Khi lớp trưởng cầm đầu vụ đánh đập dã man nữ sinh yếu ớt

12/03/2015 - 10:14

PNO - PN – Mấy ngày qua, xem clip “Nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng dã man tại lớp”, tôi cứ bần thần cả người. Sao những học sinh chỉ mới lớp 7 mà lại có những hành vi man rợ, ác độc thế? Và thật bất ngờ, “đầu têu” của vụ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi đã sốc thật sự khi xem clip. Ở đó, những em mặc đồng phục học sinh, ngay tại môi trường lớp học, lại có thể hè nhau túm tóc, đấm đá, phang ghế, quăng ghế vào đầu một nữ sinh bé nhỏ, đơn độc.

Xem clip, đọc các bình luận ở các trang mạng, tôi cảm thấy bần thần, chán nản, phẫn nộ và đặt ra nhiều câu hỏi quanh vụ việc này.

Tại sao vụ việc có thể xảy ra ngay tại lớp học? Tại sao các em học sinh nhỏ tuổi lại có những hành vi man rợ đến thế? Tại sao mãi đến khi clip bị tung lên mạng, nhà trường và gia đình mới biết vụ việc tồi tệ này? Giáo viên chủ nhiệm ở đâu?

Khi lop truong cam dau vu danh dap da man nu sinh yeu ot

Ảnh cắt từ clip nữ sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng dã man tại lớp, xảy ra tại Trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh.

Mới đây, tại buổi làm việc với phụ huynh, nhà trường cho vợ chồng bà Loan (mẹ nạn nhân P. trong clip) biết: do hôm đó, P. từ chối đi mua bánh và đi đánh bạn theo lời đề nghị của lớp trưởng nên P. bị “xử tội” hội đồng.

Mẹ nạn nhân cho biết, ngay từ nhỏ, bé P. đã tham gia học Aerobic và nằm trong đội tuyển năng khiếu của tỉnh, P. cũng đoạt nhiều huy chương khi tham gia hội khỏe Phù Đổng và giải Aerobic trẻ toàn quốc. Ở nhà P. rất ngoan, hiền, nhiều năm liền là học sinh giỏi.

Than ôi! Một nữ sinh ngoan, hiền, giỏi giang, lại bị đánh bầm dập chỉ vì không nghe theo lời đề nghị xằng bậy của lớp trưởng!

Lớp trưởng là ai mà ghê thế? Là đầu gấu của lớp?

Ở đây, đặt ra vấn đề quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm, của nhà trường.

Đã có một sự thiếu sát sao trong việc theo dõi, nắm bắt tâm tính, thái độ, hạnh kiểm của học sinh.

Một lớp trưởng tập hợp cả lớp đi đánh người, rõ là “không phải dạng vừa”. Tại sao bạn ấy được làm lớp trưởng? Và phải chăng lớp trưởng thường được giáo viên (trong nhiều năm) cho phép thay mặt mình trấn áp học sinh khác để giữ trật tự lớp, bảo đảm thành tích thi đua?

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, vào cấp 1, cô giáo thường phân công cho những bạn hiếu động, lanh lợi, “già sớm” hơn bạn khác làm lớp trưởng để thay cô “khiển” lớp. Không ít lớp trưởng trở thành “ông kẹ” vì vốn đã lanh lợi, lại có đủ quyền hành trong tay. Những bạn ngoan hiền, học giỏi chỉ có thể làm đến lớp phó học tập.

Khi tôi đi dạy Anh văn thiếu nhi ở một trường tiểu học bán trú tại TP.HCM, tôi cũng thấy rõ điều này. Lớp trưởng luôn là người lanh lợi, bặm trợn hơn “phần còn lại của lớp”.

Nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra rất tự hào, đi khoe với bạn bè, người thân việc con mình làm lớp trưởng, và “nó oai lắm”.

Nếu không được theo dõi, uốn nắn, các em này rất dễ ảo tưởng quyền lực, dễ sinh hư.

Ở trường, hơn ai hết, giáo viên chủ nhiệm phải là người nắm rõ tâm tính, hạnh kiểm các em này (vì các em mặc nhiên là cầu nối giữa giáo viên chủ nhiệm với lớp).

Nếu vì muốn giữ trật tự lớp, bảo đảm thành tích thi đua của lớp với nhà trường mà khoán việc “trấn áp” này cho lớp trưởng thì thật là nguy. Bởi, nó khuyến khích em này thể hiện tính “mạnh được yếu thua” ngay trong môi trường học đường và làm các học sinh khác cảm nhận (có thể là vô thức) về sự tồn tại mặc nhiên của bất bình đẳng, của “sức mạnh quyền lực”.

Hai đứa con tôi hiện cũng đang là học sinh cấp 2 và bản tính đều nhút nhát. Tôi không thể yên tâm khi nơi này nơi khác, năm nào cũng xảy ra các vụ học sinh “trừng trị” học sinh dã man.

Đầu năm học này, tôi tạm yên tâm phần nào khi cô giáo chủ nhiệm trình bày về “trường học thân thiện”, trong đó có việc học sinh bỏ phiếu bầu người mình tín nhiệm lên làm lớp trưởng, lớp phó học tập… Điều này tuy nhỏ nhưng nó thể hiện sự tôn trọng của “người lớn” đối với quyền bình đẳng, quyền tự quyết của các em.

Trẻ em như trang giấy trắng. Mọi động thái trong cuộc đời đều in lên trang giấy ấy những vết màu, mảng màu khác nhau, có sáng, có tối. Mong sao, những gam màu u tối không làm vấy bẩn tâm hồn các em, nhất là khi các em đang ngày ngày sống, học tập trong môi trường sư phạm, học đường. Niềm mong mỏi này dành chung cho tất cả các em, kể cả học sinh bình thường lẫn “quan chức của lớp”.

HỒ NGỌC DINH (quận Gò Vấp, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI