Hàng loạt nguy cơ mùa mưa bão

17/06/2015 - 14:11

PNO - PN - Liên tiếp nhiều ngày qua, những trận giông lốc kinh hoàng ở Hà nội, Quảng Ninh… gây ra các vụ tai nạn thương tâm. TP.HCM đã bước vào mùa mưa bão. TP với hơn 30 bến đò ngang và vô số thuyền ghe nhỏ hoạt động trên các dòng sông,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hang loat nguy co mua mua bao

Ảnh: Phùng Huy

Bất an đò ngang, nhà ven sông

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP.HCM, nhiều nơi, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại khu vực cầu Phước Lộc (ấp 3, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè), nhiều hộ dân đang sống trong cảnh bất an. Ngay chân cầu Phước Lộc là căn nhà của ông Nguyễn Văn Trận đang nghiêng hẳn ra sông, gạch bong tróc, tường xé toạc, nước chảy tràn vào nhà. Theo ông Trận, căn nhà của ông bị nghiêng gần hai năm nay. Ban đầu ông còn “liều” mình ở trong nhà, nhưng khoảng một năm gần đây ông đã dọn ra ở nhờ nhà người quen.

Cạnh đó, căn nhà một trệt, một lầu của chị Nguyễn Thị Loan nhìn bên ngoài có vẻ chắc chắn, nhưng vào bên trong mới thấy hết nỗi nguy hiểm mà những người ở trong căn nhà này đang đối mặt. Nền nhà lún sụt, gạch bung tróc. Tường nứt chi chít khắp nơi. Lo sợ căn nhà lọt xuống sông, chị Loan cho biết: “Vừa qua tôi đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng làm kè chống sạt lở, nhưng tình trạng tường rạn nứt vẫn chưa dừng lại, khiến tôi lo quá. Gần đây, gia đình tôi phải chuyển xuống tầng trệt ở, không ai dám ngủ trên lầu, để có chuyện gì không may xảy ra còn chạy kịp”.

Cách đó khoảng 100m, gia đình của bà Nguyễn Thị Lắm cũng đang sống trong cảnh thấp thỏm lo sạt lở. Theo bà Lắm, vào mùa này năm ngoái, gần 200m2 đất khuôn viên nhà bà đã bị cuốn xuống sông. Hiện nay, khuôn viên xung quanh nhà bà đang có dấu hiệu sạt lở tiếp nên bà rất lo sợ.

Trở lại nơi xảy ra sạt lở thuộc xóm Đáy, ấp 1, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè làm bốn căn nhà trôi xuống sông cách nay khoảng một tháng, chúng tôi ghi nhận, dù khu vực này đã được kè tạm, nhưng nguy cơ sạt lở vẫn chưa dừng lại. Nhiều căn nhà gần đó tiếp tục rạn nứt, đất xung quanh nứt toác ra. Chị Nguyễn Thị Thà (nhà ở khu vực này) lo lắng: “Hiện nay buổi tối chỉ có chồng tôi ở lại ngủ trông nhà. Mẹ con tôi phải dọn đến nhà người quen ngủ nhờ vì lo sạt lở lúc nào không hay”.

Tương tự, trên địa bàn xã Tân Nhựt (đoạn chảy qua sông Chợ Đệm, H.Bình Chánh), nguy cơ sạt lở cũng đang ám ảnh người dân nơi đây. Cứ cách khoảng vài trăm mét người ta lại thấy một bảng cảnh báo khu vực nguy cơ sạt lở cao. Vùng này có khoảng 100 hộ dân sinh sống. Nhiều đoạn dọc bờ sông có thể nhìn thấy rõ đã từng xảy ra sạt lở.

Chị N.T.T., một người dân ngụ ở địa bàn này cho biết: “Lo sợ, nhiều lần tôi xin được di dời ngay nhưng chính quyền địa phương cứ bảo yên tâm, bờ sông đã được chống sạt lở bằng cừ tràm. Nhưng yên tâm sao được mỗi khi mưa xuống họ cảnh báo chúng tôi lưu ý nguy cơ cao xảy ra sạt lở”. Theo người dân ở các khu vực trên, họ đã đề nghị chính quyền địa phương làm bờ kè kiên cố chống sạt lở hoặc di dời họ đến nơi khác, nhưng rất nhiều lần chỉ thấy cơ quan chức năng đến khảo sát rồi… về, không biết đến bao giờ mới thực hiện.

Bên cạnh tình trạng sạt lở, nỗi bất an trong mùa mưa bão còn hiển hiện tại các bến đò ngang trên địa bàn TP.HCM. Theo quy định, chủ đò phải trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách. Nhưng tại nhiều đò ngang, dù áo phao được trang bị đầy đủ, khách vẫn không mặc. Chiều 16/6, có mặt tại bến đò Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè), nhìn con đò nhỏ chòng chành chở khách trong mưa băng qua lại trên sông Nhà Bè, chúng tôi không khỏi hoảng sợ. Lúc này khoảng 16g, nước sông Nhà Bè ngập lé đé mặt bờ, nước chảy rất xiết, mưa lất phất, nhưng trên đò, ngoài chủ đò và một nhân viên mặc áo phao, còn lại hầu hết hành khách đều không mặc.

Tại bến đò Bình Đông (Q.8), đường xuống đò trơn trượt. Một hành khách đã bị trượt chân ngã khi bước xuống đò. Khi lên đò, việc mặc áo phao cũng chỉ được thực hiện nửa vời, dù đò được trang bị khá nhiều áo phao. Khi tôi hỏi sao không nhắc nhở khách mặc áo phao, một nhân viên trên đò phân trần: “Áo phao để trước mặt họ đó, tại họ không chịu mặc, tui biết làm sao được”.

Hang loat nguy co mua mua bao

Một căn nhà bị sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cầu Phước Lộc - Nhà Bè -  Ảnh: Phùng Huy

Chống sạt lở, sẽ triển khai…sau mùa mưa bão!?

Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa (KQLĐTNĐ) TP.HCM, toàn TP có khoảng 34 bến đò ngang. Hiện nay việc cấp phép và quản lý chính các bến đò ngang được giao cho UBND các quận, huyện. Tham gia kiểm tra, ngoài lực lượng của các quận, huyện còn có lực lượng kiểm tra của KQLĐTNĐ, cảnh sát giao thông đường thủy.

Vào mùa mưa, công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với các bến đò ngang luôn được đặc biệt chú trọng. So với những năm trước, việc đảm bảo an toàn trên các bến đò ngang đã được chủ đò thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, tại một số nơi, vẫn chưa thực sự nghiêm túc tuân thủ quy định khi không có mặt cơ quan kiểm tra. Trong đó, vi phạm thường xuyên là hành khách không mặc áo phao, dù theo quy định chủ đò phải yêu cầu hành khách mặc áo phao.

Tương tự, đối với công tác chống sạt lở, theo KQLĐTNĐ, TP có khoảng 62 điểm sạt lở, hiện nay công việc kiểm tra, giám sát do chính quyền địa phương, thanh tra giao thông, KQLĐTNĐ… phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chống sạt lở, KQLĐTNĐ chỉ có trách nhiệm thi công kè. Trách nhiệm giải phóng mặt bằng do các quận, huyện thực hiện. Thực tế, việc giải phóng mặt bằng các quận, huyện thực hiện quá chậm, nên nhiều nơi có nguy cơ sạt lở cao vẫn chưa thể khắc phục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hòa An - Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè cho biết: “Huyện cũng rất lo tình trạng sạt lở khi mùa mưa bão đã đến. Hiện trên địa bàn huyện có đến 21 khu vực có nguy cơ sạt lở. Trong đó 12 khu vực có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Việc đền bù giải tỏa chậm là do trước đây TP chưa có hướng dẫn công tác đền bù giải tỏa đối với những hộ dân thuộc diện này. Vừa qua, TP đã chính thức có hướng dẫn. Huyện đang xây dựng phương án đền bù, giải tỏa, trình TP phê duyệt. Dự kiến nhanh nhất trong vòng hai tháng nữa mới xong”. Trước mắt, huyện sẽ giám sát chặt chẽ tình trạng sạt lở, khi có nguy cơ sạt lở cao sẽ di dời tạm người dân đến nơi khác để đảm bảo an toàn. Như vậy, nhiều khả năng công tác đầu tư công trình chống sạt lở sẽ được triển khai khi… mùa mưa bão kết thúc!

PHAN TRÍ 

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ), thời tiết năm nay diễn biến rất bất thường. Cả miền Bắc và miền Nam đều mưa muộn hơn năm trước. Tình hình mưa lại không đều như mọi năm mà ngắt quãng, sau đó xen lẫn nắng nóng kéo dài. Diễn biến thời tiết dạng này dễ gây ra mưa lớn bất ngờ, kèm theo sấm sét, gió giật mạnh. Dù công tác dự báo thời tiết, thủy văn có thể dự báo trước một tuần, hoặc một tháng, nhưng thời gian dự báo càng xa thì mức độ chính xác càng thấp. Trong khi thời tiết diễn biến như vậy là điều rất đáng lo.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI