Hôn nhân đồng tính bị “treo” lơ lửng

14/11/2013 - 23:06

PNO - PN - Hôm nay (14/11), Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Đồng tình với quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự luật, song các đại biểu (ĐB) Quốc hội cũng rất băn khoăn...

edf40wrjww2tblPage:Content

MANG THAI HỘ THEO HỢP ĐỒNG?

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) nói, muốn có con là nhu cầu chính đáng của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, vấn đề này hết sức phức tạp và tiềm ẩn những hệ quả khó lường. Bà Thanh kiến nghị: “Cần đưa ra những điều kiện, tiêu chí chi tiết về sức khỏe, thậm chí về đạo đức của người mang thai hộ để tránh hệ lụy đáng tiếc.” ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, thực tế chắc chắn sẽ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp nên cần xem xét kỹ lưỡng quy định này. Phải đưa ra chế tài xử lý và yêu cầu bàn tay kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Ông Phạm Huy Hùng cảnh báo: “Người phụ nữ mang thai đâu có nghĩa vụ trả lời rằng vì mục đích nhân đạo hay thương mại”.

Hon nhan dong tinh bi “treo” lo lung
 Ploy Ngọc Bích ủng hộ hôn nhân đồng giới

ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đồng ý đây là quy định có tính nhân văn. Song, phải quy định chặt để tránh bị lạm dụng, thương mại hóa. “Giả sử người nhờ mang thai hộ không muốn nhận con khi đứa trẻ có vấn đề về sức khỏe, bị khuyết tật thì sao? Nếu người mang thai hộ sinh đôi, sinh ba trong khi người nhờ chỉ nhận một trẻ, giải quyết thế nào? Trường hợp người mang thai hộ không trả con, xử lý ra sao? Liệu có nên quy định về hợp đồng mang thai hộ để hạn chế tranh chấp?” - bà Nguyễn Phạm Ý Nhi đặt ra nhiều giả thuyết đáng lưu ý.

Đề cập vấn đề hôn nhân giữa người cùng giới tính, ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) cho rằng, dự luật quy định mở hơn trước: “Trước đây cấm hoàn toàn nhưng thực tế họ (người đồng tính - PV) vẫn ở với nhau, không thể cấm được. Nay có thoáng hơn nhưng lại không công nhận thành ra vấn đề “treo” lơ lửng ở đó”. ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) góp ý: “Đưa vào luật mà lại để lửng, không cấm, cũng không thừa nhận, rất khó hiểu”.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội giải thích thêm, quốc gia nào cũng đi ba bước, từ cấm đến không thừa nhận và tháo bỏ hoàn toàn. Việt Nam bỏ qua bước cấm để tránh kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính. Sau này, khi nhận thức xã hội thay đổi, có thể xem xét thừa nhận.

Clip của VTC, về việc Nghị định 110 cho phép tổ chức đám cưới giữa người đồng tính

LUẬT HÓA LY THÂN, HỢP ĐỒNG HÔN NHÂN

Việc đưa chế định ly thân vào luật cũng nhận được sự quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng, không cần luật hóa ly thân: “Đưa vào luật để làm gì chưa rõ. Thời gian ly thân kéo dài bao lâu không thấy nêu”. Trong khi đó, nhiều ý kiến tại tổ TP.HCM lại bày tỏ đồng tình với chế định ly thân. ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Thực tiễn ở nhiều nước cho thấy, khi có chế định này, tỷ lệ ly hôn giảm”. ĐB Đỗ Văn Đương còn đưa ra một đề nghị khá táo bạo về chế định “hôn nhân tạm thời”, có thể dài hai-ba năm trước khi đi đến quyết định sống chung chính thức. Thực tế, giới trẻ hiện đang gọi hiện tượng này là sống thử. Một số ý kiến cho rằng, việc quy định về hợp đồng hôn nhân là một bước tiến quan trọng, tiến tới hài hòa với thông lệ quốc tế, song cần lưu ý thêm một số trường hợp để đảm bảo kín kẽ, ngăn chặn khả năng một bên cố ý lợi dụng.

Nội dung hạ độ tuổi cho phép kết hôn của nam giới (từ 20 tuổi xuống 18 tuổi) cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. ĐB Đào Văn Bình cho rằng, nên giữ như hiện tại bởi “nam 20, nữ 18” đã in hằn vào tâm trí người Việt Nam. Không đồng tình, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng, nam giới kết hôn ở tuổi 18 là phù hợp và “không có lý do gì để nói nam giới tuổi 18 còn non nớt”. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh cùng quan điểm: “Nam nữ cùng có độ tuổi kết hôn (18 tuổi) là phù hợp pháp luật dân sự và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI