Học tiếng Hàn để đêm tân hôn nói chuyện với chồng

22/11/2014 - 08:36

PNO - PN - Khóa đào tạo tiếng Hàn dành cho đối tượng di trú kết hôn đầu tiên do Trung tâm (TT) Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình TP.HCM (thuộc Hội LHPN TP.HCM) phối hợp với Tổ chức Di dân Hàn Quốc (thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc) tổ chức...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoc tieng Han de dem tan hon noi chuyen voi chong

1.017 đơn đăng ký khóa đào tạo tiếng Hàn là chừng ấy gương mặt và những câu chuyện không khỏi băn khoăn, xót xa...

“Em là cô dâu”

Họ tự giới thiệu như thế, khi đang ngơ ngác trong sân Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP, hỏi nhau lối vào nơi đăng ký lớp học, rồi cùng bắt chuyện, làm quen.

- Có thương không em, hay chỉ mượn đường?

- Thì cũng mượn đường, mà gặp rồi cũng thương...

Chỉ cần một cái gật đầu sau câu hỏi “cưới chưa?”, họ có thể cạn lòng cùng nhau những nỗi niềm. Theo chị Đ.T.T.T. (cô dâu quê Hậu Giang), hầu hết các cô dâu chị gặp đều lấy chồng để “mượn đường” sang Hàn Quốc kiếm tiền, báo hiếu cha mẹ, rồi tùy duyên may mà ý hợp tâm đầu. SN 1986, quanh năm chăm sóc người mẹ già yếu, rồi làm ruộng, nuôi heo; ý định lấy chồng Hàn chỉ nảy ra trong đầu chị T. khoảng 10 ngày trước khi chị trở thành một cô dâu Hàn. Tự nhận mình “già quá” nên phải lấy chồng già, đám cưới cũng phó mặc cho tổ chức môi giới định đoạt; chị T. phân trần: “Tại mất hết sáu năm cho tình đầu, rồi chia tay, dở dang hết. Nhưng thôi, ngày cưới mình cũng được mặc hai bộ áo cô dâu như ai...”.

Từng trốn lên TP.HCM làm công nhân để thoát khỏi áp lực từ cha mẹ khi các bạn đồng lứa đang ồ ạt sang Hàn Quốc lấy chồng, bốn năm sau, Thúy L. (SN 1991, quê Hậu Giang) lại quay về, tự đăng ký lấy chồng Hàn. Chấp nhận người đàn ông chỉ kém người cha nát rượu của mình hai tuổi làm chồng, L. tự an ủi: “Thôi thì ở vậy với cha mẹ cũng cực...!”.

Tách khỏi những cuộc trò chuyện, một vài cô dâu chọn một góc hành lang, chụp hình “tự sướng”, gửi qua cho chồng. Cô dâu V.T.L.H. (Kiên Giang) cười: “Cưới xong rồi suốt ngày chỉ có chừng ấy chuyện thôi đó, làm đẹp, nhắn tin, chat, chụp hình gửi qua”, rồi chị với sang các cô dâu trẻ, đùa: “Lấy chồng xong rồi vứt hết điện thoại cùi bắp ha!”. Họ bật cười. 33 tuổi, sau gần chục lần “chào đoàn” mới được một tài xế 55 tuổi chọn cưới, trước khi tiễn chồng trở về Hàn Quốc, chị H. được chồng dặn: “Anh già, nhưng em phải đẹp”.

Từ đó, H. tha hồ lấy cớ làm đẹp để “mè nheo” chồng. Có tiền, chị đi nhuộm cái đầu vàng hoe. Qua webcam, anh lắc đầu nguầy nguậy, chị lại vội vã đi đổi màu hạt dẻ. Mỹ phẩm, quần áo, điện thoại, cái gì chồng cũng cho mua, ngay cả lớp học tiếng Hàn này, cũng là chồng cho tiền chị đóng học phí. Nhưng, đã được “đầu tư” cái gì, thì phải báo cáo bằng hình ảnh, chồng “duyệt” thì mới yên.

Buổi chiều tập trung bốc thăm chọn ra 720/1.017 cô dâu cho ba khóa học đầu; cô nào được chọn học trước, rời hội trường bước ra sân, nhóm cô dâu chờ sẵn bên ngoài lại í ới: “Chuẩn bị được đi máy bay rồi hen!”, rồi họ cùng gật gật, cười vang. Ý là, đã trúng tuyển thì sẽ sớm được học, rồi được cấp visa, rồi được “bay” sang Hàn Quốc với chồng. Giọng một chị bâng quơ: “Qua đó rồi di chuyển bằng tàu điện ngầm, hổng phải đón xe đò như bên mình, cực chết!”.

Hoc tieng Han de dem tan hon noi chuyen voi chong

Cô Nguyễn Thị Yến đang dạy phát âm bảng chữ cái Hàn Quốc cho các cô dâu

Vài con chữ hành trang

Không còn lạ lẫm với sự mù mờ của các cô gái lấy chồng nước ngoài, nhưng khi đứng giữa hàng trăm người đã chính thức bước vào cuộc hôn phối mà vẫn còn cầm trên tay bảng từ vựng, ê a từng chữ cái ngôn ngữ xứ nhà chồng, chúng tôi không khỏi nặng lòng.

Từ tháng 4/2014, Bộ Tư pháp Hàn Quốc sửa đổi tiêu chí xét duyệt cấp visa cho người di trú kết hôn, theo đó, người được cấp visa phải đạt trình độ trên sơ cấp trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn. Những cô dâu kịp xin visa trước thời điểm ấy, xem như... “thoát nạn”. Cho rằng mình bị “mắc lại” bởi quy định mới này, chị N.N.Y. (SN 1992, Bạc Liêu) tâm sự: “Em làm giấy tờ hết rồi, mà tháng Năm vừa rồi mới cưới, trễ mất mấy ngày”. Trả lời câu hỏi: “Nếu không học, không biết tiếng, qua đó làm sao chung sống?”, Y. chỉ cười cười: “Không học thì… qua đó học”...

“Qua đó...” là một mệnh đề mơ hồ nhưng đầy hứa hẹn. “Qua đó đi làm kiếm tiền”, “Qua đó đổi đời”, “Qua đó rồi quen, rồi thương”, “Qua đó rồi học”.

Trước vẻ băn khoăn của chúng tôi, Y. mở cuốn tập học tiếng Hàn đầy kín chữ, khoe rằng chị đã tự học tiếng Hàn từ lâu. Biết giao tiếp tiếng Hàn sau gần một năm phục vụ trong một nhà hàng Hàn Quốc, yêu thích “môi trường của những người Hàn Quốc”, lại mê phim Hàn; Y. tự đi học tiếng Hàn, rồi... tìm đến một tổ chức môi giới, đăng ký lấy chồng Hàn. Tôi thở phào. Từ một niềm yêu thích hồn nhiên với xứ sở kim chi, vô tình, chị lại có chút vốn liếng mà sang xứ người, làm vợ...

Nhưng, người may mắn như Y. không nhiều. Mười mấy năm rồi mới lại đụng vô con chữ, ngồi ở cuối lớp A, cô dâu Nguyễn Thị B.N. (SN 1986, Hậu Giang) vừa ghi vừa lẩm nhẩm đọc mấy chữ cái vỡ lòng, chẳng buồn giải lao. Mặc cho “bạn học” bắt chuyện, N. chỉ cười cười: “tiếng Hàn khó quá!” rồi lại chăm chú vào cuốn tập. Nhìn cô dâu B.N., chị Nguyễn Thị Yến, một trong những giáo viên nói: “Họ siêng lắm, nhưng vì đọc, viết tiếng Việt còn nhiều chỗ sai nên học ngoại ngữ cũng khó khăn”.

Làm đám cưới ngày 16/11, sáng 17/11 đã nhập học, buổi học trùng với những giờ phút hiếm hoi được ở gần chồng khiến chị B.N. phân vân, khó xử. Nhưng, đêm tân hôn chẳng nói với nhau được lời nào, lại thêm những nỗ lực ra ký hiệu đối thoại bất thành, chị dằn lòng bỏ anh một mình ở khách sạn để đến dự khai giảng.

Dù có cùng một ngôn ngữ hay không, việc nói ra lời yêu, lời giận vẫn luôn là nhu cầu thường tình của mỗi cặp vợ chồng. Như chị Đ.T.T.T., “có biết gì về Hàn Quốc đâu” nhưng chị cũng ráng học nói “Em nhớ anh” bằng tiếng Hàn để bắt đầu mỗi cuộc trò chuyện với chồng qua webcam. Chỉ với nhiêu đó vốn từ, mỗi khi không hiểu ý anh, chị lại nhanh nhảu đọc “naega dangsin-eul geuliwo” (Em nhớ anh), để hai vợ chồng cười xòa, xí xóa cuộc chuyện trò dang dở.

Hoc tieng Han de dem tan hon noi chuyen voi chong

N.N.Y tự hào khoe cuốn tập đầy kín chữ Hàn

Nỗi lòng người mở lớp

Cầm những tờ đơn đăng ký nhiều lỗi chính tả, nét chữ nguệch ngoạc, bà Nguyễn Thị Liên Hiệp - Giám đốc TT Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình TP.HCM lo âu: “Tuy rất chăm chỉ, nhiệt tình, nhưng hầu hết các cô dâu đều có trình độ thấp, chưa thạo tiếng Việt, ít kiến thức về văn hóa của quê chồng; trong khi người Hàn Quốc rất coi trọng văn hóa gia đình, yêu cầu khắt khe với nàng dâu. Vậy nên, việc sắp xếp, thống nhất được một chương trình để người học có thể tự tin hòa nhập với cuộc sống ở nhà chồng đã gặp nhiều khó khăn”.

Chương trình học kéo dài bốn tháng, gồm các nội dung: 120 giờ học tiếng Hàn, 20 giờ tiết học đặc biệt, 20 giờ tìm hiểu xã hội Hàn Quốc. Ông Park Sang Soon, đại diện Tổ chức Di dân Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên một cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và một cơ quan của Chính phủ Hàn Quốc cùng hợp tác tổ chức lớp học dành cho cô dâu Việt, nhưng với sự hưởng ứng tích cực từ các cô dâu, tôi tin tưởng rằng hoạt động này sẽ giúp họ nhanh chóng thích nghi, hòa nhập và có một gia đình đa văn hóa hạnh phúc tại Hàn Quốc”.

Ông chia sẻ thêm, bên cạnh việc mở lớp học cho cô dâu Việt, Hàn Quốc cũng có những dự án hỗ trợ, bắt buộc các chú rể Hàn Quốc phải tham gia các chương trình giảng dạy văn hóa Việt trước khi đăng ký kết hôn.

Hội trường đầy kín người trong lần đầu tiên mở lớp là minh chứng cho thấy việc kết hôn với người nước ngoài vẫn diễn ra, ngày một rầm rộ, dù Hội LHPN TP vẫn giữ quan điểm không khuyến khích. Đường đến với người chồng ngoại quốc, xưa nay là lối mòn tượng hình từ những bước chân đi trước, cứ thế nối gót nhau, hồn nhiên, tự phát.

Dấn thân vào lối mòn ấy là thân gái dặm trường, hành trang lắm khi chẳng có gì, ngoài niềm tin vào một cuộc “lên đời” hay “đổi đời” thuần túy. Thôi thì, dù có dự phần vào lớp học ấy bằng nhận thức, hay chỉ vì tấm visa; bốn tháng ấy, sẽ như là món quà quê hương, làm đầy hành trang di trú của những nàng dâu xa xứ.

MINH TRÂM

“Khóa đào tạo tiếng Hàn dành cho đối tượng di trú nhằm giúp các cô dâu biết giao tiếp cơ bản tiếng Hàn. Bên cạnh đó, các cô dâu còn được tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, pháp luật, biết địa chỉ những cơ quan chức năng khi cần được giúp đỡ… để sau này dễ hòa nhập cuộc sống nhà chồng, tránh các xung đột do bất đồng ngôn ngữ và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình ở nước ngoài. Hội LHPN TP sẽ tiếp tục mở lớp cho các cô dâu vì đây là quy định bắt buộc của Bộ Tư pháp Hàn Quốc khi nộp hồ sơ xin visa phải có chứng nhận đã qua lớp sơ cấp tiếng Hàn do Hội LHPN TP và Tổ chức Di dân Hàn Quốc tổ chức”.

 Bà Trần Thị Phương Hoa
(Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI