Hành trình nỗi nhớ

31/05/2015 - 14:04

PNO - PN - “Đời cha là đời tha hương con ạ”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cha trầm ngâm thổ lộ với tôi lời duy nhất ấy trong một lần cha từ nhà lên thăm tôi, khi ấy là sinh viên năm thứ ba đang ở trọ trong căn phòng bé xíu tại xóm nghèo bên lề thành phố. Khi nói điều đó, hẳn cha không buộc tôi phải nghĩ ngợi gì, nhưng chẳng hiểu sao nó lại thấm vào tôi như một dư vị xót xa.

Cha mồ côi năm mười bốn tuổi. Có lẽ gánh nặng gia đình dồn lên vai cha quá nhiều, bởi có lần cha kể cha vừa học vừa phải đi làm đồng, đêm lại đi cất vó tôm vó tép, mệt quá ngủ gục ở bãi tha ma. Cuộc đời cha trải nhiều vất vả, hẳn rồi, và chắc cũng có chút thăng trầm, cay đắng. Điều này tôi chỉ phỏng đoán, bởi những chuyện buồn riêng cha đều gói ghém trong lòng. Phần lớn thời gian cuộc đời, cha dạy học ở quê mẹ, rồi lấy mẹ tôi, rồi sinh con đẻ cái, mua đất dựng nhà.

Quê mẹ và quê cha trong cùng một tỉnh, khoảng cách địa lý chỉ hơn ba mươi cây số. Nhưng mấy chục năm trước, khi phương tiện đi lại chủ yếu là chiếc xe đạp cọc cạch băng qua bao nẻo đường ổ voi ổ gà thì sự di chuyển không thể gọi là dễ dàng. Đó là chưa kể những khác biệt về tập tục, về không gian văn hóa của hai miền đất, thói quen của hai gia đình, những biến động đổi thay trong cuộc sống cùng gánh nặng áo cơm luôn đè trĩu lên vai.

Hanh trinh noi nho

Nguồn: Xóm Nhiếp Ảnh

Nhớ ngày trước, mỗi lần đưa ba chị em chúng tôi về quê, cha mẹ thường phải đạp xe cả buổi. Đồ đạc mang theo ngoài quần áo còn có thuốc men cho ông nội, bi đông nước cùng vài nắm cơm chấm muối vừng, sang hơn là tấm bánh chưng.

Trong tâm thức của tôi, đó là quãng đường dài dằng dặc, mệt mỏi, ê ẩm cả người vì đường xóc, vì nắng nóng. Cách quê chừng mười cây số, cha đã sôi nổi háo hức hẳn lên. Vòng xe cha đạp nhanh hơn, tiếng cười cha sảng khoái hơn và những lời động viên cha dành cho chị em tôi cũng ấm áp hơn. Cha thường chỉ cho chúng tôi ngọn núi con rùa phân biệt với các núi khác bởi mỏm đá hình rùa. Cha bảo ngày nhỏ cha thường lên đấy chăn trâu, kiếm củi. Nhìn thấy núi con rùa tức là về đến quê con ạ.

Ông nội tôi đã qua đời từ nhiều năm trước. Những người chị người em và cả cha nữa mỗi người một bổn phận. Các cháu con anh con chị đã đủ lông đủ cánh, không cần đến sự bảo bọc của cha. Ai cũng băn khoăn cơm áo, vun vén gia đình. Ai cũng đang lớn lên, đang già đi. Chị em tôi không còn háo hức chờ đợi một năm hai lần về quê vào dịp hè và dịp Tết.

Đường sá rộng rãi, trải nhựa phẳng lì. Có việc thì vù xe máy một lúc là đến nơi. Cũng có khi cả năm chưa về. Cha và mẹ không đi được xe máy thì đã có taxi, ô tô. Số lần cha về nhiều hơn, nhưng thời gian lưu lại ít hơn. Sáng đi chiều đã về. Họa hoằn lắm mới nghỉ lại một đêm ở nhà anh em. Chẳng biết, khi ngồi trên xe với vận tốc 50 - 60 cây số, cha có kịp nhận ra núi con rùa đang lặng im nhìn cha từ phía xa kia không?

Trong danh sách sở hữu những miếng đất nhỏ được cắt ra từ mảnh đất rộng hơn 3ha mà ông bà nội để lại không có tên cha. Cha coi đó là sự nhường nhịn, là lẽ đương nhiên khi hộ khẩu thường trú của mình đang ở nơi khác. Khi ngôi nhà tranh cha sống thời tuổi nhỏ được thay bằng nhà thờ chung cho cả dòng họ, dù cha không được chia một tấc đất riêng, nhưng cha vẫn có thể trở về.

Đất đai có tình cảm, có sự ràng buộc vừa hữu hình vừa vô hình. Lúc cô đơn nhất, cha dựa vào quê hương để vượt qua. Cha khao khát trở về, bánh xe đạp vẫn mải miết quay tại chỗ và núi con rùa còn trầm mặc hơn xưa. Đến thế hệ con cháu cha, cuộc hành hương này lại tiếp nối những dặc dài nỗi nhớ.

Phải vậy không, thưa cha?! 

 ANH THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI