Hà Nội: Cả họ làm quan "có thể là quan hệ hết sức ngẫu nhiên"

30/09/2015 - 07:52

PNO - Thành ủy Hà Nội cho rằng thông tin Bí thư Mỹ Đức lợi dụng chức vụ, bổ nhiệm họ hàng vào vị trí lãnh đạo là không thuyết phục.

Sáng ngày 29/9, trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội - ông Đào Đức Toàn gặp gỡ báo chí, giải đáp những thông tin liên quan đến vụ việc nhiều người trong gia đình của lãnh đạo huyện Mỹ Đức làm cán bộ công chức.

Ông Toàn cho hay, kết quả kiểm tra thông tin Bí thư huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang lợi dụng chức vụ, bổ nhiệm họ hàng làm lãnh đạo các phòng ban của huyện là không thuyết phục. Đối chiếu với những quy định hiện hành thì huyện Mỹ Đức không sai trong công tác cán bộ.

Tuy nhiên, phản ánh của người dân về việc con cán bộ lãnh đạo được điều động từ Ban quản lý di tích Hương Sơn về các đơn vị của huyện là có cơ sở.

Ha Noi: Ca ho lam quan
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nói về vụ “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Ảnh: Dân trí).

Vị trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội giải thích thêm: “Ở huyện có 8 đến 9 người quan hệ họ hàng với nhau, tôi cho rằng có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên. Còn nói những trường hợp cụ thể, hầu như cán bộ đều trải qua quá trình công tác ở huyện Mỹ Đức".

Trước đó, Đại hội lần thứ 23 Đảng bộ Huyện Mỹ Đức (diễn ra vào ngày 26/7) chưa đạt kết quả, có biểu hiện cục bộ giữa các vùng miền, bộ phận, dẫn đến việc một số chức danh theo đề án nhân sự được Thành ủy phê duyệt đã không trúng cấp ủy, như Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc huyện.

Kết quả đại hội đã tạo ra dư luận không tốt ngay trong nội bộ huyện. Thành ủy đã nhận được rất nhiều đơn thư, chủ yếu đơn nặc danh, nêu việc 14 trường hợp đang làm cán bộ tại các cơ quan huyện được cho là có quan hệ họ hàng với Bí thư Lê Văn Sang.

Thành ủy đã thành lập một tổ công tác làm việc với huyện, kiểm tra toàn bộ hồ sơ lưu trữ về bổ nhiệm các chức danh này.

Về vụ việc này, trước đó, trao đổi với báo Đất Việt, ông Phan Đăng Long, Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết hiện tượng "cả họ làm quan" không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam. Đây còn là một thực trạng tương đối phổ biến thậm chí ở cấp tỉnh.

Lý giải về điều này, ông Long nhận định đa số do tâm lý chung của người Việt, khi có người trong gia đình, họ hàng giữ những chức vụ nhất định thì đều có mong muốn nhờ vả để được ổn định.

Cũng có thể do con cái được tiếp cận từ trước, có sở thích, được bố mẹ hướng nghiệp và dùng năng lực của mình thi tuyển để được vào công chức Nhà nước.

Ông Long nhấn mạnh: Không thể khẳng định việc một cơ quan tổ chức không có những người quan hệ họ hàng với nhau là một tổ chức trong sạch. Bởi theo ông, ở đó có thể xảy ra trường hợp chạy tiền, chạy công chức.

Ngược lại, việc tổ chức có quan hệ họ hàng với nhau nhưng những quy trình tuyển chọn đúng theo quy định thì đó cũng không phải là sai phạm.

Thanh Mai (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI