Giải trình việc tiếp thu ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

20/05/2013 - 19:42

PNO - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, bên cạnh đa số tán thành với quy trình sửa đổi Hiến pháp là giao Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp và luồng ý kiến thứ hai đề nghị Hiến pháp...

Giai trinh viec tiep thu y kien ve Du thao sua doi Hien phap

Toàn cảnh hội trường phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng

Lý do Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản, thể hiện chủ quyền của nhân dân, ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên phải do nhân dân quyết định. Việc quyết định Hiến pháp thông qua trưng cầu ý dân nhằm khẳng định quyền cao nhất của nhân dân là chủ thể của Hiến pháp, tạo nền tảng vững chắc cho hiệu lực của Hiến pháp, nâng cao ý thức và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tôn trọng và thi hành Hiến pháp.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong phiên họp chiều 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã nêu một số vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thu hút nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân.

Về chế độ chính trị, đa số ý kiến góp ý thống nhất đề nghị tiếp tục quy định tên nước là "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Tên gọi này ra đời

           Giai trinh viec tiep thu y kien ve Du thao sua doi Hien phap

   Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan                            Trung Lý. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, xa rời con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.

Song vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng 8/1945. Loại ý kiến này cho rằng việc lựa chọn tên nước là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta vì Lời nói đầu cũng như các quy định khác của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đều khẳng định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị một số tên gọi khác.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhận thấy, tên nước là "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hoặc "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Liên quan đến Điều 4, cơ bản là nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Qua tổng hợp, nhân dân tập trung góp nhiều ý kiến về cách thể hiện Điều 4. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất thống nhất với nội dung Điều 4 như trong Dự thảo đã công bố vì đã thể hiện một cách đầy đủ các nội dung và tinh thần của Cương lĩnh, Điều lệ Đảng về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng.

Song loại ý kiến thứ hai đề nghị viết lại một cách khái quát, cô đọng, tránh trùng lặp, theo đó, chỉ cần khẳng định vai trò của Đảng trong Hiến pháp là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, còn những nội dung quy định về bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, không cần thiết phải quy định lại trong Hiến pháp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không quy định Điều 4 vì Đảng là tổ chức chính trị, được tổ chức và hoạt động theo Cương lĩnh và Điều lệ.

Về xác định thành phần kinh tế, có 3 phương án được đưa ra trong Dự thảo và theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc xác định tính chất nền kinh tế đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định đối với định hướng phát triển Nhà nước XHCN ở nước ta. Tính chất định hướng XHCN của nền kinh tế Việt Nam bảo đảm mọi thành viên trong xã hội sẽ được hưởng thụ một cách công bằng hơn và tốt hơn các giá trị cũng như lợi ích của sự phát triển kinh tế. Định hướng XHCN của nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả, khiếm khuyết của kinh tế thị trường cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta.

Về sở hữu đất đai, cũng có 3 phương án đưa ra, tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai. Theo giải trình, quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý... thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay.

Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị-xã hội. Để làm rõ hơn nội dung này, Dự thảo đã xác định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Theo Chinhphu.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI