn đặt để ở những nơi công cộng giúp cảnh báo phòng ngừa tai nạn, đồng thời giúp cả cộng đồng dần có ý thức quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Rất tiếc là nhiều người lớn vẫn chưa có ý thức trước những nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ. Họ không cản khi thấy trẻ tắm sông, tắm hồ, leo cây, hoặc đến những nơi nguy hiểm; thi công công trình xây dựng thì không rào chắn… Đến khi tai nạn xảy ra thì có hối hận cũng trở nên muộn màng.

Bên cạnh khuyến khích mở các trại hè, thiết nghĩ Nhà nước cũng cần khuyến khích, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân mở ra nhiều hơn các trung tâm chăm sóc giáo dục kỹ năng cho trẻ với chi phí vừa phải.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI