Hiệu trưởng từ chức: tự trọng và tâm huyết

19/03/2015 - 07:15

PNO - PN - Ngay khi có thông tin Hiệu trưởng (HT) Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) - Phan Thanh Nguyên từ chức về vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, báo Phụ Nữ nhận được nhiều ý kiến của những người đã và đang làm quản lý giáo dục,...

edf40wrjww2tblPage:Content

* ThS Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp): Hiệu trưởng không thể "ba đầu, sáu tay"

Thầy HT tự động xin lỗi, nhận trách nhiệm về phía mình và xin nhận hình thức kỷ luật là cách chức HT là việc xưa nay hiếm. Theo tôi, đây là một HT có tự trọng và có tâm với nghề nghiệp và học sinh (HS) của mình, dù trong chuyện này, ông ấy không phải là người chịu trách nhiệm chính.

Trường nào cũng vậy, mỗi người một nhiệm vụ cụ thể, khi có sự cố sẽ quy trách nhiệm về đúng người, đúng việc. HT không thể “ba đầu sáu tay” có thể theo dõi hết mấy nghìn HS. Nhiệm vụ này phải do giáo viên chủ nhiệm (GVCN), giám thị (GT) theo dõi sát tình hình HS, khoanh vùng những HS đặc biệt, những khu vực dễ xảy ra đánh nhau để phòng ngừa, HT sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung.

Các trường tư có sự đầu tư lớn về hệ thống GT, camera quan sát nhiều để đảm bảo an toàn cho HS mà nhiều trường công khó có được. HS ngày nay rất nhạy cảm, chỉ cần một đụng chạm nhỏ cũng dễ làm bùng lên xung đột, đánh nhau, vì vậy BGH, GT, GV phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Phải tăng cường kỹ năng sống nhiều hơn, tạo sinh hoạt tập thể nhiều hơn cho các em nhằm hạn chế tính bạo lực.

* Thầy Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1): Không thể đổ trách nhiệm giải quyết bạo lực học đường lên hiệu trưởng

Vị HT nhận trách nhiệm về mình và tự xin hình thức kỷ luật như thế là vì có trách nhiệm với HS và nhà trường. Sự việc xảy ra làm HT thấy mình có lỗi, nhưng theo tôi, phải xử lý những người trực tiếp thực hiện. Tất nhiên, HT vẫn phải là người chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc xảy ra, nhưng trong trường hợp này thì những người trực tiếp như GT, GVCN, GV đứng lớp phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Bộ máy nhà trường có phân chia nhiệm vụ cụ thể, HT là người chịu trách nhiệm chung, bao quát nhiều công việc; GVCN, GT, bảo vệ sẽ theo dõi tình hình HS, bảo vệ an ninh trật tự trong môi trường học đường, phía trên còn có phó HT phụ trách những công tác này…

HT chịu trách nhiệm là đúng nhưng để dẫn đến hình thức kỷ luật cách chức hay đình chỉ công tác thì quá nặng trong sự việc trên. Theo tôi, chỉ nên khiển trách, hoặc cao nhất là cảnh cáo đối với HT bởi ông ấy không đáng là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này. Một trường có quy mô lớn với hơn 60 lớp, trên 2.000 HS thì cần thiết phải có hệ thống GT mới hạn chế được những rủi ro, trong giờ học thì GV chịu trách nhiệm, ngoài giờ học thì GT chịu trách nhiệm. Chúng ta cần phải nhìn nhận tính cách HS ngày nay phức tạp hơn, bạo lực học đường là vấn đề lớn mà cả xã hội và gia đình cần giải quyết chứ không thể đẩy hết cho nhà trường, càng không thể đẩy trách nhiệm lên vai một ông HT với mấy ngàn HS được.

* Chị Mỹ Trang, phụ huynh học sinh lớp 7 Trường THCS Châu Thành (Trà Vinh): Gia đình phải chủ động bảo vệ con

Sự việc nữ sinh đánh nhau vừa qua đúng là có lỗi của nhà trường một phần vì không theo sát tình hình của các em để ngăn chặn kịp thời. Nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường khi PH “khoán” con mình cho thầy cô, nhà trường. Mình có một-hai đứa con còn có thời gian quan tâm sát sao, chứ họ có tới cả trăm, cả ngàn học trò làm sao quản xuể; đó là chưa kể họ còn có công việc chuyên môn và cuộc sống riêng. Hơn nữa, những em đánh bạn đều có hoàn cảnh gia đình khiếm khuyết, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của các em. Vì vậy, tôi ủng hộ quyết định không đuổi học, bởi như thế chẳng khác nào đẩy cái xấu ra ngoài xã hội.

Với việc thầy HT tự động xin nhận hình thức kỷ luật cách chức, thiết nghĩ không nên, bởi đó hoàn toàn không phải lỗi của nhà trường. Đứng ở vị trí của một PH, chúng ta nên chủ động bảo vệ con mình và tập cho con biết cách xử lý khi có sự cố. Tôi dặn con mình giờ ra chơi nên tránh lang thang ở những nơi khuất, vắng vẻ; nên chơi ở chỗ đông bạn bè, hoặc gần phòng GV, căng tin… để dễ cầu cứu người lớn khi có sự cố; có việc gì cũng nói cho cha mẹ biết mới tránh được những việc đáng tiếc xảy ra.

Mới trước Tết, trong giờ ra chơi, con gái tôi cũng bị một số nữ sinh cùng trường dọa đánh vì tội… học khá, được thầy cô thương… Con bé liền cùng một vài bạn lập tức chạy lên phòng GV nhờ thầy cô điện thoại cho cha mẹ hay. Tôi bỏ hết công việc vào trường gặp GVCN ngay để dàn xếp sự việc.

Ngay hôm đó, BGH, GV mời tất cả HS có liên quan lên nói chuyện (có sự chứng kiến của PH), tìm hiểu gút mắc ở đâu và dàn xếp sự việc. Ngày hôm sau, nhà trường mời PH lên thông báo sự việc và hứa sẽ theo dõi sát tình hình. Bản thân tôi cũng chủ động dắt con đến nhà cô bạn đó để nói chuyện cho các cháu hiểu rõ nhau hơn để tránh xung đột sau này.

TIÊU HÀ ghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI