Kỷ niệm với chú Hai Tân

07/08/2014 - 11:22

PNO - PNO - Khi hay tin ông mất, lập tức trong trí nhớ tôi quay về tháng ngày cũ. Những tháng ngày ông vẫn thường đến làm việc, hỏi han, trò chuyện với cán bộ, công nhân viên báo Phụ Nữ TP.HCM. Lúc ấy, không chỉ tiếp đón một cán bộ lãnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Với cán bộ, phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Trần Trọng Tân không chỉ là một cán bộ cao cấp, mà còn gắn bó với tình chú cháu. Có thời gian, ông nhiều lần xuống tòa soạn làm việc, thăm hỏi và chúng tôi quen gọi “chú Hai Tân”. Khác với nhiều người khi đến chỉ làm việc với sếp, còn ông luôn hỏi han ân cần hết thảy, kể cả các nhân viên bảo vệ, tạp vụ trong cơ quan. Vì thế, mỗi lần chú đến là anh em nhao nhao “chào chú” thân thiện chứ không chào hỏi theo kiểu xã giao.

Lễ truy điệu đồng chí Trần Trọng Tân diễn ra lúc 6g sáng nay, 7/8. Lễ động quan lúc 6g30 cùng ngày (nhằm ngày 12 tháng 7 năm Giáp Ngọ). An táng tại Nghĩa trang Thành phố

Nhìn bề ngoài, ở ông luôn toát lên sự nghiêm nghị từ mái tóc bạc trắng đến dáng đi đứng. Thú thật, lần đầu gặp, tôi nghĩ ông cũng không khác gì nhiều “quan chức” thường chỉ ban hành mệnh lệnh, ít biết lắng nghe và né tránh những cuộc đối thoại cần thiết. Có lẽ nhiều người cũng có suy nghĩ này. Thế nhưng, suy nghĩ ấy đã thay đổi khi tôi bắt đầu đọc những bài lý luận của ông bàn về các vấn đề văn hóa, nếp sống và các suy nghĩ về thời cuộc...

Bài báo đầu tiên khiến tôi giật mình, bởi ông đã “nói khác” một điều mà trước đó nhiều người đã thừa nhận, hoặc dù nhận ra nhưng lại không lên tiếng “nói lại”. Nghĩ cho cùng, tranh luận về học thuật luôn cần thiết và cũng không nên quy định một “vùng cấm” nào. Lâu này trên báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng đều mặc nhiên thừa nhận: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong” là câu nói của Cụ Hồ. Người này viết, người kia chép lại và lâu dần cứ nghĩ Cụ Hồ là tác giả. Trên báo SGGP chừng mươi năm trước, ông Trần Trọng Tân đã khẳng định đó là hai câu thơ của nhà thơ Thanh Tịnh.

Ky niem voi chu Hai Tan

Nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Trọng Tân gặp gỡ các nhà báo nữ
tại Đại hội Hội Nhà báo TP.HCM năm 1993 -
Ảnh: Nguyễn Công Thành

Lúc đó, ngạc nhiên quá, tôi tra cứu lại tài liệu, biết cụ thể như sau: Trong Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (lần đầu in trên báo Nhân dân số 4722 ra ngày 14/3/1967), Cụ Hồ phát biểu: “Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Kiểm chứng lại Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị Quốc gia - 2002) cũng thấy ghi cụ thể như vậy (tr. 1359). Tìm đọc tiếp tập Thơ ca, có in bài thơ Dân no thì lính cũng no viết năm 1951 của nhà thơ Thanh Tịnh, trong đó có câu: “Trông lên thì thấy đầy sao/Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân/ Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong…” (tr.51). Chuyện này, nay đã rõ, nhưng “phát pháo” trước nhất của ông Trần Trọng Tân ở thời điểm đó dũng cảm quá đi chứ! Dũng cảm bởi ông dám “đính chính” trên báo của Đảng bộ TP.HCM, chứ không nói hùa theo người khác.

Trong quá trình công tác, ông Trần Trọng Tân viết nhiều. Lục lại thư mục tạp chí Xây dựng Đảng, tôi thấy hầu như từ trước năm 2012, số báo nào ông cũng có bài viết bàn về nhiều vấn đề thiết thực trong cuộc sống. Khi bàn Về vai trò lãnh đạo của Đảng ghi trong Hiến pháp, ông tâm huyết với suy nghĩ: “Điều 4 của Hiến pháp không phải là “giấy phép” cho Đảng giữ vai trò lãnh đạo. “Giấy phép” cho Đảng giữ vai trò lãnh đạo là từ lòng tin yêu của nhân dân” (Tạp chí Xây dựng Đảng số 1.2012, tr.8). Suy nghĩ này chắc chắn nhiều người trong và ngoài Đảng đồng tình. Thật lạ, hầu như cả cuộc đời, ông Trần Trọng Tâm luôn được tổ chức phân công giữ trọng trách về công tác tuyên huấn, tuyên giáo, do đó, ông có nhiều điều kiện suy nghĩ xuyên suốt về vấn đề tư tưởng - văn hóa.

Có thể nói, điều làm nên cốt cách của ông vẫn chí là tự học, có lần ông “tự bạch” rằng: “Từ năm 14 tuổi đến 19 tuổi ở nhà phụ giúp gia đình, vừa tranh thủ dựa vào sách vở của anh để lại mà tiếp tục học chương trình trung học, vừa đọc thêm sách báo. Các chuyện về anh hùng dân tộc đã kích động tinh thần yêu nước, nhưng đồng thời các truyện kiếm hiệp đã có ảnh hưởng sự ham thích mạo hiểm và anh hùng nghĩa hiệp. Các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã ảnh hưởng nhiều về tình cảm tư sản pha màu lãng mạn cách mạng. Đặc biệt một số bài thơ truyền tay của Tố Hữu như Dậy mà đi, Trăng trối… đã kích động mạnh ý thức cách mạng”.

Chính từ “nền tảng” ấy, như chính ông cho biết, đã thôi thúc ông đi làm cách mạng rất sớm, từ năm 19 tuổi, rồi trải qua nhiều lần tù đày, kể cả bị giam cầm ở Tổng Nha cảnh sát, Chí Hòa, chuồng cọp Côn Đảo… Có lẽ nhờ tự học, từ thực tiễn đấu tranh, trong những lần được chuyện trò, đọc các bài viết của ông, nhiều người luôn tìm thấy những ý kiến mới mẻ, có tính thuyết phục.

Khi hay tin ông mất, lập tức trí nhớ tôi quay về tháng ngày cũ, những tháng ngày ông vẫn thường đến làm việc, hỏi han, trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM. Lúc ấy, không chỉ tiếp đón một cán bộ lãnh đạo cao cấp mà chúng tôi còn thân mật gọi “chú Hai Tân” như người cùng nhà. Tình cảm ấy khó quên.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông và chia buồn cùng gia đình.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI