Huyền thoại về ngôi chùa có "đại hồng chung"

26/12/2015 - 06:49

PNO - Sắc tứ Linh Thứu là ngôi chùa cổ bậc nhất ở Tiền Giang nổi tiếng với giai thoại về đại hồng chung đã từng cứu vua Gia Long – Nguyễn Ánh.

Ngôi chùa 3 lần được sắc tứ

Sắc tứ Linh Thứu hiện nay nằm tại ấp Chợ, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Với hàng năm tuổi, ngôi chùa cổ này đã từng trải qua nhiều giai đoạn biến thiên của lịch sử, đã ba lần được sắc tứ vào triều đại nhà Nguyễn và từng được xem là ngôi chùa của vua.

Huyen thoai ve ngoi chua co
Cổng Sắc tứ Linh Thứu vẫn giữ một vẻ kiến trúc cổ kính theo thời gian.

Lúc đầu chùa chỉ là một am nhỏ bằng tre lá do bọn trẻ chăn trâu lập nên, vì thế được gọi là chùa Mục Đồng. Mãi đến năm 1722, một nhà sư từ miền Trung vào, tên  là Nguyễn Phước Chánh, pháp hiệu Nguyệt Hiện, đến trụ trì và xây cất tôn nghiêm hơn.

Tương truyền rằng, lúc này có một ông nhà địa lý đến chơi với hoà thượng trụ trì, ông này rất giỏi phong thuỷ. Sau khi xem xét kỹ càng đất ở đây, ông cho rằng chùa được xây dựng trên mạch đất suối rồng, ắt sẽ có chơn mệnh đế vương đến ngự. Sau đó vị trụ trì của chùa đặt tên chùa là Long Tuyền tự, tức là chùa Suối Rồng.

Huyen thoai ve ngoi chua co
79 ngọn đèn được đặt tại chánh điện.
Huyen thoai ve ngoi chua co
Cổng chùa tên Long Tuyền Tự vừa được tu bổ lại.
Huyen thoai ve ngoi chua co
Nơi thờ trụ trì Nguyệt Hiện - người được tương truyền là đã cứu vua Gia Long – Nguyễn Ánh.
Huyen thoai ve ngoi chua co
Tấm bia ghi lại lịch sử của chùa và câu chuyện cứu vua Gia Long – Nguyễn Ánh tại chùa.

Cũng theo tương truyền, trên đường bôn tẩu tránh quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh phải chạy vào chùa Long Tuyền trốn trong chiếc đại hồng chung và thoát nạn. Sau khi diệt được nhà Tây Sơn (Nguyễn Ánh lên ngôi lấy đế hiệu là Gia Long). Năm 1811, vua Gia Long ra sắc chỉ đặt lại tên chùa là Long Nguyện tự, tức là Bãi Rồng và cấp ruộng đất, 10 người dân phu cho chùa, xem như đây là ngôi chùa của nhà vua.

Huyen thoai ve ngoi chua co
Tuy chùa đã được tu bổ nhiều lần nhưng kiến trúc vẫn được giữ nguyên 1 vẻ đẹp cổ kính.
Huyen thoai ve ngoi chua co
Hai tấm biển hiệu là 2 tên đã được thay đổi của chùa.
Huyen thoai ve ngoi chua co
Một lư hương cổ được đặt tại chánh điện chùa.
Huyen thoai ve ngoi chua co
Hai tấm hoành phi mà Sắc tứ Linh Thứu được vua Gia Long tặng khi lên ngôi.

Đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho đổi tên chùa là Linh Thứu tự. Linh Thứu có nghĩa là nơi Phật thuyết pháp. Còn dân gian thì quen gọi là chùa Sắc Tứ, tức chùa được bảng vàng của nhà vua sắc phong cho. Năm 1937, vua Bảo Đại truy phong cho chùa một tấm biển, đề rằng: “Nam triều Lễ nghi bộ cung Sắc Tứ Linh Thứu cổ tự”.

Từ khi thành  lập đến nay, chùa đã trải qua hai lần trùng tu qui mô: lần thứ nhất là vào năm 1890 và lần thứ hai vào năm 1992.

Huyền thoại về đại hồng chung hơn 200 tuổi

Sắc tứ Linh Thứu có rất nhiều giai thoại, nhưng có lẽ giai thoại về chiếc đại hồng chung đã từng cứu vua Gia Long là được nhiều người biết đến hơn cả.

Theo ghi chép ở chùa tương truyền rằng, sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại trên sông Tiền đoạn Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Ánh bỏ lên thuyền chạy trốn. Dưới sự truy đuổi của quân Tây Sơn ông đã vào Long Tuyền tự để lánh nạn. Lúc này ông bị thương hàn rất nặng, nhưng rất may được vị sư ở chùa chăm sóc tận tình nên ông mau chóng khoẻ lại, cũng trong lúc này quân Tây Sơn đuổi đến chùa.

Huyen thoai ve ngoi chua co
Đại hồng chung trong tương truyền đã cứu Nguyễn Ánh khi quân Tây Sơn truy đuổi.

Trong lúc nguy cấp, trụ trì Nguyệt Hiện nhớ đến chiếc đại hồng chung trên đại điện nên cho Nguyễn Ánh vào đó trốn. Lạ thay, lúc này cổng chùa nhện giăng kín lối, cảnh vật hoang sơ, quân Tây Sơn vào lay chuông nhưng không thấy động nên đã bỏ đi, Nguyễn Ánh tai qua nạn khỏi. Sau khi lên ngôi, ông cấp cho chùa này tấm biển bằng gỗ quý có khắc chữ Long Tuyền tự để tỏ lòng tri ngộ.

Sau đó chiếc đại hồng chung đã bị lưu lạc 1 thời gian dài ở Bến Tre, nhưng sau đó lại trở về với Sắc tứ Linh Thứu cho đến ngày nay.

Huyen thoai ve ngoi chua co
Những nét chữ được khắc trên đại hồng chung gây nhiều tranh cãi về thời gian.

Hiện nay, tại Sắc tứ Linh thứu có hai chiếc đại hồng chung, chiếc trong tương truyền được đặt bên trái chánh điện. Bên ngoài chuông có khắc dòng chữ “Thiên vận Ất Sửu niên” (năm 1805) và dòng chữ “Gia Long thập nhất niên tặng phong Sắc tứ Linh Thứu tự”. Vị trụ trì hiện tại ở đây cho biết, cũng không chắc chắn dòng chữ trên được khắc khi nào.

Huyen thoai ve ngoi chua co
Chiếc đại hồng chung còn lại hàng ngày vẫn được các phật tử dùng để tụng kinh.

Hiện tại, một số nghiên cứu cho rằng, dòng chữ trên được các vị bô lão sau này khắc lại, và cũng có rất nhiều tranh cãi xung quanh giai thoại về chiếc đại hồng chung đã từng là nơi ẩn nấp giúp vua Gia Long thoát nạn.

Tiến Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI