Gia tăng trẻ sơ sinh mắc thủy đậu

17/03/2013 - 07:58

PNO - PN - Tuần qua, mỗi ngày hai bệnh viện (BV) Nhi Đồng và BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) có gần 50 bệnh nhân bị thủy đậu (trái rạ) đến khám. Các bác sĩ (BS) cảnh báo, khác với mọi năm, năm nay số trẻ sơ sinh mắc bệnh nhiều hơn, đỉnh...

Ngừa lúc mang thai, con vẫn bệnh?

Ngày 14/3, tại Khoa Nội A, BV Bệnh nhiệt đới, chị L.K.Th. đang trông con 10 tháng tuổi mắc bệnh thủy đậu băn khoăn: “Đã chích ngừa trước khi mang thai ba tháng nhưng không hiểu sao tôi vẫn mắc bệnh, rồi lại lây cho con. Cả hai mẹ con phải cùng nhập viện để điều trị”. Một BS điều trị tại khoa cho biết, bản thân người mẹ dù chích ngừa nhưng vẫn mắc bệnh chứng tỏ cơ địa của thai phụ không đáp ứng với vắc-xin để tạo ra kháng thể ngừa bệnh. Khi cơ thể mẹ không có kháng thể thủy đậu thì chắc chắn sẽ không truyền kháng thể này cho con. Hơn nữa, kháng thể thủy đậu từ mẹ truyền sang trẻ sơ sinh chỉ tồn tại từ bảy - chín tháng.

Khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1 đang điều trị cho một bé gái (10 ngày tuổi) bị biến chứng viêm phổi nặng do thủy đậu gây ra. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh cho biết, năm nay, số trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu nhiều hơn mọi năm. Trước đây, khi chưa có vắc-xin ngừa bệnh, mầm bệnh lây lan trong cộng đồng cao nên nhiều phụ nữ đã bị bệnh thủy đậu và khi trưởng thành, lúc mang thai thì cơ thể họ đã có kháng thể. Còn hiện nay, có vắc-xin ngừa bệnh nhưng nhiều thai phụ không đi tiêm chủng nên trẻ sinh ra dễ bị bệnh thủy đậu. Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh thủy đậu là bệnh theo mùa, chủ yếu xảy ra từ tháng Hai - Sáu, tăng mạnh bắt đầu từ tháng Ba, nhưng năm nay đỉnh dịch đến sớm hơn.

BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 - cho biết, bệnh thủy đậu do vi rút Varicella zoster gây ra. Bệnh thường lành tính và chỉ có 5-10% trẻ mắc bệnh nhập viện do nhiễm trùng các nốt ban dẫn đến nhiễm trùng da, biến chứng viêm phổi, viêm não, thậm chí trẻ có thể bị viêm tủy, dẫn đến tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ chưa chích ngừa hoặc bị bệnh suy giảm miễn dịch sẽ bệnh nặng hơn những trẻ khác. Sau khi mắc bệnh, trẻ sẽ có miễn dịch lâu dài, ít có khả năng mắc bệnh lần thứ hai. Tuy nhiên vẫn có các trường hợp tái nhiễm thể nhẹ hoặc không có biểu hiện lâm sàng. Phụ nữ mang thai ba tháng đầu mắc phải thủy đậu, sẽ dễ truyền mầm bệnh qua nhau thai, khiến trẻ sinh ra dễ bị dị dạng.

Gia tang tre so sinh mac thuy dau

Hai mẹ con chị L.K.Th. bị thủy đậu đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Khó kiểm soát nguồn bệnh

Thủy đậu dễ dàng lây lan trong cộng đồng do vi-rút phát tán trong không khí khi người bệnh nói, ho, hắt hơi, dịch tiết của bóng nước. Bệnh lây lan khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi… có chứa vi-rút gây bệnh. Bệnh cũng dễ lây ở nơi đông đúc như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học do các nguyên nhân như phát hiện muộn, không áp dụng biện pháp phòng ngừa. Đáng nói, thời gian lây bệnh kéo dài từ hai-ba tuần sau khi người bệnh không còn nổi bóng nước. Hoặc có khi người bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng thì vi-rút cũng lây lan qua người khác.

Một số người thường mắc phải sai lầm khi bóp cho bóng nước vỡ ra để bôi kem liền sẹo. Cách làm này khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Một số phụ huynh còn kiêng gió, cữ nước cho bệnh nhân. Việc này cũng khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Bệnh thủy đậu lây lan sớm, độ lây lan cao nên việc chích vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ngăn ngừa và giảm độ nặng của bệnh. Thanh thiếu niên và người lớn cũng nên đi tiêm vắc-xin thủy đậu để tránh lây lan trong cộng đồng khi dịch bùng phát.

Vắc-xin được tiêm ngừa cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở đi nhưng phải chích lúc trẻ khỏe mạnh và chưa từng mắc bệnh thủy đậu. Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi sẽ được chích một liều. Trên 12 tuổi, được chích hai liều, khoảng cách giữa hai lần chích cách nhau sáu tuần. Theo BS Trương Hữu Khanh, trẻ từ 9-12 tháng tuổi, nếu gia đình có người mắc bệnh thủy đậu thì nên chủng ngừa vì thời điểm này, trẻ không còn kháng thể ngừa thủy đậu từ mẹ truyền sang.

Văn Thanh

Theo thống kê của BV Nhi Đồng 1, từ tháng Hai đến nay có hơn 560 trẻ mắc bệnh thủy đậu, BV Nhi Đồng 2 có gần 650 ca, BV Bệnh nhiệt đới là 400 trường hợp.

Thời kỳ ủ bệnh thủy đậu thường không có triệu chứng, nhưng khi khởi phát người bệnh sẽ có biểu hiện: sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ (ở trẻ nhỏ đôi khi không có biểu hiện này). Thời kỳ toàn phát thì nổi các nốt ban đỏ khắp người và sau 12-24 giờ, các nốt ban đỏ chuyển sang dạng nốt phỏng nước, bên trong chứa dịch trong suốt. Sau 5-10 ngày, các bóng nước tự vỡ, khô lại và bong vảy nhưng không để lại sẹo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI