Gia đình - Trại cai nghiện hay hang ổ chứa chấp?

16/11/2014 - 07:16

PNO - PN - Cú nhấn nút của các đại biểu Quốc hội chiều 10/11 thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2015, trong đó có việc đồng thuận đưa người nghiện không nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã làm...

Nhiều năm qua, kim tiêm, người nghiện đã là "đặc sản" khi ai đó nhắc đến tên con hẻm này. Các gia đình không dám mời anh em bạn bè đến nhà chơi. Nhiều con hẻm khác ăn thông với hẻm này nhưng người ta đi vòng để tránh, dù xa một chút, nhưng đỡ rủi ro, nguy hiểm. Một năm gần đây, người nghiện và những “chợ ma túy di động” tụ tập về nhiều hơn.

Không cần đếm, cũng thấy con nghiện đã tăng lên, đồng nghĩa với những màn giật dọc, trộm cắp quanh khu vực nhiều hơn, táo tợn hơn. Báo chí cho biết số người nghiện tại TP.HCM hiện tăng 7.000 người so với năm 2013, tổng cộng khoảng hơn 19.000 người, trong đó hơn 60% là con nghiện từ các tỉnh đổ về thành phố.

Gia dinh - Trai cai nghien hay hang o chua chap?

Người nghiện nữ "phê" ma túy đá.

Nhưng “người nghiện không có nơi cư trú” chỉ là phần nổi, phần còn lại chìm khuất song không nhỏ, là những người nghiện trong các gia đình. Nhiều nhà vẫn che giấu việc người thân nghiện ngập. Họ không chỉ xấu hổ với bà con, láng giềng mà còn do vẫn nuôi hy vọng hão huyền rằng sẽ giúp được người nghiện tự cắt cơn, tự bỏ thuốc, tự ổn định hành vi. Dù niềm tin ấy không biết bao nhiêu lần bị phản bội, nhưng tình thương, hy vọng của họ không dứt. Những gia đình ấy mong tình yêu thương, sự hy sinh của họ có thể giành giật người thân ra khỏi bàn tay của ma túy, họ đâu biết rằng, sự hy sinh của mình cũng chỉ dựa trên một hy vọng quá đỗi mong manh và đầy bất trắc, không chỉ cho gia đình mà còn cho cả cộng đồng.

Cậu thanh niên ấy đang học lớp 11 thì cha mẹ cho đi du học nước ngoài. Một năm sau, cha mẹ lén lút đưa cậu trở về rồi từ đó cậu ở mãi trong ngôi nhà luôn cửa đóng then cài. Dù vậy, thỉnh thoảng vào những buổi tối muộn, người ta thấy cha mẹ đưa cậu ra ngoài đi đâu đó, cậu hốc hác, gầy và trắng nhợt như bóng ma. Cha mẹ cậu nói với hàng xóm láng giềng rằng cậu bị bệnh. Người ta gật đầu thông cảm, nhưng không ai hỏi thăm cậu bệnh gì, vì người ta biết cậu nghiện ma túy.

Thỉnh thoảng từ trong nhà vẫn vọng ra tiếng la hét, tiếng bà mẹ khóc lóc lạy lục cầu xin con, tiếng dộng cửa rầm rầm. Những gia đình trong xóm ái ngại, dè chừng ngôi nhà đó. Người ta dặn con nít không được tụ tập trước cổng, không được chơi quanh nhà, vì sợ giẫm phải kim tiêm, sợ cả những điều gì chưa biết. Thời gian dần trôi, nụ cười tàn héo dần trên môi những người lớn trong nhà. Hình như họ cũng tắt dần hy vọng. Mà những gia đình chung quanh cũng cách xa dần. Bóng ma của “cái chết trắng” không chỉ tàn phá một cuộc đời trẻ trung, mà phủ xám cả những mối quan hệ của gia đình với xã hội.

Chỉ một tích tắc bất cần, người thân của bạn đã có thể vướng vào chiếc thòng lọng của chất gây nghiện. Nhưng cai nghiện thì lại là một con đường dài dằng dặc, có thể từ năm này qua năm khác chưa xong. Nhiều gia đình đã nhốt con trong nhà, đã gửi con vào bệnh viện, đã đưa con lên rừng, xuống biển, cách biệt với nguồn cung cấp ma túy, nhưng rồi chỉ một lần sơ sẩy là cuộc tái nghiện lại bắt đầu. Cả gia đình lao đao, phòng ngừa trộm cắp, lây nhiễm ngay trong nhà; bất kỳ lúc nào người nghiện cũng có thể lên cơn, gây tai họa, thậm chí là tội ác.

Gia đình đã bị biến thành “trại cai nghiện”, trong đó, những người bình thường sống chung với người nghiện, vô số rủi ro rình rập. Chất lượng cuộc sống giảm sút, trong khi nguy cơ tăng cao. Nhưng mấy ai đành tâm đẩy người thân ra đường? Truyền thống đùm bọc, chở che đã thành nếp nghĩ, nếp sống. Chỉ khi nào chính sách quyết liệt hơn nữa, nhận thức của người dân rõ ràng hơn nữa, thì con nghiện mới thôi lẩn tránh trong những “hang ổ” giữa đời thường như thế.

Có lẽ, sắp tới đây, những chiến dịch thu gom người nghiện không nơi cư trú sẽ làm cho phố phường bớt bất an. Nhưng những mối hiểm họa ẩn tàng trong mỗi gia đình thì còn khó khăn lắm, lâu lắm mới vơi bớt. Trong nỗi sợ hãi, giấu diếm của người thân, có cả nỗi sợ sau khi đi trại cai nghiện về, cho dù có dứt cơn, cũng không còn cánh cửa nào mở ra cho con em họ nữa. Một khi con dấu nghiện ngập, ma túy đã đóng lên nhân thân của một người, hầu như những cánh cửa nghề nghiệp đều khép lại.

Có niềm hy vọng nào cho những gia đình có con em chẳng may lỡ vướng vào con đường nghiện ngập hôm nay? Khi đã coi người nghiện là một vấn đề xã hội, đã có những quyết nghị ở cấp cao, đã mở ra những cánh cửa các trại cai nghiện để giúp người nghiện cắt, dứt cơn nghiện, thì cũng sẽ có những chính sách của Nhà nước, để mở thêm những cánh cửa tái hòa nhập, cho người cai nghiện thành công thực sự về với cuộc sống bình thường.

NGUYÊN QUÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI