Hàng trăm lương y hành nghề “chui”

11/03/2014 - 12:00

PNO - PN - Thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Thế nhưng, đến nay hàng trăm lương y...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chủ tịch hội cũng… hành nghề chui

“Huyện Cần Giờ có bốn phòng chẩn trị y học cổ truyền miễn phí. Một năm, chúng tôi điều trị miễn phí cho gần 60.000 lượt bệnh nhân, châm cứu cho hơn 25.000 lượt người, nhưng tất cả lương y đều chưa được cấp giấp phép hành nghề. Bản thân tôi là Chủ tịch Hội Đông y huyện, hành nghề đã mười mấy năm, được phong tặng nhiều danh hiệu như: thầy thuốc trẻ tiêu biểu, giải thưởng Phạm Ngọc Thạch... nhưng cũng hoạt động… chui. Làm từ thiện mà quá hồi hộp vì suy cho cùng, chúng tôi hành nghề không đúng luật” - Lương y Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Đông y huyện Cần Giờ băn khoăn.

Tương tự, lương y H.V.C. (huyện Hóc Môn) bức xúc: “Tôi không biết tại sao, nhiều người học những chương trình do Bộ Y tế tổ chức lại có chứng chỉ, trong khi tôi học lớp đào tạo lương y ba năm ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM lại không được cấp".

Lương y Nguyễn Thanh Sơn phân vân: “Đội ngũ lương y ở huyện Cần Giờ rất mỏng, phần lớn là làm từ thiện. Khi lương y đứng tên ở các cơ sở từ thiện thì không thể đứng tên ở phòng mạch tư nên không thể kiếm thêm thu nhập. Nếu các phòng khám bị đóng cửa vì lương y chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) thì thật đáng tiếc. Bởi phong trào phát triển cây thuốc Nam và điều trị bằng Đông y phát triển khá mạnh ở huyện Cần Giờ".

Hang tram luong y hanh nghe “chui”

Nhiều lương y tại TP.HCM khám chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề - Ảnh mang tính minh họa

Bộ Y tế chậm, lương y thấp thỏm

Bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM cho biết: Nguyên nhân hàng loạt lương y chưa có CCHN là do Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn công nhận lương y (theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực vào ngày 1/1/2011). Theo Luật Khám, chữa bệnh thì những lương y nào được chuẩn hóa theo quy định của Bộ sẽ được cấp CCHN. Vì vậy, chỉ những ai có bằng chuẩn hóa lương y của Bộ Y tế thì mới được cấp CCHN, còn những lương y do Hội Đông y phối hợp với Sở Y tế, trường đại học y khoa các tỉnh/thành giảng dạy thì chưa được thừa nhận, dù họ được đào tạo bài bản và có thâm niên trong nghề.

Nhiều lương y cho biết, việc chậm trễ cấp CCHN sẽ gây khó khăn cho các lương y và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của ngành y học cổ truyền. Hiện, TP.HCM có từ 4.500 - 5.000 hội viên Hội Đông y, trong đó có nhiều lương y. Trước tình thế này, Sở Y tế TP.HCM đã tạm cấp lại giấy phép hoạt động cho những lương y từng được cấp CCHN và đã hành nghề trước đây. BS Lê Hùng trăn trở: “Chúng tôi đã kiến nghị lên Sở Y tế, UBND TP, Bộ Y tế những vấn đề khó khăn trong việc cấp CCHN. Hội Đông y rất mong sớm nhận được thông tư hướng dẫn về vấn đề công nhận lương y, lương dược của Bộ Y tế để các đối tượng này được hành nghề đúng luật “.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Sở chờ thông tư chuẩn hóa của Bộ về việc cấp giấy phép hành nghề cho lương y nhưng chưa thấy. Trước tình hình đó, Sở đã xin ý kiến UBND TP.HCM thành lập hội đồng, có các cố vấn chuyên môn để xét cấp CCHN tạm thời cho một số lương y mà trước đây đã có giấy phép hoạt động nhưng do vướng quy định mới nên chưa được cấp lại. Hiện Sở đã cấp CCHN cho khoảng 200 lương y. Những lương y nào muốn xem xét cấp CCHN tạm thời thì nộp hồ sơ về Hội Đông y. Hội sẽ xem xét từng trường hợp và làm công văn gửi qua Sở. Sở sẽ lập hội đồng và cấp CCHN tạm thời. Tuy nhiên, khi có CCHN chính thức, lương y có thể mở phòng chẩn trị ở khắp các tỉnh/thành; còn chứng chỉ tạm thời này chỉ hoạt động được tại TP.HCM.

Việc chậm ban hành thông tư chuẩn hóa lương y, Bộ Y tế đã vô tình đẩy hàng trăm lương y (riêng tại TP.HCM) vào tình thế hành nghề sai quy định.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI