Huế muốn "dán nhãn" thương hiệu "Bún bò Huế": Nhiều người phản ứng?

07/08/2016 - 06:47

PNO - Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu "Bún bò Huế" vừa được ban hành đang gây ra nhiều bức xúc.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu "Bún bò Huế" do ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ký ngày 13/7/2016.

Văn bản này có 19 điều, quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chí, phương thức quản lý, cấp, sử dụng và thu hồi nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế"... UBND tỉnh giao Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế quản lý nhãn hiệu này.

Thông tin trên Tuổi trẻ, đại diện Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế - đơn vị được giao soạn thảo quy chế nói trên - cho biết, quy chế chỉ là một phần nhỏ của đề án tạo lập quản lý và phát triển chứng nhận cho sản phẩm bún bò Huế của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tất cả đang trong quá trình thực hiện.

"Về nguyên tắc, khi mà nhãn hiệu đã được bảo hộ với cụm chữ "Bún bò Huế" thì các đơn vị phải đăng ký với tỉnh. Hiệp hội sẽ xem thử quy trình chế biến của họ có hợp vệ sinh hay không, đã tạo ra hương vị đặc trưng của bún bò Huế hay không, nguyên liệu để chế biến nên sản phẩm có đảm bảo các tiêu chí an toàn với sức khỏe hay không... Lúc đó, họ có thể sử dụng chữ "Bún bò Huế". Nếu không đảm bảo các tiêu chí đó thì họ có thể sử dụng "Bún Huế", "Bò Huế" hay "Huế bò" gì đó... chứ không phải là "Bún bò Huế"!".

Trước thông tin này, nhiều người dân, chủ cửa hàng tỏ ra bức xúc. Họ đưa ra hàng loạt những ý kiến.

"Tôi ở tận Nhật, Mỹ, Hàn... có phải về Huế xin phép không?"

Chị Vũ Thị Phương Thao (24 tuổi, Hà Nội) nhận định: "Tôi thấy thật là kỳ lạ. Đành rằng muốn bảo vệ thương hiệu món ăn của quê hương, thế nhưng địa phương nào cũng ra quy chế như vậy thì thật kích rích và khó khăn. Ví dụ như tôi đang tự sản xuất và bán bánh canh và bánh tráng Trảng Bàng gần tại Hà Nội. Vậy tương lai tôi có cần lên Tây Ninh xin giấy phép không.

Chưa kể, kéo theo một hệ lụy sau đó như xin được giấy rồi ai quản lý họ làm thế nào. Trên đất nước (chưa kể một số nước trên thế giới) có bao nhiêu quán hàng đặt tên Bún Bò Huế, liệu rằng có quản lý hết được không!".

Hue muon

Đồng quan điểm với chị Phương Thao, anh Nguyễn Thị Thúy Nga (32 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật) đặt câu hỏi: "Tôi đang sống tại Nhật Bản, tại đây cũng có quán Bún Bò Huế. Vì không có điều kiện về Việt Nam xin phép liệu có được không? Hơn nữa, giả sử ở bên này thì ai sẽ qua để kiểm tra xem làm đúng quy trình không?".

Theo quyết định này, nhiều người còn hài hước đặt ra một loạt tình huống như: "Con tôi tên là Huế, tôi muốn đặt quán bún bò tên con tôi vậy có phải ra Huế thì có lẽ không liên quan" hay "Tôi đặt là Bún Bò Huế nhưng kinh doanh phở hoặc tôi đặt tên là Bún Bò mà kinh doanh Bún bò Huế thì có bị xem xét không? Nhiêu đó cũng đủ thấy quy định này còn nhiều bất cập".

Chị Nguyễn Thị Duyên (hiện đang kinh doanh quán ăn sáng tại Mậu A, Yên Bái) cho rằng: "Huế nên để thương hiệu này phát triển nhiều nơi thay vì tạo khó khăn cho nó. Nói thật rằng, cũng một phần nhờ cái tên bún bò Huế mà nhiều người biết đến Huế nhiều hơn".

Nấu nướng cũng phải theo quy tắc?

Anh H.Đ.A (TP. HCM) cho rằng: "Bún bò Huế rõ ràng không ở trên trời rơi xuống. Nó có nguồn gốc và có một quá trình biến đổi, cải tiến và phát triển để có những loại bún bò Huế như ngày hôm nay. Tương lai người ta vẫn có thể phát triển thêm những loại hình bún bò Huế mới. Xưa thì bát phở chỉ có phở bò nay có phở gà, phở đà điểu...Bún riêu cua thì nay có cả thịt bò nhúng... chẳng ai cấm cả. Thích hay không là tùy thuộc khẩu vị cá nhân của người ăn.

Cũng như nhiều loại món ăn khác như Phở, Bún Thang, Hủ Tiếu, Mì Quảng...người ta luôn luôn tìm tòi, cải tiến để cho ra những sản phẩm dược công chúng ưa chuộng . Nó là nghệ thuật và mỗi nghê sỹ sáng tạo có những thủ pháp riêng, cách pha chế nấu nướng riêng tuy rằng chúng đều có một số căn cốt cơ bản.

Đã là nghệ thuật thì không thể như cái máy sản xuất được lập trình trước. Một bát bún bò không thể chuẩn hóa theo một công thức cứng nhắc. Nếu cứ chuẩn hóa thì còn gì là nghê thuật ẩm thực nữa. Nó sẽ là một sản phẩm công nghiệp , máy móc", anh A phân tích.

Cùng quan điểm với anh A., ông Nguyễn Tiến Trình (đầu bếp tại cho cửa hàng ăn tại TP.HCM) cho rằng: "Định hướng và cưỡng bức mọi người phải tuân theo quy tắc nấu nướng, theo một chuẩn mực nào đó của bất kì một món ăn nào chính là bức tử và kìm hãm sự phát triển của nghệ thuật ẩm thực".

"Về cơ bản thì không có gì sai (bia Sài Gòn, rượu Bàu Đá...) nhưng chủ sở hữu phải có công thức độc quyền, và nắm bí quyết công nghệ. Bên cạnh đó còn có các điều kiện khác như nguồn nguyên liệu, nguồn nước đặc thù thì mới là chủ sở hữu được, đằng này đây là món ăn mà bất cứ người Việt Nam nào có năng khiếu tí là làm được thì không nên cứng nhắc", đó là ý kiến của chị Thanh Mai (TP. Cần Thơ).

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI