Khơi dòng

19/03/2015 - 07:23

PNO - PN - Sau ngày thống nhất đất nước, từ năm 1976 đến đầu những năm 1980, những khó khăn về kinh tế - xã hội diễn ra vô cùng gay gắt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bấy giờ, ông Nguyễn Văn Linh giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, lúc quan sát cửa hàng lương thực thấy cảnh hàng trăm người dân chen lấn, chầu chực mua gạo đã rất buồn và thường day dứt tự hỏi: “Miền Nam là vựa lúa mà giờ đến nông nỗi này là vì sao?”.

Khoi dòng

Sinh thời, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM kể - điểm đột phá trước nhất mà Thành ủy TP.HCM chọn là xóa bao cấp về lương thực:

Lúc chị Ba Thi làm giám đốc Công ty lương thực, đã có nói đi nói lại một câu mà tôi nhớ mãi: “Cái cơ chế của chúng ta, mua thì như cướp, bán thì như cho”, đủ thấy tình hình phức tạp như thế nào. Sau khi đồng chí Nguyễn Văn Linh và Thành ủy đã chỉ đạo làm thử (có khi “làm lén”, chưa dám báo cáo lên trên): xóa bao cấp, thực hiện ba lợi ích, lương sản phẩm trong công ty xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển... thì tình hình thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực: sản xuất bung ra, công nhân có việc làm, đời sống được cải thiện.

Lương thực không còn là vấn đề căng thẳng nữa, chúng ta được ăn gạo trắng, gạo ngon, ngoài ra còn giúp đỡ những nơi khó khăn hoặc đang thiếu đói vì bão lụt. Bấy giờ một số đồng chí lại phê phán nghiêm khắc TP.HCM chạy theo “cơ chế thị trường”, phát triển “chủ nghĩa tư bản”... Do vậy trong nội bộ đã có sự tranh luận rất gay gắt, căng thẳng”.

Để “thuyết phục” được Trung ương và được nhân dân ủng hộ, Thành ủy TP.HCM giao cho Ban Công nghiệp Thành ủy và các chuyên viên nhiệm vụ tham mưu, giao cho lãnh đạo nhà máy dệt Thành Công đi đầu thí điểm.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Chỉ có một Thành Công không đủ, phải cả trăm nghìn cơ sở thành phố tiến mạnh vào mặt trận chống quan liêu bao cấp, tháo gỡ để sản xuất bung ra, hiệu quả kinh tế tăng lên, đồng vốn, tay nghề của người thợ, tiểu chủ thành phố phải được huy động, công nhân có việc làm”.

Một khi đã được khơi dòng, nước sẽ tuôn tràn mạnh mẽ. Nhiều dòng nước sẽ tạo ra một sức mạnh mới. Sau thí điểm dệt Thành Công cho thấy việc làm phù hợp với quy luật tất yếu trong sản xuất, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo mở rộng thí điểm với các xí nghiệp như dệt Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng, nhà máy Caric, Sinco, Xí nghiệp Dược 2/9, Xí nghiệp công tư hợp doanh cao su Phạm Hiệp, Xí nghiệp gạch bông Đức Tân, Liên hiệp thuốc lá miền Nam, Nhà máy liên hiệp bia Sài Gòn, Công ty bột giặt Viso, Công ty Lương thực thành phố …

Có thể nói, với những cú đột phá chưa hề có tiền lệ tại TP.HCM đã dẫn đến cuộc họp lịch sử diễn ra tại Đà Lạt từ ngày 12/7 đến ngày 20/7/1983. Đây là dấu ấn trước nhất báo hiệu quyết tâm đổi mới để tiến lên của thành phố.

PGS-TS Phan Xuân Biên đã viết: “Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có cách làm ăn mới theo cơ chế của thành phố trực tiếp báo cáo với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương ở Đà Lạt (đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng...), rồi mời các đồng chí về thành phố tham quan, khảo sát thực tế... Sự kiện đó không chỉ “minh oan” cho cách làm theo kiểu “phá rào”, “làm lén” của thành phố để cố vượt ra khỏi cơ chế cũ, bảo thủ, vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước trước 1985, mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong hội thảo "TP.HCM: 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập", mọi người đều đồng tình: Với những việc làm mang tính tiên phong, dám nghĩ, dám làm vì biết lấy quyền lợi của dân làm mục tiêu tối thượng, Thành ủy TP.HCM đã có những bước đi phù hợp lòng dân. Từ hiện thực đó, Đảng càng quyết tâm và dứt khoát xóa bỏ cơ chế cũ, thực hiện đường lối Đổi mới.

 HUYỀN SƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI