Kiềm chế ngay dịch cúm gia cầm

12/02/2014 - 19:22

PNO - PN - Mặc dù theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cả nước không có địa phương nào công bố dịch cúm gia cầm, tuy nhiên, dịch vẫn liên tục xảy ra lẻ tẻ tại nhiều nơi khiến công tác phòng, chống bệnh trở nên phức tạp.

edf40wrjww2tblPage:Content

VTV ghi nhận tình hình dịch cúm gia cầm đang lan rộng

Phát hiện nhiều ổ dịch mới

Ngày 11/2, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng ngăn chặn dịch cúm A/H5N1 sau khi phát hiện một ổ dịch tại xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia- 186/354 con gia cầm của một hộ chăn nuôi bị chết.

Tại Quảng Nam, từ hơn nửa tháng qua, bệnh cúm A/H5N1 đã xảy ra trên các đàn vịt của bốn hộ dân thuộc xã Duy Trinh và Duy Châu của huyện Duy Xuyên. Các xã Bình Chánh, Bình Nguyên huyện Thăng Bình cũng vừa phát hiện các đàn vịt nuôi của ba hộ dân chết nhanh, nhiều, có triệu chứng của cúm A/H5N1. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện, yêu cầu các địa phương khẩn trương đối phó với dịch.

Tại Quảng Ngãi, đến chiều ngày 10/2, nhiều xã tại huyện Đức Phổ đã phát hiện dịch cúm A/H5N1 ở gà, vịt. 1.865 con vịt của hộ ông Trần Ngọc Liền ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường đã chết vì H5N1. Hàng nghìn con gà tại các xã Phổ Hòa, Phổ Châu và Phổ Văn cũng chết với triệu chứng của bệnh cúm A/H5N1. Ngoài lấy mẫu gia cầm chết đưa đi xét nghiệm, điều động cán bộ thú y xuống địa bàn, cơ quan y tế của hai tỉnh trên cũng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh vịt, không tiếp xúc với mầm bệnh, không tiêu thụ sản phẩm gia cầm chết...

Chi cục Thú y tỉnh Nam Định cũng đã tiêu hủy 500 con ngan và vịt đẻ nhiễm cúm A/H5N1 của hộ gia đình ông Phùng Văn Nhân tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy; xuất kho 60 ngàn liều vắc-xin H5N1 để tiêm cho các đàn gia cầm trên địa bàn xã Giao Thủy và các xã giáp ranh…

Kiem che ngay dich cum gia cam

Gia cầm sống được bày bán, giết mổ tràn lan trên lòng đường tại khu vực Cầu Diễn (Hà Nội)

Tăng cường kiểm soát gia cầm sống tại chợ

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ tăng cường khâu giám sát dịch bệnh, đặc biệt là lấy mẫu vật phẩm tại các chợ gia cầm sống.

Tuy nhiên, tại các chợ, gia cầm sống vẫn được bày bán và giết mổ tràn lan mà gần như không có bất cứ cơ quan kiểm dịch nào “ngó ngàng”. Tại chợ tạm Cầu Diễn (Hà Nội), lúc nào cũng có hơn chục điểm bán gia cầm, kiêm dịch vụ giết mổ tại chỗ bày ngay trên trục quốc lộ 32. Lông gà vịt vứt bừa bãi, nước bẩn chảy lênh láng trên lòng đường. Tương tự, tại các chợ của Hà Nội như Văn La (Hà Đông), chợ Thành Công (Ba Đình)… không khó để có thể tìm những quầy gà sống được chế biến tại chỗ và những con gà giết mổ sẵn không có dấu kiểm dịch.

Theo Chi cục thú y TP.HCM, dù trước đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, nhưng hiện nay toàn TP vẫn còn tồn tại đến 36 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn 11 quận, huyện. Thời gian gần đây, tình trạng này tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu gia cầm sống trái phép qua biên giới cũng có chiều hướng tăng cao.

Tại cuộc họp với các ban ngành liên quan vào ngày 11/2, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu: “Chủ tịch UBND quận, huyện phải có phương án kiểm tra, xử lý triệt để việc kinh doanh gia cầm sống trái phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu còn để tồn tại tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép, hoặc xảy ra trường hợp có người nhiễm bệnh từ gia cầm trên địa bàn”.

Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước nguy cơ được cảnh báo, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh. Ngay trong tuần này, Bộ NN-PTNT sẽ có cuộc họp với các tổ chức quốc tế và với bốn tỉnh biên giới có nguy cơ cao, giáp với Trung Quốc. Ông Kỳ cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương, không giấu dịch bệnh để tránh lây lan trên diện rộng.

 H. Anh - Trung Việt - Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI