Hội nâng vai trò giám sát và phản biện

22/10/2014 - 15:53

PNO - PN - Một trong những “việc khó” của Hội Liên hiệp Phụ nữ là thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Qua hơn nửa nhiệm kỳ (2012-2017), việc Hội vào cuộc giám sát việc quản lý các nhóm trẻ gia đình trên địa...

Hoi nang vai tro giam sat va phan bien

Dì Bách Thảo, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Nhóm trẻ gia đình (Q.9, TP.HCM) và các bé ở nhóm trẻ Phương Thảo

NHIỀU GIẢI PHÁP CHO NHÓM TRẺ GIA ĐÌNH

Hôm nay, ngày 20/10, Hội LHPN Q.9 ra mắt câu lạc bộ (CLB) Nhóm trẻ gia đình P.Phước Long B với 30 thành viên của 13 nhóm trẻ. Đây là CLB Nhóm trẻ gia đình đầu tiên của Q.9, và là CLB thứ bảy của TP.

Ít ai biết để có được những CLB thế này, Hội LHPN các cấp phải kiên trì, khéo léo thế nào. Với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, Hội tranh thủ sự đồng tình về chủ trương, thì với các hộ gia đình giữ trẻ không phép, Hội phải miệt mài vận động. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp từng chia sẻ: “Phải nói khéo, tế nhị để người dân không thấy mình “ép” họ vào CLB, không có ý định “đụng đến nồi cơm” của họ, mà là Hội đang chung sức giúp các chủ nhóm trẻ từ “không phép, tay ngang” trở thành những người đủ kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ và có thể từng bước xin được giấy phép giữ trẻ theo quy định”.

Trở lại thời điểm diễn ra Đại hội Đại biểu Hội LHPN TP.HCM nhiệm kỳ 2012-2017, các nhóm trẻ gia đình có phép, không phép bắt đầu nở rộ trên địa bàn TP. Dù lúc đó các nhóm trẻ này chưa “gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng Hội LHPN đã tiến hành khảo sát thực tế, chọn khu phố điểm để chuẩn bị xây dựng mô hình CLB Nhóm trẻ gia đình, nhằm hỗ trợ những nhóm trẻ này. Vì “cầm đèn chạy trước ô tô” kịp thời nên ngay sau Đại hội không lâu, khi hàng loạt điểm giữ trẻ không phép gặp chuyện như bảo mẫu đánh bé, ném bé, gây tai nạn, tử vong cho các bé…, Thành Hội đã lập tức vào cuộc, tiếp cận và xúc tiến cho ra mắt ngay hai CLB Nhóm trẻ gia đình thí điểm ở P.Tân Tạo, Q.Bình Tân và P.Linh Trung, Q.Thủ Đức. Vì hoạt động các CLB mang tính chuyên môn cao nên Hội LHPN TP đã phối hợp cùng Trường cao đẳng Sư phạm trung ương tổ chức các lớp sơ cấp nuôi, dạy trẻ cho các thành viên CLB.

Bên cạnh đó, để đề án thực sự hiệu quả, các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm lớp nghiệp vụ cho hàng ngàn thành viên các CLB và những ông bố, bà mẹ có con nhỏ về việc chăm sóc, giữ an toàn sức khỏe, tinh thần cho bé. Trong đó, có năm lớp sơ cấp nuôi dạy trẻ, thu hút hàng trăm bảo mẫu, chủ nhóm trẻ ở các quận Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình, 2, 7, 12, H.Củ Chi, H.Hóc Môn, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh tham gia.

Dì Bách Thảo (SN 1945), chủ nhóm trẻ Phương Thảo, đồng thời là thành viên Ban chủ nhiệm CLB Nhóm trẻ gia đình vừa ra mắt ở Q.9 cho biết: “Tôi tham gia CLB với hy vọng tất cả thành viên cùng “nhìn nhau mà làm”, tạo dựng được lòng tin của phụ huynh đối với các nhóm trẻ gia đình”.

Hoi nang vai tro giam sat va phan bien

Chị Vũ Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN P.6, Q.8 thăm hỏi, động viên các chị trong tổ hợp tác phụ nữ may gia công

KHÁ HƠN NHỜ VỐN VAY CỦA HỘI

Tháng 7/2014, Thành Hội trợ vốn mua 10 máy may công nghiệp (145.000.000 đồng) để thành lập Tổ phụ nữ hợp tác may gia công tại P.6, Q.8 nhằm hỗ trợ chị em hội viên, PN nghèo có cơ hội học nghề, ổn định việc làm. Dù chỉ mới hoạt động hơn hai tháng nhưng các thành viên của tổ đều phấn khởi cho biết, mức thu nhập của các chị đã tăng từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng/tháng so với trước. Chị Nguyễn Thị Chín (SN 1970) hồ hởi: “Trước đây, vì không có điều kiện mua máy may nên tôi đi vắt sổ thuê, lương rất bấp bênh. Kể từ khi vào tổ, có máy may mới, đầu ra ổn định tôi cảm thấy thoải mái tinh thần, không sợ thiếu việc, thu nhập được khoảng bốn, năm triệu mỗi tháng”.

Chị Vũ Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN P.6 cho biết, theo kế hoạch ban đầu, tổ có 30 thành viên. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, thấy hiệu quả nên hơn 10 chị hội viên trong phường đã chủ động đến xin học nghề và nhận hàng về làm. Tổ cũng tạo nguồn vốn riêng bằng cách đóng góp tự nguyện 100.000 đồng/tháng/thành viên. Số tiền này được phát vay không lãi giúp thành viên khó khăn trang bị thêm phương tiện, cải thiện điều kiện làm việc tại nhà.

Bên cạnh những nguồn vốn vay nêu trên, toàn TP hiện có 448.041 hội viên, PN tham gia các loại hình tiết kiệm tại chi, tổ Hội, với tổng số tiền 188,732 tỷ đồng. Nguồn tiết kiệm này trở thành vốn tương trợ, giúp vay không lãi để các chị buôn bán nhỏ (hủ tíu, bánh mì, thành lập tổ nấu ăn…). Nhờ chủ động triển khai các hình thức tiết kiệm gần gũi, thiết thực với cuộc sống của chị em mà việc sử dụng khoản tiền này cũng hiệu quả thấy rõ.

Theo báo cáo của Hội LHPN TP.HCM, trong chín tháng đầu năm 2014, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) phát vay nguồn vốn tín dụng tiết kiệm 11,785 tỷ đồng cho 2.223 thành viên. Các cấp Hội phát vay 78,569 tỷ đồng cho 12.461 thành viên, giới thiệu 805 hộ vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ giảm nghèo - tăng hộ khá với 11,570 tỷ đồng. Từ những nguồn vốn vay này, công tác hỗ trợ PN học nghề và tạo việc làm được chú trọng và ngày càng phát huy hiệu quả.

CHI - NHI - LÀI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI