Giáo viên nhập cư giữa muôn trùng vây

06/09/2014 - 12:31

PNO - PN - Do nguồn giáo viên tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu nên từ vài năm nay, TP.HCM đã tuyển cả giáo viên ngoại tỉnh. Để hòa nhập với cuộc sống mới, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, các thầy cô giáo nhập cư đã...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cô Võ Thị Thanh Hương - giáo viên (GV) Trường tiểu học Trường Thạnh (Q.9), kể: Cô tốt nghiệp cao đẳng tại TP.Vinh (Nghệ An) nhưng không xin được việc ở quê, nên vào năm 2010, hay tin TP.HCM có tuyển GV ngoại tỉnh, cô đăng ký và trúng tuyển. Tuy nhiên, bốn năm qua là một chặng đường vượt khó đối với cô. Giọng nói là trở ngại đầu tiên phải vượt qua.

“Lúc mới vào, tôi nói rất ít người nghe được, học trò không thể nghe tôi giảng bài, phụ huynh cũng không ưng cho con học một cô giáo nói giọng khó nghe, nên tôi buộc phải điều chỉnh. Mỗi buổi tối, tôi mở sách giáo khoa tiếng Việt ra để đọc và giảng theo giọng miền Nam rồi nhờ đồng nghiệp “kiểm tra” giúp. Giờ thì học sinh (HS) của tôi đã viết chính tả rất chính xác. Nhiều phụ huynh cũ còn bày tỏ nguyện vọng gửi tiếp con em vào lớp tôi” - cô Hương tâm sự.

Nếu khó khăn về giọng nói chỉ ở một số ít GV thì khó khăn về đời sống vật chất gần như không chừa một ai. Với mức lương khởi điểm chưa được hai triệu đồng/tháng, các thầy cô giáo phải tính toán rất chi ly mới tạm đủ trang trải cuộc sống. Cô Hương cho biết, dù một thân một mình nhưng hằng ngày cô vẫn phải đi chợ nấu ăn và mang cơm theo. “Tiền thuê phòng trọ đã mất 900.000đ/tháng, nếu không sống kham khổ thì không đủ” - cô Hương nói.

Giao vien nhap cu giua muon trung vay

Cô Võ Thị Thanh Hương đang hướng dẫn học sinh làm bài

Có con nhỏ như cô Nguyễn Thị Lệ Hoa (quê Phú Yên) - GV Trường tiểu học Trường Thạnh, thì cuộc sống còn khó khăn hơn. Cô Hoa cho biết, chồng cô nghề nghiệp bấp bênh nên cuộc sống gia đình gần như phụ thuộc vào đồng lương của cô. Đã bốn năm dạy học, hiện cô được lãnh ba triệu đồng mỗi tháng. Riêng tiền gửi con đi nhà trẻ đã hết 1,5 triệu đồng, 1,5 triệu còn lại phải chi tiêu cho mọi việc trong gia đình. “Khổ nhất là khi con đau bệnh. Vì không có người thân để nhờ vả, nên cháu bệnh nhẹ thì tôi bấm bụng gửi nhà trẻ, còn bệnh nặng thì tôi phải xin nghỉ dạy để chăm con” - cô Hoa tâm sự.

Trường tiểu học Võ Văn Vân (xã Phạm Văn Hai - H.Bình Chánh) hiện có 18 GV nhập cư từ miền Bắc, miền Trung. Để giảm bớt phần nào khó khăn cho các thầy cô, nhà trường đã tạo điều kiện cho những thầy cô còn độc thân được ở nội trú tại trường. Trong căn phòng nội trú, cô Phan Thị Giáo (quê Nghệ An) cho biết: tài sản của cô chỉ có sách vở, quần áo và một vài đồ đạc linh tinh. Những thứ còn lại như giường, tủ, kệ, bàn ghế, quạt… đều do nhà trường trang bị. Trong góc bếp, một soong canh chỉ có nước với vài cọng rau ngót, một soong thịt ram mặn chỉ có hai miếng nhỏ xíu và một nồi cơm nguội.

Dù cuộc sống vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các cô giáo trẻ như Phan Thị Giáo, Cao Thị Xuyên, Lương Thị Hảo và nhiều thầy cô giáo khác cho chúng tôi biết, họ hài lòng và tự hào được làm nghề mình yêu thích. Về nhà công vụ cho GV, ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó phòng Giáo dục H.Bình Chánh, cho biết: huyện có chủ trương sử dụng các điểm trường nhỏ lẻ để cải tạo làm nhà ở công vụ cho GV, nhưng do áp lực HS không ngừng tăng nên chủ trương này vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, Phòng chỉ đạo, tùy điều kiện, từng trường phải chủ động tìm cách tháo gỡ.

Gần Trường tiểu học Võ Văn Vân là Trường THCS Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh) cũng đang có gần 20 GV nhập cư. Riêng năm học 2014 - 2015 trường nhận 11 GV thì có đến sáu GV từ các tỉnh miền ngoài vào. Thầy Hồng Văn Tài - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ba năm về trước, đội ngũ GV của trường không ổn định, vì cứ sau ba năm công tác là GV lại xin chuyển về gần nhà. Nhờ có những GV nhập cư nên ba năm trở lại đây đội ngũ tương đối ổn định. Cô Lê Thị Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trường Thạnh (Q.9), thì khen ngợi “mấy anh chị em ngoại tỉnh rất chịu khó, tích cực cả việc trường lẫn việc nhà, biết sống tiện tặn”.

Ông Lê Trung - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục H.Bình Chánh, thông tin: cho đến năm ngoái, toàn H.Bình Chánh đã nhận khoảng 40 GV ngoài tỉnh. Khó khăn chung của cả ngành thì đã rõ, riêng đối với GV nhập cư còn thêm những khó khăn khác về chỗ ở, không có người thân để nương tựa khi cần, rồi giọng nói… Nhưng, họ có sức trẻ, sự nhiệt tình, không ngại khó khăn, nên hòa nhập vào cuộc sống mới rất nhanh. Nhờ họ mà đội ngũ GV của huyện đang dần ổn định. Năm ngoái, huyện ủy và UBND huyện đã tổ chức gặp mặt tất cả các thầy cô để cám ơn cũng như lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ.

Hy vọng, giữa muôn vàn khó khăn mà những GV nhập cư phải đối diện trước năm học mới, sự chia sẻ của chính quyền các cấp sẽ là nguồn động viên để họ thêm bền sức gắn bó với ngành giáo dục của thành phố này.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI