"Kỹ sư nước sạch" của bản làng

14/01/2016 - 06:54

PNO - Nhiều năm qua, người Vân Kiều ở bản Xy La (xã Xi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn dành những lời khen ngợi và lòng biết ơn cho ông Hồ La Hơi.

Ông được dân bản trìu mến gọi là “kỹ sư nước sạch của bản làng”. Suốt 18 năm qua, ông đã tự nguyện tuần tra, bảo vệ và sửa chữa đường ống dẫn nước cho dân bản.

Cuộc sống gia đình ông Hồ La Hơi còn thiếu thốn đủ bề, nhưng tấm lòng vì dân, vì bản làng của ông đã khiến nhiều người ngạc nhiên và nể phục. Ông Hơi pha ấm nước lá rừng tiếp chúng tôi, đang râm ran chuyện nước sạch của thôn thì có người đến nhờ ông ra sửa giúp đoạn ống nước bị vỡ ngoài đồng. Ông xách túi đồ nghề, chạy đi ngay.

Trước đây, ngày hai buổi, phụ nữ và trẻ em trong thôn phải vất vả ra suối cách nhà mấy cây số lấy nước về nấu nướng, nhưng cũng chỉ có nước đục. Năm 1997, thôn Xy La được một tổ chức nước ngoài tài trợ ống dẫn nước từ trên núi về tận mỗi xóm nhà, thỏa niềm mơ ước có nước sạch của dân trong thôn.

Ông Hồ La Hơi kiểm tra đường ống nước dẫn về thôn Xy La

Tuy nhiên, ống nhựa dẫn nước rất nhỏ nên lực chảy cũng yếu. Thời tiết Quảng Trị lại khắc nghiệt, ống nước bằng nhựa chỉ dùng được một năm là thường xuyên bị vỡ, nước không chảy về được tới thôn. Tiếc nguồn nước sạch quý giá, thương dân bản thiếu nước dùng, ông Hơi tự nguyện đi sửa ống nước cho bà con. Bất kể trời nắng hay mưa, hễ đường ống gặp sự cố là ông có mặt ngay, đảm bảo cho nước luôn về tới bản.

Đang mùa đông mà cái nắng chiều vẫn chiếu xiên khoai, đúng vào tấm lưng gầy gò của ông Hơi đang loay hoay với đoạn ống hư dưới vũng bùn. Mồ hôi chạy dài trên trán, trên đôi má gầy chi chít đồi mồi. Đôi bàn tay chai sạn, sần sùi vì những cơ cực trên rẫy trên nương của ông thành thạo chắp vá lại đoạn ống hở. Ông vừa làm vừa nói: “Phải làm nhanh trước khi trời tối để bà con đi rẫy về có nước nấu ăn, sinh hoạt”.

Mỗi tuần hai lần, ông Hơi đi tuần tra định kỳ đường ống dẫn nước dài 6km từ đỉnh ngọn núi xã A Dơi (Hướng Hóa) về thôn Xy La. Ngày đi tuần, ông thức dậy từ trước khi gà rừng cất tiếng gáy gọi mặt trời và chỉ về đến nhà khi thú rừng đã đi tìm chốn ngủ. Ông cuốc bộ dọc theo đường ống từ bản lên đỉnh núi, nơi có nước suối trong vắt, vừa đi vừa dò xem đường ống có đoạn nào bị hư hỏng hay cần phải bảo trì không.

Ông đã tự bỏ tiền túi ra mua vật liệu để sửa chữa. “Ở đây bà con đều nghèo, mình bảo góp tiền để mua vật liệu sửa ống nước ai cũng nói không có. Thế là mình lấy tiền bán sắn, bán khoai của gia đình mà mua, có khi bí quá bán cả lúa để mua vật liệu về sửa chữa. Không sửa thì lấy nước đâu cho bà con dùng? Mình làm vì dân bản mà cũng vì chính gia đình mình, chẳng đòi hỏi gì hết” - ông Hơi tâm sự.

Năm 2004, Xy La được tỉnh Quảng Trị đầu tư cho đường ống dẫn nước bằng sắt thay cho đường ống nhựa đã hư hỏng nặng sau bảy năm sử dụng. Đường ống sắt kiên cố hơn, đường kính to hơn nên nước về thôn mạnh hơn. Thế nhưng, việc hư hại vẫn tái diễn vì thời tiết, khí hậu quá khắc nghiệt. Nhiều đêm mưa lớn, đất sạt lở khiến van nước bị hỏng, đường ống bị gãy... Những lúc đó, không quản khó khăn, ông Hơi lại vác đồ nghề đi sửa.

“Ống sắt khó sửa hơn ống nhựa vì phải có kỹ thuật, có đồ nghề phù hợp. Khi các kỹ sư về bản lắp đặt đường ống sắt, tôi đã quan sát thật kỹ quy trình làm việc của họ, nhờ họ hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản, cách bảo dưỡng, tu sửa đường ống sắt khi có sự cố, ghi chép lại và mày mò chế thêm những dụng cụ đơn giản, dễ kiếm để sửa ống”, ông Hơi chia sẻ.

Thời gian đầu, bà Hồ Thị Dục (vợ ông) còn cằn nhằn việc “vác tù và hàng tổng” của ông, lo ông đi đêm hôm bị rắn cắn, nhưng sau thấy ông vui vì việc này, bà để ông “tự do”. Ông bà có bốn người con, ba người đã lập gia đình, ra riêng, chỉ còn cô con gái út đang học cấp II ở chung nhà, nên ông càng rảnh tay lo việc xã hội.

Ông Hồ Văn Lâng, Chủ tịch UBND xã Xi tự hào khi nhắc đến ông Hơi: “Ông Hơi là người có tấm lòng cao thượng, việc làm vì dân của ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều bằng khen. Ông Hơi còn là người có uy tín, giúp giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn trong thôn, xã”.

Thanh Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI