Hơn trăm tuổi vẫn miệt mài mưu sinh

26/09/2015 - 14:58

PNO - Bà muốn mau lành bệnh để tiếp tục cuộc mưu sinh bằng nghề bán vé số. Mặc dù đã hơn trăm tuổi, nhưng bà không muốn làm phiền con cháu. 

Hon tram tuoi van miet mai muu sinh

Nằm trên chiếc nệm nhỏ trong căn phòng trọ thuộc khu vực 6, P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, cụ bà Đinh Thị Tam (ảnh) thỉnh thoảng lại xuýt xoa, trở mình.

Bà muốn mau lành bệnh để tiếp tục cuộc mưu sinh. Hơn tháng nay, trên đường đi bán vé số, bà bị một thanh niên chạy xe máy tông, chấn thương nhẹ ở đầu và tay rách, phải khâu mấy mũi. Người quắt queo, mái tóc bạc phơ, giọng nói phều phào, nhưng bà Tam còn minh mẫn lắm.

Bà đưa cho tôi giấy chứng minh nhân dân, ghi sinh năm 1922 tại Đà Nẵng, và “chú thích”: “Tuổi thật tôi sinh năm 1912, năm nay đã hơn trăm tuổi rồi”. Cử động khó khăn, vết thương chưa lành, nhưng khi có khách đến thăm, bà Tam không than thở câu nào.

Ký ức nhuốm màu thời gian thỉnh thoảng khiến bà móm mém bật cười. Bà kể lại chuyện đời mình: “Ba má tôi quê ở Đà Nẵng. Tôi mới sinh ra, má tôi mất, tới năm 15 tuổi, ba tôi cũng mất. Tôi theo người quen đi vào Nam, đi tới những nơi đâu tôi không biết, và tới Sài Gòn thì gặp chồng tôi là ông Lâm Văn Anh…”.

Sau bao nhiêu trôi dạt, ông bà dắt nhau về Cần Thơ sinh sống. Hơn hai mươi năm qua, cọc vé số trên tay là nguồn nuôi sống hai người. Họ sinh hai người con, một người đã qua đời, người còn lại là anh Lâm Văn Dũng, hiện tá túc bên quê vợ ở Sóc Trăng.

Mỗi ngày, bà Tam nhận 300 tờ vé số, khắc khoải từng bước chân trên những cung đường quen thuộc, quán cà phê bình dân. Nhiều khách hàng “mối” mua vé số của bà vì thương. Mấy năm trước, khi ông Anh trở bệnh, bà Tam cơm nước, chăm sóc cho chồng mà vẫn không nghỉ bán ngày nào.

Ông nằm đó nhưng không phải là gánh nặng mà vẫn mang cho bà nguồn vui sống. Sau mỗi buổi đi bán về, bao chuyện vui buồn ngoài phố, bà lại thủ thỉ kể cho ông nghe.

Có lần bị mấy tên nghiện hút chích lừa lấy vé số, bà về khóc với ông, chỉ để được ông an ủi, dỗ dành. Và, hôm sau bà lại đến đại lý giãi bày, lấy vé số đi bán tiếp.

Cách nay khoảng ba tháng, ông mất. Người ra đi thanh thản giúp người ở lại giảm bớt buồn đau. Nhắc đến ông, bà lại cười móm mém: “Ổng thương tui lắm, hiền lắm, mấy chục năm chung nhà, chưa bao giờ ổng chửi tui tiếng nào, đánh lại càng không”.

Ánh mắt mờ đục thoáng nét tinh anh pha chút lém lỉnh, bà nói: “Hồi còn sống, lúc đi làm được, bao giờ về đến nhà ổng cũng móc hết tiền đưa vợ, tui ăn hiếp ổng thì có”.

Bà đưa ông về Sóc Trăng an táng, con trai ngỏ ý mời mẹ về sống chung, nhưng bà Tam nhất định không chịu vì “ở dưới tù túng và buồn lắm”. Từ ngày đó, bà sống với đứa cháu nội. Trong căn phòng trọ nhỏ, tấm ảnh ông bà được treo trang trọng.

Suốt câu chuyện, chủ đề về ông là điều bà hào hứng nhất. Kế đến là chuyện bà ba lần về thăm quê trong khoảng thời gian hơn 80 năm lưu lạc ở xứ người. Bà nói, ông Anh cũng mồ côi sớm, hai người nương tựa nhau sống nên khi biết bà muốn về quê tìm lại người thân, ông tán thành ngay.

Theo trí nhớ mơ hồ của đứa trẻ 15 tuổi chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, ông bà bắt xe về miền Trung, lần dò, bà tìm được về nhà nhưng họ hàng người thân ly tán khắp nơi. Lần thứ hai, thứ ba là những lần đi theo tiếng vọng cố hương, nhớ quê, nhớ nhà…

Từ ngày bà bị tai nạn, anh Lâm Văn Dũng bỏ việc phụ hồ ở Sóc Trăng lên chăm sóc mẹ. Nhiều lần, anh bàn việc đưa mẹ về quê, nhưng bà nói, giờ còn tỉnh táo, tự lo được, muốn ở Cần Thơ dưỡng bệnh và tiếp tục đi bán vé số đến khi nào không được nữa mới thôi.

Trong câu chuyện về tình người, bà nhắc ba lần bị người xấu giật vé số và cả ba lần đều được người tốt thương tình góp vốn để đi bán tiếp. Bà kể: “Hôm trước mấy cháu cảnh sát giao thông Q.Ninh Kiều có vào thăm và cho biết đã tìm ra người khiến cho bà té, nhưng bà nói thôi kệ, bỏ qua cho người ta”.

Rồi bà chỉ quanh phòng trọ: “Hổm rày, người ta cho gạo, mì gói, cả mùng, mền, gối ôm, sữa nữa… không thiếu thứ gì, bà khỏe, lại đi bán tiếp chứ sẽ không phiền con cháu”.

Chia tay tôi, bà nói bâng quơ, như đúc kết cuộc đời mình và là lời nhắn nhủ: “Ở đời, phải siêng năng, chịu khó làm, cực nhọc gì rồi cũng qua”.

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI