Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Cá lại chết, bốc mùi trở lại?

23/09/2015 - 07:27

PNO - Dọc con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè vào lúc nước rút có thể dễ dàng thấy hàng chục ống nước thải đen sì, bốc mùi hôi thối ùn ùn đổ ra con kênh.

Việc hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là niềm tự hào của TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, hiện nay, có nhiều đoạn kênh đã bốc mùi hôi thối trở lại…

Hiện nay, mỗi khi mực nước kênh rút xuống do thủy triều hay thì một số đoạn kênh trên địa bàn quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh lại bốc mùi hôi rất khó chịu.

 Kenh Nhieu Loc – Thi Nghe: Ca lai chet, boc mui tro lai?
 Kenh Nhieu Loc – Thi Nghe: Ca lai chet, boc mui tro lai?
Đoạn kênh ở thượng nguồn khá đục, chất bẩn cũng nổi lềnh bềnh với những con cá thoi thóp. Ảnh: Hải Yến.

Anh Phạm Tuấn Hoa (ngụ quận Tân Bình) cho biết : “Gần đây khi nước rút thì dòng kênh bốc mùi hôi, gặp lúc gió thổi vào nhà thì đúng là không chịu được!”. Để ghi nhận tình hình trên, PV Phunuonline đã đi dọc theo kênh với đoạn đường dài khoảng hơn 10km vào trưa 22/9.

Qua quan sát cho thấy, đoạn thượng nguồn con kênh (quận Tân Bình) dài 3-4km từ cầu số 5 trở về sau, đi đến đoạn kênh nào cũng có thể nhận thấy ngay đủ thứ loại rác thải nổi lềnh bềnh trong một dòng nước đen ngòm, ô nhiễm, hôi thối.

 Kenh Nhieu Loc – Thi Nghe: Ca lai chet, boc mui tro lai?
Rác thải được ném xuống kênh. Ảnh: Hải Yến.

Đã vậy nhiều người dân còn dùng nước kênh này để rửa các bịch nilon, phơi đầy dọc theo các bờ kênh. Thậm chí, theo phản ánh của nhiều người dân sống ở khu vực này, đây là nơi một số người dân coi là...nhà vệ sinh công cộng của thành phố.

Chính mùi hôi thối đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và kinh doanh của những hộ dân đang sinh sống và nhà hàng, quán ăn ven con sông du lịch này.

Những người dân sống nơi đây có chung bức xúc: “khi nước rút là con kênh lại bốc mùi. Nhất là sau khi mưa to xong, con kênh lại hôi thối hơn vì cá chết nhiều”.

 Kenh Nhieu Loc – Thi Nghe: Ca lai chet, boc mui tro lai?
Một người hành nghề vớt ve chai trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: Hải Yến.

Mặt khác, theo tìm hiểu của PV, từ khi thành phố mở tour du lịch trên dòng kênh này, đa phần khách chỉ đến tham quan vào lúc nước lên để tránh mùi hôi, những khi nước rút, lượng khách đến với tour này rất hạn chế.

Theo phân tích của ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), việc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè bốc mùi hôi thối do hai nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, TP Hồ Chí Minh đang trong cao điểm của mùa mưa, cộng với mực nước triều, nước sông Sài Gòn sẽ dâng cao hơn mực nước trong kênh. Nếu không đóng cửa xả chính ra sông Sài Gòn thì các quận trung tâm thành phố sẽ bị ngập.

Do đó, cơ quan chức năng thành phố đành chấp nhận đánh đổi ngập với tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể, thay vì mở cửa xả thường xuyên (trong mùa khô) để nước sông Sài Gòn vào rửa nguồn nước trong kênh thì bây giờ phải bịt lại nên nguồn nước dù được xử lý qua Nhà máy Thị Nghè (quận Bình Thạnh) vẫn bốc mùi thối.

Cũng theo ông Hồ Long Phi, nguyên nhân thứ hai là do hiện nay, nguồn nước sinh hoạt của nhà dân thải ra đều được thu vào các tuyến cống hộp để chuyển về nhà máy xử lý nước thải Thị Nghè chứ không chảy trực tiếp vào kênh.

 Kenh Nhieu Loc – Thi Nghe: Ca lai chet, boc mui tro lai?
Rác thải được ném xuống kênh dày đặc.

Thế nhưng, trong mùa mưa, khi mực nước kênh dâng lên thì sẽ tràn vào các tuyến cống này, làm cho nguồn nước thải trên bị rò rỉ vào kênh, khiến cho nước kênh bị ô nhiễm và bốc mùi. Thậm chí, nguồn nước trong mùa này chuyển thành màu đen rồi khiến cá chết là điều đương nhiên.

“Đoạn kênh ảnh hưởng nặng nề nhất là tại các tuyến đường Lê Văn Sỹ, Hoàng Sa, Trường Sa… (khu vực quận 3 và Tân Bình) do ở cuối nguồn, nước bị ứ lại”, ông Hồ Long Phi nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI